– Cái tao đoạn giữ phòng tuyến chống giặc Tống thời bình của các cụ bô lão làng Thọ Đức, Phấn Động cũng lắm cam go. Có thời kỳ, cả làng gom gạch vỡ để đánh nhau với các tàu hút cát, hay nửa đêm cả làng đốt đuốc kéo ra đánh nhau… tay bo là chuyện không hiếm!
Cả làng gom gạch vỡ làm… vũ khí
Ông Hoàng Đắc Luyện dẫn tôi ra sát mé sông Cầu, đoạn trước đền Phấn Động. Trông sang phía bên kia là khu quy hoạch làng nghề của xã Vân Hà (huyện Việt Yên, Bắc Giang), xuôi theo mạn tay trái là xã Dũng Liệt – hàng xóm của Tam Đa bây giờ.
"Hai chiếc tàu hút cát đậu mé bên kia của xã Vân Hà!" |
Một dãy tre bụi xanh um tùm được trồng sát mép sông. Di tích đền Phấn Động nằm phía bên lở. Trồng tre giữ đất là kinh nghiệm của cha ông hàng trăm năm nay truyền lại. Khu vườn rộng mênh mông ngót chục ha xanh um những cây nhãn lùn cổ thụ chính là bãi Yên Ngựa - nơi trước đây nhà Trần tập kết ngựa chiến.
Trỏ tay chỉ con đường mòn mở thông từ khu vườn xuống cửa sông, ông Luyện bảo: đấy là lối đi dân làng Phấn Động mở để… đánh nhau với các chủ tàu hút cát.
Một ngày, trung bình có 2-3 thuyền hút cát “thọc” cái vòi rồng xuống lòng sông, và nó nhè ngay đoạn sông trước cửa đền Phấn Động mà hút. Điểm giữa sông hết cát, những con quái vật này di chuyển vào sát bờ, rồi gí cái vòi rồng ấy vào gần sát dãy tre bụi.
Con đường mòn để dân làng Phấn Động mang gạch vỡ, chai lọ ra... chiến nhau với sa tặc. |
“Khổ một cái, cái vòi ấy nó sục xuống hút hết cát giữa lòng sông, cát ở mé bờ sẽ ụp xuống cái hõm ấy. Cho nên, nó cứ đứng im mà hút cát thì bốn xung quanh cũng sẽ bị lở hết cả!” – ông Luyện bức xúc.
Theo ông Luyện, gần chục tàu hút cát đang hoạt động trên địa bàn xã Tam Đa gồm có 2 tàu của làng Đại Lâm (làng nổi tiếng với cái nghề… nấu rượu không khói bằng cồn pha nước lã); hai tàu của thôn Thọ Đức, hai tàu khác của xã hàng xóm Dũng Liệt (huyện Yên Phong), hai tàu thuộc xã Vân Hà (huyện Việt Yên).
Mỗi tàu công suất chừng 50 khối. Một đêm, trung bình hơn 100 khối cát được móc lên từ lòng sông Cầu.
Ông Luyện cho biết, những hố sâu nơi thuyền hút cát vục vòi xuống có độ sâu cả chục mét. Đau xót nhất, mới ngày 1/4 vừa qua, một cháu bé tắm sông bị chết đuối ngay trước cửa đền Phấn Động, đúng ở cái hố sâu do tàu hút cát tạo nên.
Để đối phó với bọn 'giặc cát', làng Phấn Động tập hợp gạch vỡ, chai lọ thủy tinh thành từng đống rải dọc sát mép sông.
“Làm như thế để vòi hút cát của nó có xục vào gần bờ thì may ra bị tắc vòi. Có như thế thì may ra chúng mới chừa…Nhưng, phương pháp thủ công ấy của bà con làng Phấn Động không có hiệu quả. “Cái vòi của nó có gioăng bọc miệng vòi, nên chẳng bao giờ bị tắc cả…”.
Di tích bãi Yên Ngựa - nơi tập kết ngựa chiến của nhà Trần. |
“Mạnh tay” hơn, bà con làng Phấn Động gom tiền mua một cái đầu máy 5 triệu đồng để lắp vào chiếc thuyền xi măng, làm phương tiện chuyên dụng đuổi tàu hút cát.
