Với quan điểm có an cư mới lạc nghiệp, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 1754/KH-UBND ngày 12/6/2023 về xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 50% trở lên số thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận thôn (làng) nông thôn mới. Toàn tỉnh có 249/498 thôn (làng) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận thôn (làng) nông thôn mới (trong đó có 19 thôn đã được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2021). Các thôn (làng) còn lại hàng năm xác định mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí đạt được so với mục tiêu, lộ trình cụ thể, hạn chế thấp nhất các tiêu chí, chỉ tiêu năm sau thấp hơn năm trước; trong đó:
Giai đoạn 2022 - 2023: Toàn tỉnh tổ chức thực hiện điểm tại các cấp (tỉnh, huyện, xã), phấn đấu có 95 thôn (làng) đạt chuẩn nông thôn mới; Cụ thể: Tiếp tục rà soát, xây dựng đảm bảo duy trì sự đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Thôn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 đã được UBND tỉnh ban hành đối với 19 thôn (làng) đã được công nhận thôn nông thôn mới năm 2021. Các thôn (làng) còn lại phấn đấu cơ bản có 6/10 tiêu chí đạt chuẩn trở lên, ưu tiên hoàn thành các tiêu chí như: Tiêu chí số 1 về giao thông, số 2 về điện, số 3 về cơ sở vật chất văn hóa, số 4 về thông tin và truyền thông, số 8 về Văn hóa, giáo dục và y tế, số 10 về an ninh trật tự xã hội… Năm 2023: 95/95 thôn (làng) thực hiện điểm các cấp có 10/10 tiêu chí đạt chuẩn và được công nhận đạt chuẩn thôn (làng) nông thôn mới.
Đến năm 2025: toàn tỉnh có 249/498 thôn (làng) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận thôn (làng) nông thôn mới (trong đó giai đoạn 2024 - 2025 phấn đấu có thêm 135 thôn (làng) đạt chuẩn nông thôn mới).
Cùng với việc triển khai nội dung thực hiện và nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban ngành, tại Kế hoạch nêu trên UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phốChủ động rà soát, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm; vốn ngân sách huyện, thành phố đối ứng theo phân cấp hiện hành và lồng ghép, huy động xã hội hóa từ các nguồn hợp pháp khác để thực hiện xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; Đảm bảo tỷ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định. Chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ các xã thực hiện theo bộ thiêu chí đã ban hành.
UBND các xã chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện và phối hợp thực hiện xây dựng thôn (làng) nông thôn mới theo Bộ tiêu chí; quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước các cấp hỗ trợ để thực hiện Kế hoạch; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện Bộ tiêu chí.
Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các Hội, Đoàn thể ở xã tuyên truyền, phổ biến cho mọi người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng “Thôn nông thôn mới”; về các nội dung của Bộ tiêu chí; các chủ trương, cơ chế hỗ trợ, nhất là phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân tham gia thực hiện Bộ tiêu chí; tổ chức họp dân, vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng “thôn nông thôn mới”, trình HĐND xã thông qua để làm cơ sở thực hiện.