- Quá khứ đã đi qua, nhưng vụ ném bom thảm sát tàn khốc làm 45 em học sinh trường tiểu học Mân Quang (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) thiệt mạng vẫn mãi là giây phút kinh hoàng, ám ảnh khôn nguôi đối với người còn sống, những người làm cha, làm mẹ…

Ngày giỗ tập thể

Chúng tôi rẽ qua những con đường quanh co để tìm về với thôn Mân Quang - nơi những nấm mộ của các em học sinh nằm lại trên lớp học ngày xưa ấy. Sự việc diễn ra cách đây đã hơn 45 năm nhưng với người dân Mân Quang, mỗi khi đi ngang qua di tích khu mộ học sinh, quá khứ đau thương chợt ùa về trong tâm trí của họ.

Bà Nguyễn Thị Bông (80 tuổi) ở Tổ 24- Mân Quang vẫn còn nhớ như in cái ngày kinh hoàng ấy đã cướp đi 2 đứa con trai thơ dại của bà chưa tròn chín tuổi. Bà kể Trường tiểu học Mân Quang (là tên gọi trước đây của một ngôi trường làng thuộc thôn Mân Quang, xã Hoà Lâm, huyện Hoà Vang) cách trung tâm thành phố về phía Đông - Nam khoảng 15km.

Trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đà Nẵng nói chung và Hoà Vang nói riêng đã trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của quân xâm lược Mỹ. Nhân dân các xã của huyện Hoà Vang tập trung đào hầm, đào giao thông hào, chuẩn bị tinh thần cho cuộc kháng chiến. Gần nơi đào giao thông hào là Trường tiểu học Mân Quang.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 16 tháng 3 năm 1965, mọi người đang ra đồng lao động sản xuất, học sinh vẫn đến trường bình thường như mọi ngày, bỗng dưng nghe tiếng gầm rú của bốn chiếc máy bay của Mỹ đến ném bom vào Trường Tiểu học Mân Quang.
 
Những nấm mộ có cùng ngày mất.

Cả trường hôm ấy có tổng cộng 48 học sinh lớp một do thầy giáo Lê Đức Phi (Mười Phi) đứng lớp. Đang trong giờ ra chơi bồng các em ghe tiếng bom dội xuống. Chẳng ai bảo ai, các em hoảng sợ chạy toán loạn tìm chỗ nấp. Nhưng trước sức tàn phá kinh hoàng của những quả bom, khi chưa kịp tìm đến hầm bí mật thì 43 em đã tử nạn tại chỗ.

Có 5 em chạy kịp xuống hầm nhưng chỉ có 3 em may mắn còn sống, còn hai em khác do bị thương quá nặng nên cũng tử vong sau đó một ngày. Đó thực sự là một ngày thảm khốc nhất của người dân Mân Quang.

Nỗi đau tột cùng của sự tang tóc

Với sức tàn phá của bom và hàng tấn đạn rốc két ném xuống Trường tiểu học Mân Quang, thi thể các em chẳng mấy ai còn nguyên vẹn, có em bị vùi sâu dưới đất hơn 2m.

Ngoài ra còn có 42 ngôi nhà, 2 nhà thờ và một trường học bị cháy trụi. Một gia đình gồm người mẹ và 3 con nhỏ đều chết thảm thương trong một hố bom.

Sau trận bom bắn phá ác liệt đó, một em nhỏ 9 tuổi chạy về nói với mẹ: “Mẹ ơi! các bạn của con chết hết rồi”. Nói xong em cũng đã "ra đi" vì sức ép của bom Mỹ. Bà Bông rưng rưng nước mắt nhớ lại khoảnh khắc đáng sợ ấy mà đã từ rất lâu rồi bà cố nén giữ đau thương trong lòng.

Bà lại tiếp tục câu chuyện: Khi khói bụi mờ dần, bà một mạch chạy về tìm con. “Thi thể các em nằm nằm ngổn ngang, trường học tan tành khói bụi, đôi bờ lũy tre làng trốc rễ nằm chênh vênh".

Thẩn thờ, điên loạn khi chứng kiến cảnh chết chóc kinh hoàng của các em, người con trai Lê Hữu Hòa (con đầu của bà Bông) kích động uống thuốc rầy tự tử theo em, rất may lúc đó được anh, chị em bộ đội cứu chữa kịp thời. Giọt nước mắt hòa chung với lòng căm phẫn của nhân dân đối với chế độ Mỹ- Ngụy bấy giờ. Bất chấp lưỡi lê và súng đạn, nhân dân trong làng đưa xác 45 học sinh lên tòa thị chính tố cáo.

Thi hài của các em được Mỹ- Ngụy lúc bấy giờ đưa lên xe, chở về bỏ ở bến Đò Xu, và được nhân dân đưa về mai táng tại làng Khái Tây, sau chuyển về làng Mân Quang-  nơi xảy vụ ném bom. Làng Mân Quang ngày ấy, cả làng chìm ngập trong không khí tan thương.

Thảm hoạ kinh hoàng mãi khắc sâu trong tâm trí của những người còn sống về ngày lịch sử đáng nhớ này. Các em học sinh trường tiểu học Mân Quang đa số có tuổi đời từ 7-9 tuổi, do một thầy Đức Phi đứng cả ba lớp (lớp 1 đến lớp 3) học chung với nhau, chủ yếu học để biết chữ và tập hát những bài hát tuyên truyền cách mạng.

Anh Trần Quốc Thông, một trong ba người may mắn sống sót (cùng với Lê Thái, Nguyễn Thị Thanh) nhớ lại: Lúc ấy nghe tiếng máy bay gầm rú sát trên mái trường và một quả bom ném xuống gần trường, không ai bảo ai cả thầy lẫn trò hốt hoảng chạy đến hầm trú ẩn nhưng không kịp.

Riêng anh Thông cùng hai người bạn khác kịp vào đến hầm trước khi Mỹ ném bom xuống trường. Sức công phá của quả bom đã hất tung một bụi tre gần đó đè lên ngay căn hầm mà anh Thông và hai người bạn đang nấp. Anh bảo lúc đó, anh hoảng sợ và bị ngột khí không thể kêu lên được, chỉ có người bạn tên Thanh cố phát ra tiếng kếu yêu ớt nên được mọi người đã phát hiện kịp thời.

Phải mất một ngày một đêm tìm kiếm và chặt bỏ bụi tre, gia đình anh Thông và người dân mới tìm ra miệng hầm để giải cứu ba đứa trẻ. Cả ba người được đưa lên khỏi hầm trong tình trạng hôm mê. Anh nghe gia đình, bà con hàng xóm kể lại anh lên khỏi hầm trong tình trạng mê man, nhiều người lắc đầu nghĩ là anh đã bị chết như bao đứa trẻ khác. .

Từ một đứa trẻ tuổi ăn, tuổi chơi, chưa định hình được nỗi đau của sự chết chóc, lúc đó anh còn quá nhỏ để nhận thức hết được mọi việc. Khi tỉnh dậy, anh biết được những người bạn của mình đã vĩnh viễn ra đi và trường học không còn nữa.

Rồi, anh theo gia đình ly tán sang nơi khác tránh địch, một sự thay đổi quá đột ngột về bạn bè, về thầy và lớp học, nó làm anh ngỡ ngàng chới với. Hình ảnh của trường lớp cứ vang vọng đâu đây mỗi khi ghé lại thăm di tich khu mộ ngày nay.

Tuyết Phan (còn nữa)