“Cái thuyền của mình ra đến nơi, đứng bên cạnh tàu hút cát như đứa trẻ con đứng gần thằng khổng lồ, cũng chẳng ăn thua gì mấy. Có vài bận mình làm gắt quá, nó quay sang bờ bên kia thuộc huyện Việt Yên, thế là đành chịu. Địa giới hai huyện chia nhau từ tim lòng sông. Nó (chủ tàu hút cát) dọa, nếu sang bên ấy thì nó đánh chết. Thế là cả làng phải hậm hực về…"
Thôn Thọ Đức nơi có đền Miễu còn không hiếm những lần cả làng đánh nhau tay bo với tàu hút cát. Anh Nguyễn Văn Tú – thủ từ trông coi đền Miễu kể: “2h sáng ngày 12/6, một chiếc tàu hút cát cắm vòi ngay trước cửa đền. Được báo, cả làng kéo nhau ra đuổi tàu cát. Chủ tàu hung hãn dùng tuýp nước đánh lại đám trai làng Thọ Đức, và xảy ra xô xát. Dân làng đứng trên bờ ném gạch vỡ ra phía tàu. May mà công an xã đến, nếu không bên chủ tàu kia chắc có người bị dân làng đánh trọng thương”.
“Xã chịu thua rồi!...!”
Phó Chủ tịch xã Tam Đa, ông Bùi Đình Minh thở dài sườn sượt: “Cả tháng nay, chúng tôi có làm ăn được gì đâu. Thời gian chủ yếu tập trung cho việc dẹp bọn hút cát, việc nhà, việc chính quyền cũng đều gác hết lại. Chúng tôi bất lực rồi…”.
Mấy năm nay, dân quân, công an xã có thêm nhiệm vụ mới: Chống “sa tặc”! Anh Nguyễn Văn Quý – trưởng công an xã lắc đầu chán nản: “Chúng tôi chịu thua nó rồi! Anh bảo, thuyền của xã chạy đầu máy 6 mã lực, trong khi thuyền hút cát vài chục mã lực. Anh em dân quân chưa kịp xáp lên thuyền, đã bị chúng lấy vòi rồng phun bùn, cát sang, nhiều lần đắm cả thuyền.
Mấy bận, chúng tôi đánh “giáp lá cà” với thuyền hút cát, không khác gì trẻ con đánh trận. Mà chỉ dám đánh đuổi trong địa phận sông của Tam Đa. Cứ ra khỏi địa phận ấy, thuyền vạn chài bên Nguyệt Đức kéo đến “quây tập thể”, chỉ có nước nhảy xuống sông mà trốn!”.
Phế đô lò gạch khiến bộ mặt sông Cầu đoạn có phòng tuyến sông Như Nguyệt trở nên nhem nhuốc... |
Cả tháng nay, chính quyền xã mất ăn mất ngủ vì đối phó với thuyền hút cát. “Bây giờ chúng khôn lắm. Sáng sớm, trưa muộn, hoặc xẩm tối, toàn những lúc xã không làm việc, thuyền hút cát như từ trên trời xuống, “hút trộm” kiểu… đánh quả lẻ. Chúng tôi cầu cứu công an đường sông của tỉnh rồi, nhưng đâu vẫn hoàn đấy!”.
Việc hút cát tự phát sẽ tạo nên những rãnh sâu giữa lòng sông. Những rãnh này sẽ hút đất hai bên bờ xuống. Nhiều đoạn đê đã nhìn thấy những rãnh nứt. Xã lo cho đê. Còn các cụ thuộc BQL di tích Phấn Động, cứ nghe tiếng máy nổ của thuyền hút cát, lại tập trung trước cửa đền họp bàn kế sách.
Các cụ lo, cứ như thế, chẳng mấy chốc những thuyền hút cát sẽ… hút luôn cả di tích của các cụ xuống lòng sông! “Mà này, từ hôm thuyền hút cát chuyển xuống Tam Đa khai thác cát, chúng hút được cả những mũi tên đồng, kiếm đồng cổ, có chữ Tàu khắc bên trên… Tất cả, đang được giữ tại nhà ông chu tịch xã. Bên bảo tàng tỉnh đang muốn xin lại về khảo cứu. Còn chỗ anh đứng, xưa nguyên là bãi Yên Ngựa, một trong những kho hậu cần của cụ Lý Thường Kiệt đấy!”.
