Đã hơn 11h trưa cậu con trai mới chịu nằm im, thiu thiu ngủ. Lúc này, chị Tuyết
mới dám để cháu lại cho con gái lớn trông. Còn chị, vội vàng, rón rén chạy ù ra
khu chợ ở đầu ngõ, mua ít thức ăn. Đã mấy tháng nay, chị không dám rời con lâu
bởi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, lại có tai nạn nào xảy đến với con chị.
Số phận lạnh lùng
Cháu Hiếu – con trai chị Trịnh Thị Tuyết (Tư Đình, Long Biên, Hà Nội) năm nay đã 15 tuổi. Nhìn đứa trẻ cao, gầy, lê la khắp nhà, nghịch ngợm đồ đạc như một đứa trẻ lên 3, chị Tuyết chỉ biết cười buồn. Hiếu bị tự kỷ điển hình, ngoài những lúc “ổn định” chịu ngồi lê la như thế này, cậu bé có thể tăng động, lao vào đánh, cấu, xé đồ đạc và người khác… Cũng chính vì thế nên tai nạn cứ ập xuống đầu Hiếu liên tục.
“Mấy hôm nay cháu phải nằm một chỗ, mới bị ngã cầu thang vỡ đầu chưa lành hẳn, lại bị ngã gãy tay... Khổ lắm, sểnh mẹ là ra tai nạn” – người mẹ nói rồi lật đật chạy ra kéo tay con khỏi chạm vào ổ điện. Cậu bé không phản ứng lại với mẹ, lại lần ra phía cửa sổ, rồi ngồi im nhìn ra khu vườn ngập nắng.
Cháu Hiếu mới bị gãy tay |
Người mẹ dõi theo từng cử chỉ của con. Dường như đoán biết được con đã “ngoan”, chị mới yên tâm trở lại câu chuyện.
Dòng hồi tưởng của chị Tuyết trở lại lần “vượt cạn” khủng khiếp khi sinh Hiếu. Nỗi day dứt vẫn đong đầy trong mắt người mẹ, chẳng biết từ lúc nào, đôi mắt chị đã đỏ hoe.
“Tôi mang thai cháu khỏe mạnh không phải thuốc thang gì. Nhưng đến hôm đẻ thì cháu bị ngạt. Điều kiện trạm xá có gì đâu, cháu tím đen cả người, phải đưa lên bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Tôi lịm người đi khi nghe bác sĩ xuýt xoa, “nhiễm trùng rốn, chậm một tí thì thằng bé chết rồi...”.
Hai mẹ con chị được cứu, nhưng chị đã nơm nớp một tai họa nào sẽ ập xuống đầu con chị. Nỗi dự cảm ấy không lầm khi càng lớn, Hiếu càng ốm yếu, chậm chạp, có những hành vi bất thường. So với bạn bè cùng lứa, con chị nhỏ xíu, quặt quẹo ốm đau. Mới mấy tháng tuổi chị đã đưa con đi khám, chưa bệnh ở nhiều nơi, nhưng thể trạng cháu không khá lên.
Lên 2 tuổi mà Hiếu vẫn không biết nói, chỉ ê a ra hiệu và đặc biệt luôn luôn quấy khóc. “Có bệnh thì vái tứ phương”, chị hết đưa con đi bệnh viện, lại ôm cháu đi châm cứu, sắc thuốc bắc. Nhà nghèo, chỉ riêng tiền thuốc thang, chạy chữa cho con đã đủ khiến gia đình chị khánh kiệt. Nhiều đêm hai vợ chồng nằm cạnh nhau, chỉ biết thở dài.
Chị từng khóc đến cạn nước mắc, cạn những đêm dài thức trắng chăm con mà
không tìm ra phương cách nào khác để chữa trị cho con khá lên. Chồng chị ít nói,
nhưng thương vợ, thương con. Anh là thợ xây, đi suốt tối ngày, chịu khó tìm thêm
việc làm để chị ở nhà chăm sóc cho thằng Hiếu. Còn chị, chị tự nhủ: Chỉ còn cách
yêu con nhiều hơn, đề bù đắp số phận đã lạnh lùng với con từ lúc lọt lòng...
Lớn trên lưng mẹ
15 tuổi, nhưng Hiếu vẫn cần mẹ dỗ dành như trẻ lên ba. Nhắc đến gia đình Hiếu, những người hàng xóm nhớ ngay đến hình ảnh người mẹ long nhong cõng con suốt tháng suốt ngày khắp làng trên xóm dưới. Ngay cả bây giờ, nhiều lúc chị vẫn phải ôm ấp, bế ẵm con vỗ về như thuở nhỏ.
“Từ bé cháu đã không thích ngồi yên, cứ khóc ngằn ngặt, quậy phá đồ đạc thậm chí cấu véo, rứt tóc mẹ. Chỉ có đưa cháu đi rong như thế nó mới “nguôi” đi” – chị Tuyết nói.
Chị Tuyết luôn phải dành thời gian ở bên con 24/24. |
Không quản nắng mưa, chị cùng con đi qua những năm tháng tuổi thơ cơ cực nhất. Chị kiên trì dạy con tập nói, tập cầm bát, cầm đũa ăn. Dạy con biết tránh xa những đồ vật nguy hiểm như ổ điện, quạt máy…. Ngay cả việc đi vệ sinh cháu cũng không kiểm soát được, phải để mẹ hướng dẫn từng li từng tí.
“Nhiều lúc nản lắm, khổ tâm lắm, vì cháu chẳng hiểu gì cả. Dạy xong đâu lại vào đấy. Khổ nhất là nó cứ leo trèo, nghịch khắp nhà, rồi lúc cáu giận là lao vào đánh cả mẹ” – chị tâm sự.
Không biết bao lần phải chịu những trận “nổi xung” của con, vậy mà chị vẫn tự nhủ: “Sinh được mình cháu là con trai, lại thiệt thòi hơn con người ta, mình không thương, không lo cho con, thì ai lo…”.
Vì gia cảnh túng quẫn nên chị tìm mọi cách để vừa chăm con, vừa đi làm. Tranh thủ những lúc con đã ngủ, chị mới chạy ù ra đồng, ra bãi làm được ít nào hay ít ấy. Rồi đêm khuya, sáng sớm chị lọ mọ dậy đi chợ rau đêm.
Vậy mà rồi chị cũng không dám đi làm như thế nữa…
“Dạo ấy cứ tầm trưa là tôi đợi cháu ngủ im trong phòng rồi khóa cửa, tranh ù ra đồng. Vội vội vàng vàng làm được một tí là về. Có hôm về đến cổng, nghe tiếng con ú ớ trong nhà, nhìn qua cửa đã thấy cháu đang trèo như con vượn con trên cửa sổ, nền nhà bẩn thỉu vì cháu vệ sinh bừa bãi…”
Chị xót con đến bật khóc và bị ám ảnh luôn hình ảnh ấy, từ đó trở đi, chẳng
bao giờ chị còn dám bỏ con đi làm như thế nữa, trừ khi nhờ được người thân trông
giúp. Còn lại, chị nhận bóc hành thuê, làm rau tại nhà, một bên là con, một bên
là việc, cứ thế, qua ngày…
(Còn nữa)
Quỳnh Anh