-  Gia đình sản phụ Nguyễn Thị Lập -  người đầu tiên sinh em bé trên máy bay đã có lời cảm ơn đối với hành khách đỡ đẻ.

>>  Bé trai chào đời trên máy bay Jestar Pacific

Sáng ngày 17/1, chúng tôi đến thăm mẹ con chị Nguyễn Thị Lập. Bé trai được đặt tên là Phạm Tuấn Vũ.

Tiếp chúng tôi là anh Phạm Thanh Chung, chồng của sản phụ Lập. Đến bây giờ, khuôn mặt anh Chung vẫn chưa hết vẻ... bàng hoàng.

Chị Lập tại bệnh viện

Hai vợ chồng anh Chung quê ở Hà Tĩnh, cưới nhau được hơn hai năm và đang công tác tại quận Thủ Đức, TP.HCM.

Anh Chung tâm sự: "Hôm đó, tôi đưa vợ về quê để chờ ngày sinh. Ai ngờ, lúc máy bay chuẩn bị cất cánh thì cô ấy kêu đau bụng rồi…vỡ ối. Nói thật, lúc đấy tim tôi như muốn rớt ra khỏi lồng ngực, chẳng biết vợ con mình sống sót nổi không.

Vợ tôi sanh con ngay trên sàn máy bay, may mắn làm sao có bà cụ ngồi số ghế 3D bên cạnh và một nam hành khách là bác sĩ đã giúp vợ tôi vượt cạn.

Cô tiếp viên đưa cho tôi chiếc chăn mỏng loại thường dùng đắp cho khách trên máy bay. Tôi quấn đứa con trai bé xíu, đỏ hỏn vào trong chăn, vẫn còn nguyên dây rốn (trên máy bay không có kéo để cắt dây rốn).

Con tôi chào đời một lúc sau thì xe cấp cứu của sân bay chở bác sĩ đến cắt dây rốn cho cháu và đưa hai mẹ con về khoa Phụ sản của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM".

Còn chị Lập cho biết, mình nằm chờ bác sĩ đến “ứng cứu” hơi lâu nên mất nhiều máu, đến bây giờ thấy còn chóng mặt và mệt.

Anh Chung cho biết, bao nhiều đồ đạc chuẩn bị cho kỳ sinh nở đều đã được vợ chồng anh chị chuyển hết về quê ở Hà Tĩnh nên bây giờ lại phải đi mua đồ mới hoàn toàn cho hai mẹ con.

Ôm đứa con mới chào đời trong tay, anh chị mừng rơi nước mắt, vẫn chưa kịp hoàn hồn vì hoàn cảnh sinh nở vừa diễn ra ngày hôm qua.

Nói đến những hành khách giúp vợ mình lúc vượt cạn, anh Chung đầy cảm kích: “Tôi chẳng biết họ là ai, tên gì, quê ở đâu, chỉ biết họ là những hành khách đi chung chuyến bay với mình. Trong cuộc đời này, chưa chắc đã có cơ hội gặp lại họ nên tôi xin gửi đến các ân nhân kia lời biết ơn sâu sắc nhất. Nếu không có sự nhiệt tình giúp đỡ đó có lẽ vợ con tôi không được bình an như bây giờ!”.

Các bác sĩ tại khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, từ trước đến nay chưa từng gặp ca đẻ rơi trên máy bay bao giờ. Hiếm lắm mới có trường hợp đẻ rớt trong taxi trên đường đến bệnh viện.

Theo các bác sĩ, mẹ con chị Lập vô cùng may mắn, bởi những trường hợp đẻ rơi rất dễ bị nhiễm trùng, em bé ra đời không đúng cách có thể gặp rủi ro, hoặc mẹ bị mất nhiều máu. Quan trọng nhất, nếu sản phụ đẻ khó sẽ không được các kỹ thuật y tế hiện đại và bác sĩ ứng cứu kịp thời...

  • Thanh Huyền

    >> Bé trai chào đời trên máy bay Jestar Pacific