Cuộc chiến chống sa tặc, cơ chừng xã đã nắm chắc “phần thua” mất rồi. Nguyên nhân, là do lực lượng của xã quá mỏng! Công an đường sông trên tỉnh mấy lần có về. Nhưng chẳng biết lý do làm sao, “sa tặc” đều biết tin tức rồi tẩu tán hết. Các cụ thì đoán già đoán non: chắc “nó” có chân trong.
Còn có người thì thở dài: “Công an đường sông cũng không dẹp được, nói gì đến xã. Chưa nói đến phương tiện cho anh em đi bắt thuyền hút cát, ngay cái trang phục thường phục của anh em, chẳng đứa nào nó sợ. Nếu mặc đồng phục công an, quân đội, may ra chúng nó còn hãi…”.
Đê trọng yếu cũng bị xâm hại!
Tuyến đê sông Cầu chạy qua địa phận Tam Đa dài hơn 3km. Trên cột mốc, nó được ghi là: đê trọng yếu Tam Đa. Như thế, tất cả các hoạt động khai thác cát dưới lòng sông, xâm hại đê đều bị cấm tuyệt đối. Thế nhưng, “chơi” hết đất di tích, đất chân đê cũng đang bị “ngoạm”!
Đến bao giờ sông Cầu mới "nước chảy lơ thơ"? |
Một loạt những ngôi nhà kiên cố đã được người dân dựng dọc 2 bên thân đê. Theo quy định về hành lang an toàn đê điều, khoảng cách an toàn là 25 mét tính từ tim đê trở xuống. Nay, dọc Tam Đa, mái đê cũng còn bị đe doạ.
Ông phó chủ tịch xã giải thích: “Tam Đa là xã ven đê. Trục đường huyết mạch chạy qua xã cũng là đường đê sông Cầu. Muốn buôn bán, kinh doanh, người dân theo đó cũng phải bám lấy thân đê mà sống. Xã còn thừa rất nhiều đất trong quỹ đất 5%, nhưng không người dân nào chịu di dời. Thuyết phục không được, xã cũng phải chịu chứ biết làm sao nữa!”.
Phó chủ tịch xã Bùi Đình Minh: "Chúng tôi đau đầu lắm...". |
Cũng theo các cụ trong Ban quản lý di tích lịch sử quốc gia đền Phấn Động, một tin vui đến với các điểm di tích phòng tuyến sông Như Nguyệt, là thời gian tới, sẽ có một dự án nâng cấp, trùng tu, tôn tạo và bảo vệ các điểm di tích xưa cũ.
Dự án này được đưa từ Trung ương xuống. Đoàn khảo sát, thiết kế, đo đạc kỹ thuật do Sở Văn hoá thông tin Bắc Ninh cử xuống, đã tiến hành đo đạc, khảo sát. Trong đó, sẽ tiến hành kè những đoạn đê thuộc khu di tích, làm con đường riêng vào khu di tích, không liên quan gì tới khu dân cư.
Tượng đài anh hùng Lý Thường Kiệt cũng sẽ được xây dựng hoành tráng tại Tam Giang – nơi anh em Trương Hống - Trương Hát cất giọng ngâm bài thơ thần bất hủ làm rụng rời quân Tống ngày trước!
Trận địa lẫy lừng ngót 1.000 năm trước do cụ Lý Thường Kiệt xây dựng lên đánh tan 30 vạn quân Tống, đã trường tồn trong sử sách, trong thời gian, trong sự đe dọa của biết bao thăng trầm, dâu bể… Bao năm tháng đi qua, nó vẫn được lưu giữ, dù những mất mát là điều không thể tránh khỏi.
Thế nhưng, cả một cụm di tích lịch sử thuộc phòng tuyến sông Như Nguyệt lừng lẫy, lại bị “chết” bởi… sa tặc thì chua xót quá!
Kiên Trung