Con trai tôi đang theo học lớp 1 của một trường quốc tế ở New York. Thật thú vị khi so sánh việc dạy tiếng Anh ở trường của cháu với cách mà chúng ta học tiếng Trung ở Trung Quốc. Một bà mẹ người Trung Quốc hiện sống ở New York đã so sánh cách dạy trẻ học tiếng của các trường Mỹ và trường Trung.

Ảnh có tính chất minh họa.

Bài tập về nhà môn tiếng Anh của con trai tôi chủ yếu là đọc. Trường này không cung cấp sách giáo khoa tiếng Anh. Mỗi tuần, giáo viên giao cho học sinh 2 cuốn sách ảnh để đọc. Những cuốn sách này thuộc nhiều thể loại: viễn tưởng, phiêu lưu, khoa học…

Cha mẹ được yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận – nơi hướng dẫn học sinh liên tưởng nội dung của sách với những trải nghiệm của chúng, với những cuốn sách khác mà chúng đã đọc và với thế giới thực. Từ đó giúp học sinh hiểu rõ hơn về cuốn sách và chúng được khuyến khích nêu ra quan điểm của mình.

Ngoài ra cũng có bài tập về nhà đòi hỏi sự tìm tòi.

Ví dụ như với bài tập tìm hiểu động vật, mỗi học sinh được chọn một động vật. Chúng mượn sách từ thư viện trường. Chúng được giúp đỡ để tìm kiếm các trang web, lấy thông tin liên quan và tổng hợp chúng lại.

Kết thúc kế hoạch 5 tuần này, mỗi học sinh sẽ có một bài thuyết trình về động vật đó với một mô hình tự tạo về môi trường sống của chúng.

Rõ ràng, những bài tập như vậy thu hút sự tò mò và chú ý của trẻ, đồng thời khiến trẻ đọc nhiều hơn. Tất cả những kĩ năng như đọc hiểu, tóm tắt, nói trước công chúng và sáng tạo đều được luyện tập.

Việc học ngôn ngữ ở trường này còn được hỗ trợ thêm nhờ thư viện trường rất nhiều tài liệu.

Một buổi học hàng tuần trong thư viện sẽ giới thiệu cho bọn trẻ tất cả các loại sách. Các thủ thư luôn giới thiệu một loạt những cuốn sách dựa trên nhu cầu của trẻ. Thư viện mở cửa sớm và đóng cửa muộn để học sinh có thể tới trước hoặc sau giờ học. Tới thư viện và đọc sách được khuyến khích như những thói quen.

Trong khi đó, dạy tiếng Trung ở Trung Quốc không nuôi dưỡng tình yêu đọc sách và suy nghĩ độc lập. Điều này theo quan điểm của tôi là do 2 vấn đề lớn.

Học vẹt


Thứ nhất, việc dạy theo sách giáo khoa có vẻ như là mục đích cuối cùng của những bài học ngôn ngữ. Điều này trở nên tồi tệ hơn bởi việc lựa chọn nội dung thường phục vụ mục đích giáo dục đạo đức.

Giáo dục đạo đức là cần thiết, nhưng không nên là mục đích chính của các bài học ngôn ngữ và không nên là tiêu chuẩn để lựa chọn nội dung. Trước hết, sách giáo khoa nên thể hiện vẻ đẹp của tiếng Trung và truyền cảm hứng để học sinh đọc nhiều hơn.

Thứ hai, học thuộc lòng, bài tập và bài kiểm tra sẽ kiềm chế quá trình học tập. Khả năng suy nghĩ độc lập bị hạn chế đáng kể bởi việc ghi nhớ, làm bài tập và làm bài kiểm tra với những câu trả lời chuẩn mực. Bên cạnh đó, sự lặp đi lặp lại của những bài tập giống nhau với số lượng lớn dễ dàng giết chết sự hào hứng của học sinh. Tệ hơn, nó còn làm lãng phí nhiều thời gian mà chúng có thể sử dụng để đọc thứ mà chúng thích.

Tôi biết rằng tiếng Trung và tiếng Anh là 2 ngôn ngữ rất khác nhau, đòi hỏi phương pháp giảng dạy khác nhau.

Tuy nhiên, tôi cho rằng những bài học ngôn ngữ nên cho thấy sự thú vị của việc đọc sách và truyền cảm hứng cho những người thích đọc sách, đồng thời nên tạo ra những cơ hội tốt cho học sinh nhỏ tuổi luyện tập cách tư duy độc lập.

  • Nguyễn Thảo (Theo Shanghaidaily)