- Đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ câu chuyện ít biết về việc “đổi giới tính” ngay từ lần đầu tiên anh xuất hiện tại LHP Cannes.

Đổi giới tính từ phim đầu tiên

- Anh khai thác đời sống của các nền văn hóa từ Việt (phim Mùa hè chiếu thẳng đứng), Nhật (Rừng Nauy) và giờ là Pháp (Vĩnh cửu). Anh quan tâm gì ở những nền văn hóa này?

Tôi quan tâm tới gương mặt con người và những gì ở xung quanh đời sống của họ. Đây là suy nghĩ rất đơn giản. Những gì gọi là nền văn hóa thì tôi lại rất ít quan tâm đến. Tất nhiên tôi có biết, có hiểu và cũng phải tìm hiểu. Nhưng đến một lúc nào đó, mình phải quên nó đi, để nó trở thành cái gì đó mờ mờ hiện lên ở đấy.

Quan trọng trong phim là mình phải nói ngôn ngữ điện ảnh cho đúng. Nhưng lời văn của điện ảnh phải phong phú, tinh tế. Lúc đó mình mới có thể đi sâu vào nội tâm của người xem được. Đây là điều tôi quan tâm nhất. Còn về những nền văn hóa bạn nói trên, tôi phải yêu chúng thì mới làm được những bộ phim đó.

{keywords}

Ngay từ phim đầu tiên chiếu ở LHP Cannes, Trần Anh Hùng đã bị báo chí quốc tế xác định nhầm giới tính bởi phim của anh quá âm tính

- Tôi thấy hầu hết phim của anh khi xem mang lại cảm giác tinh tế nhưng cũng âm tính: nhẹ nhàng mềm mại và rất nữ tính. Anh có đồng ý với quan điểm này không?

Điều này đúng chứ! Ngay từ phim đầu tiên của tôi chiếu ở LHP Cannes, khi gặp báo chí thì một số nhà báo đã giật mình bảo: Ơ anh là đàn ông à? Tôi tưởng anh là phụ nữ khi xem phim của anh. Tại vì tên Trần Anh Hùng với người nước ngoài, họ không thể phân biệt được đó là tên của nam hay nữ. Tôi thường nói là tôi đổi giới tính từ phim đầu tiên của tôi.

- Sự nữ tính này có làm khó anh khi chọn đặt mình vào một góc khai thác không cùng giới tính thật ngoài đời của mình khi làm phim?

Tôi không chọn chất đó. Tự nó hiện lên thôi. Đây là một việc tôi không kiểm soát được, là một sự đương nhiên. Đi làm phim mình muốn cho gần với nhân vật, từ đầu đó là nhân vật nữ. Vì sao thì tôi không biết? Ngay từ đầu các nhân vật nữ này đã chọn tôi, đề tài này chọn tôi. Nó bảo mình phải làm nó thành phim thì mình nghe lời nó thôi. Đấy, kiểu nó là vậy.

Cực đoan không quan trọng với tôi

- Những đạo diễn phim nghệ thuật như anh thì luôn phải đứng trước những khen chê từ giới phê bình quốc tế. Anh có quan tâm tới những bình luận này không? Và anh chọn thái độ đón nhận như thế nào?

Có lúc tôi đọc, lúc không, lúc thì mãi sau này mới đọc. Lời chê mà không đúng chỗ thì không hay, khi gặp phải mình hơi bực bội chút. Giống như mình đưa ra một cái ly màu xanh mà họ nói “cái ly này không phải màu đỏ”. Họ nói vậy đúng nhưng lẽ ra họ phải nói cái gì về màu xanh, xong lại nói vì sao nó không đỏ? Thì coi như họ đi bên cạnh phim đó, thì đáng tiếc cho họ chứ không phải cho tôi.

Không phải ai cũng phân tích được một bộ phim. Muốn phân tích thì phải có một trình độ và khả năng về ngôn ngữ điện ảnh, họ có hay không? Đây là vấn đề. Nếu anh muốn trở thành nhà phê bình điện ảnh thì anh cần tìm hiểu rất kỹ.

Ví dụ như anh muốn thành nhà phê bình điện ảnh Đài Loan đi. Anh chỉ đọc một hai cuốn sách về Đài Loan và xem một bộ phim rồi bình luận nói lịch sử Đài Loan thế này thế kia,… Thì khi đó, anh trở thành một nhà chuyên môn về Đài Loan chứ họ không nói gì về chuyên môn, về ngôn ngữ điện ảnh của bộ phim đó, không nói vì sao nó hay, không hay? Họ nói bên cạnh rồi lại gắn về phim. Đối với tôi những người đó chẳng có giá trị gì cả. Lời của họ không thể làm giúp tôi hiểu hơn về cái tôi đang làm. Do đó trước những bình luận về phim của mình, tôi cho rằng, mình chỉ cần hiểu biết để tiếp nhận thì không có vấn đề gì cả.

Mùa hè vừa rồi tôi có đi một vòng ở Ý và xem các tác phẩm rất đẹp, rất quan trọng trong các nhà thờ, viện bảo tàng. Khi gặp những tuyệt tác, mình nhìn vào đó, mình biết ngay. Tôi chắc những người khi làm ra tác phẩm đó, họ đã biết nó sẽ thành tác phẩm bất hủ, là cái đẹp sẽ tồn tại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Những người thế hệ sau nhìn vào sẽ thấy được khía cạnh hay, đẹp đó từ tác phẩm đó. Nói vậy để thấy người nhìn vào rất quan trọng. Giống như khi tôi làm phim xong thì biết ngay phim của mình sẽ thành công đến mức độ nào về mặt điện ảnh, ngôn ngữ, về cái gì riêng biệt đối với nghệ thuật này, nó khai thác được đến đâu, chưa cần người xem nói chuyện này chuyện kia.

{keywords}

Khi xem “Vĩnh cửu” việc thấy khó nắm bắt chính là do người xem muốn hiểu quá nhanh

- Nhưng nếu nói vậy thì có phải anh là người cực đoan và duy ý chí trước tất cả những khen chê của dư luận?

Không! Cực đoan không quan trọng với tôi vì tôi thấy nhiều tác phẩm rất cực đoan nhưng chẳng có gì hay. Trước những lời bình luận phim, nếu họ đưa tới cho tôi một cảm xúc, họ làm giàu trí tuệ, làm giàu linh cảm của tôi lên thì họ có thể cực đoan phê bình bất cứ cái gì. Còn tôi thấy nó chẳng có gì cả, chỉ kéo tâm hồn mình xuống đất thì cực đoan đó không có giá trị. Và quan trọng đối với tôi là quan niệm riêng về nghệ thuật, nghệ thuật phải nâng tâm hồn mình lên.

Chẳng hạn như phim “Vĩnh cửu” của tôi mới ra mắt, nếu có người xem xong phim ra thấy xúc động. Họ nói: Ôi! giờ tôi phải gọi điện cho chị tôi để làm hòa vì đã ghét nhau lâu lắm rồi, kiểu như thế. Thì tôi thấy đó là cái hay, rất cần thiết.

- Người ta thường nói phim anh rất duy mỹ. Thông qua các tác phẩm như “Mùi đu đủ xanh”, “Xích lô”, “Mùa hè chiếu thẳng đứng” và cho đến “Vĩnh cửu”, có vẻ như mảng đề tài anh khai thác không bao giờ biết chán đó là về gia đình. Nhưng ở “Vĩnh cửu” thì sự chuyển hướng khiến người xem thấy mênh mang khó nắm bắt hơn. Sự chuyển hướng này như nào và tại sao anh lại chọn sự chuyển hướng như vậy?

“Vĩnh cửu” là mênh mang và khó nắm bắt hơn, đó là điều quan trọng, vì đó là cái chất tôi muốn mang đến cho người xem. Là vì chính xác quá thì sẽ hẹp lại. “Vĩnh cửu” rộng hơn nhiều, đây là cái khó đưa cho người xem.

Nhưng theo tôi, khi xem “Vĩnh cửu” việc thấy khó nắm bắt chính là do người xem muốn hiểu quá nhanh. Họ muốn hiểu nhanh hơn nhạy cảm, cảm xúc của mình. Họ muốn hiểu cảm xúc của mình quá sớm nên sẽ đi đến chuyện khó nắm bắt. Còn nếu họ cứ xem, cứ để cảm xúc thấm vào người họ. Tuy là họ không hiểu thì ít nhất nó sẽ làm loạn cảm xúc của họ lên. Và đến một lúc nào đó, họ có thời gian, họ phải cho thời gian để soạn lại những cảm xúc của họ, thì đó là một cái rất tốt.

Chất nhạy cảm của họ sẽ tinh tế hơn, đấy là cái mục đích của nghệ thuật. Mục đích cuối cùng của nghệ thuật là cảm xúc chứ không phải là hiểu biết, không phải là xã hội học, đạo học, không phải là cái gì cả.

Không muốn làm phim ở Việt Nam nữa

- Nhìn vào thực tế thì anh đang là nhà làm phim truyền cảm hứng cho các đạo diễn ở Việt Nam. Anh đang tiếp lửa cho họ, truyền dạy cho họ những kinh nghiệm của mình bằng nhiều chương trình như “Gặp gỡ mùa thu” ở Đà Nẵng. Nhưng hỏi thật, anh có thật sự quan tâm đến các tác phẩm của họ không? Anh có dành thời gian xem và góp ý chỉnh sửa cho họ không?

Sửa thì không! Cái này tôi không dám, vì mỗi người có tự do riêng. Nhưng mình nên có trao đổi. Khi tôi làm phim cũng trao đổi với người này người kia. Họ góp ý chỗ này chỗ khác chưa được thì mình cũng phải suy nghĩ để chỉnh sửa. Công việc này là bình thường trong nghề nghiệp. Bởi đến một lúc nào đó mình cần người khác nhìn vào phim mình làm để nhận góp ý.

Tôi luôn sẵn sàng trao đổi với các đạo diễn Việt Nam nếu họ cần một ý kiến. Họ có thể gửi kịch bản, gửi phim cho tôi xem rồi cùng ngồi trao đổi với nhau. Tôi cho đây là chuyện rất quan trọng. Khi tôi nói lên quan điểm của mình về một chi tiết gì đó trong phim của họ, thì có thể họ nhìn thấy cái gì khác. Những trao đổi như vậy có thể làm cho họ hiểu một khía cạnh mà họ đang tìm.

Tôi thực sự quan tâm đến những gì các đạo diễn trẻ Việt Nam đang làm. Vì tôi thấy được mùi vị của nó, và thấy được họ là những tài năng lớn. Đây là niềm vui rất lớn với tôi. Đến mức giờ tôi nghĩ không còn muốn làm phim ở Việt Nam nữa vì đã có những phim mình rất thích. Khi mình xem mình thấy có những chất rất đặc biệt.

{keywords}
Trần Anh Hùng đang tiếp lửa, truyền dạy cho các đạo diễn trẻ Việt Nam kinh nghiệm của anh bằng nhiều chương trình trong suốt những năm qua

- Cảm xúc của anh khi nhìn vào một vài gương mặt điện ảnh Việt sau này có một phần bóng dáng của mình trong đó, vô thức hoặc cố tình. Lúc đó anh lo hay anh mừng?

Khi tôi xem phim của các bạn, tôi không thấy ảnh hưởng đó. Là vì sao? Vì ảnh hưởng nó khó lắm. Không phải mình lấy xong mình làm được. Có thể người ta không hiểu công việc làm phim nên nói vậy. Làm phim khó lắm. Khó vô cùng. Ngồi đó mà bảo khi làm phim tôi muốn giống chỗ này một ít, chỗ kia một ít thì lại làm khó hơn công việc của mình.

Ví dụ có những cái chất trong phim của Phan Đăng Di hay Nguyễn Hoàng Điệp, tôi không thể nào làm được. Không phải là Trần Anh Hùng, phải là họ mới làm được. Đấy là những việc rất cá nhân. Tôi cũng vậy, khi làm phim, tôi chỉ làm được những cái là tôi, không thể làm được những cái của người khác.

Sự thật của công việc là như thế. Khi làm phim mình chỉ biết, mình muốn ở trong thế giới này và mình chọn thế giới của mình. Cũng như thế giới của tôi là Stanley Kubrick và Terrence Malick. Thế giới của tôi là đó, là những phim này phim kia. Còn giờ bảo tôi làm giống họ thì quá khó.

- Trong phim “Vĩnh cửu”, anh miêu tả rất kỹ những thói quen sinh hoạt của các gia đình trung lưu Pháp. Sinh hoạt trong gia đình của anh có giống với những gì trong phim không. Dạng như đi làm về có những buổi trà chiều, chồng ngồi đánh đàn, vợ ngồi chăm con. Nó làm tôi hình dung đến gia đình anh và chị Yên Khê tại Pháp?

Mình cũng có những lúc phải như vậy. Trong đời sống mỗi ngày mình cần phải có nhau. Một bữa cơm thì không thể ai đói ăn trước, ai đến sau ăn sau. Bữa cơm thì mọi người đều phải có ở đó. Để ăn cơm với nhau, ai vắng thì phải trừ phần cho người đó. Tất cả những bữa cơm ở nhà tôi là như thế. Nó có thể khó chịu nhưng sau một thời gian thì nó thành một thói quen trong gia đình. Đó, có những cái mình phải làm với nhau. Đó là cái quan trọng.

Việt Anh