Suốt nhiều thập niên qua, thủ đô Tehran của Iran đã phải phát động cuộc chiến chống chuột. Tuy nhiên, vấn đề hiện trở nên nghiêm trọng khi những con vật gặm nhấm có kích thước “khủng” do đột biến gen ồ ạt đổ bộ vào thành phố.
Ước tính có tới 25 triệu con chuột đang “tấn công” Tehran. Sự xuất hiện ồ ạt của những con vật gặm nhấm tại thủ đô của Iran được cho là vì tuyết tan làm ngập lụt tổ của chúng. Theo nhiều nguồn tin, một số con chuột đột biến có trọng lượng tới 5kg.
Tình nguyện viên nhặt xác một con chuột chết khổng lồ ở một kênh thoát nước mở tại Tehran. Ảnh: Reuters |
Báo International Business Times dẫn lời Ismail Kahram – cố vấn môi trường của hội đồng thành phố Tehran nhận định, lũ chuột dường như bị một đột biến gen, có thể bắt nguồn từ phóng xạ hoặc hóa chất sử dụng tiêu diệt chúng.
Ông Kahram cho hay: “Bọn chuột hiện to lớn hơn và trông rất khác trước. Đây là những thay đổi thường có được sau hàng triệu năm tiến hóa. Trọng lượng của chúng tăng vọt từ 60 gram lên tới 5kg, khiến những con mèo hiện cũng nhỏ hơn chúng”.
Tờ Huffington Post đã tìm gặp nhiều chuyên gia về chuột để yêu cầu đánh giá độ xác thực trong tuyên bố của ông Kahram. Tiến sĩ David Baker, bác sĩ thú y cho động vật trong phòng thí nghiệm thuộc trường Đại học Louisiana, nói các con chuột không thể có được kích thước “khủng” nhờ đột biến.
“Gần như tất cả đột biến gen đã được nhận diện trong lĩnh vực sinh học đều có hại và mang tới bất lợi cho các loài. Hiện tượng này không giống như được phản ánh trong phim ảnh khoa học viễn tưởng”, ông Baker nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Baker khẳng định có một số loài chuột “khổng lồ” từng được phát hiện trên khắp thế giới có thể đạt tới kích thước to lớn như mô tả của quan chức Iran.
“Thời Trung cổ, loài chuột đen phổ biến ở châu Âu được ghi nhận phát triển lớn tới mức đủ để tha được trẻ sơ sinh. Chúng chắc chắn phải nằm trong số những cá thể khổng lồ trong thế giới loài vật gặm nhấm này”, ông Baker cho biết thêm.
Tehran hiện đang tăng cường các nỗ lực tiêu diệt chuột. Chính quyền thành phố đã nhập khẩu 45 tấn thuốc diệt chuột và thành lập các lều thông tin để hỗ trợ việc đối phó với vấn nạn này.
Nhà chức trách địa phương thậm chí đã huy động một đội lính bắn tỉa của quân đội để săn lùng chuột vào ban đêm, sử dụng súng trường có trang bị ống ngắm hồng ngoại. Giới truyền thông Iran đưa tin, tính đến thời điểm hiện tại đã có 2.205 con chuột bị tiêu diệt theo cách này.
Dù các con chuột tấn công Tehran có đột biến hay không, một số nhà khoa học cảnh báo, các cộng đồng chuột nhất định đang ngày càng trở nên kháng thuốc trừ diệt chúng. Năm 2012, một nhà nghiên cứu ở Anh đã công bố các phát hiện ước tính 75% số chuột ở miền tây nước này có khả năng kháng thuốc diệt chuột.
Tuấn Anh (theo Huffington Post, Reuters)