Theo báo cáo nhanh của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tính đến hết ngày 14-10, cả nước hơn 2.184 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong đó, có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, hơn 41 trẻ là mồ côi cả cha, mẹ do đại dịch.
Để kịp thời chăm sóc, nuôi dưỡng, giảm nhẹ nỗi đau thương, mất mát của các em, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em này theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; chính sách hỗ trợ cho trẻ em tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo đó, các tỉnh, thành phố cần phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để hỗ trợ trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19; trẻ em có cả cha và mẹ hoặc cha hoặc mẹ tử vong vì nhiễm Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH).
Hiện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,83 tỷ đồng cho 1.541 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em) và 128 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 (mức 1 triệu đồng/trẻ em).
Đã có hơn 1.500 học sinh TP.HCM rơi vào cảnh mồ côi do dịch Covid-19 |
Đáng chú ý, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Hội LHPN Việt Nam triển khai sẽ thực hiện đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trước mắt tập trung vào đối tượng trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, Chương trình đặt ra mục đích: Vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai, nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trước mắt chương trình tập trung vào đối tượng trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng.
Hoạt động của "Mẹ đỡ đầu" được thực hiện có hiệu quả thiết thực, đảm bảo quyền trẻ em theo quy định của pháp luật. Các cấp Hội làm tốt vai trò kết nối giữa "Mẹ đỡ đầu" và các em, giám sát thực hiện chính sách và tham gia điều phối nguồn lực hỗ trợ, đảm bảo công bằng và hỗ trợ các con tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu 100% Hội Liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh, đơn vị trực thuộc, huyện/thị trên địa bàn cả nước tổ chức được hoạt động đỡ đầu phù hợp với tiêu chí của Chương trình. Phấn đấu 100% cơ sở Hội thuộc địa bàn có trẻ mồ côi do tác động dịch bệnh Covid-19 hưởng ứng, thực hiện kết nối/đăng ký/đồng hành hoặc trực tiếp làm Mẹ đỡ đầu của trẻ.
Các hoạt động được triển khai trong Chương trình bao gồm: Giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến trẻ mồ côi ở các địa phương theo chức năng của tổ chức Hội. Hỗ trợ, hướng dẫn các em và gia đình tiếp cận đầy đủ chính sách của Nhà nước. Giám sát và hỗ trợ đảm bảo an toàn phòng chống xâm hại trẻ em trong gia đình và cộng đồng.
Cùng với đó, vận động các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc; cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần nhân văn, tấm lòng nhân hậu của phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia hưởng ứng chương trình, trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.
Chương trình sẽ tiến hành các hoạt động cụ thể như: Các hoạt động hỗ trợ chăm sóc, kiến thức, kỹ năng: Tổ chức lực lượng hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại bệnh viện, trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi và tại các gia đình; Tư vấn sức khỏe, tư vấn tâm lý; Đảm bảo an toàn trong gia đình và cộng đồng; Hỗ trợ, kết nối đào tạo nghề sau tốt nghiệp trung học cơ sở.
Bên cạnh đó, tùy điều kiện, có thể hỗ trợ thêm tiền mặt hoặc vật chất (các sản phẩm dinh dưỡng, các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ; học phí, đồ dùng, thiết bị học tập...).
Văn Bắc
Ảnh: Bảo Phùng