Với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ.
Tại Phú Thọ, chương trình OCOP được triển khai thực hiện tại địa bàn các xã khu vực nông thôn trong toàn tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch số 4265/KH-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã xây dựng, ban hành kế hoạch, triển khai thực hiện. Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống; hình thành sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, vừa khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, vừa chuyển tải những sản phẩm mang tính nhân văn vùng, miền, tạo sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.
Toàn tỉnh Phú Thọ hiện đã có 235 sản phẩm OCOP đạt hạng từ ba sao trở lên. Năm 2024, tỉnh Phú Thọ lên kế hoạch phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 80 sản phẩm đạt hạng ba sao trở lên, với giá trị huy động gần 12 tỷ đồng; đồng thời dự kiến phát triển 67 sản phẩm mới hạng ba sao; bốn sản phẩm mới hạng bốn sao; bảy sản phẩm nâng hạng từ ba sao lên bốn sao; bốn sản phẩm nâng hạng từ bốn sao lên năm sao.
Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng có triển vọng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng có thị trường ổn định để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân; qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị sản phẩm truyền thống, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn gắn với phát triển hợp tác xã, ngành nghề, làng nghề nông thôn, du lịch dịch vụ và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Các sản phẩm OCOP đã đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Cụ thể, tỷ lệ các chủ thể OCOP gia tăng về quy mô sản xuất hoặc gia tăng sản lượng sản phẩm sau khi được công nhận là 55%, doanh thu bán hàng tăng bình quân 29%, tỷ lệ sản phẩm OCOP tăng giá bán sau khi được công nhận 50,53%, mức tăng bình quân về giá 15,7%.
Chương trình OCOP ngoài việc tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn còn góp phần thúc đẩy hướng đi phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Hiện tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 30%, tỷ lệ chủ thể là người dân tộc thiểu số chiếm 14%. Bên cạnh đó, Chương trình còn giúp các chủ thể chủ động trong phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối, tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. Trên địa bàn tỉnh đã có hơn 150 doanh nghiệp, trên 300 gian hàng cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đăng ký cung cấp sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử.