Trong suốt 7 tháng qua, Matthew Van Dyke đã tích cực chiến đấu trong một cuộc chiến không phải là của anh.

Matthew Van Dyke chỉ về phía một quả rocket đang lao tới từ phía lực lượng của Gaddafi ở phía đông Sirte hôm 2/10. (Ảnh: Getty)

Là một công dân Mỹ ở Maryland, anh đã rời nhà tới Libya hồi tháng 3 để chiến đấu chống lực lượng của đại tá Muammar Gaddafi, trải qua 165 ngày trong tù và khi được tự do, anh lập tức lao ra tiền tuyến.

"Tôi ở đây để đánh Gaddafi... Tôi sẽ rời đi khi kết thúc... khi Libya tự do", anh khẳng định khi đứng ở ngoại ô Sirte, thành phố ven biển vẫn trung thành với nhà lãnh đạo bị lật đổ. Nơi đây đang diễn ra cuộc chiến kéo dài nhiều tuần giữa lực lượng ủng hộ Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia Libya (NTC) và lực lượng trung thành với ông Gaddafi. 

Van Dyke là một khuôn mặt quen thuộc giữa các chiến binh NTC và các phóng viên trên tuyến đầu ở Sirte. Khi không chiến đấu, anh đưa các phóng viên dạo quanh để đưa tin về chiến sự. 

Mặc đồ ngụy trang và đeo kính râm, Van Dyke mang theo một máy quay nhỏ để ghi lại các trận đọ súng nhằm giành quyền kiểm soát Sirte giữa hai bên. Anh cũng chịu trách nhiệm về khẩu súng máy hạng nặng Dushka của Nga được đặt trên phần sau một chiếc xe bốn bánh.  

Người bạn Libya của anh, Nouri Founas - người anh đã gặp năm 2007 ở Mauritania khi cả hai đi du lịch Trung Đông và châu Phi - luôn ngồi ghế lái.

"Anh ấy thuộc các lực lượng cách mạng Libya. Cuộc cách mạng của chúng tôi mang tính quốc tế, không phải chỉ của địa phương", Founas nhấn mạnh.

Chiến binh NTC người Mỹ cho biết anh không có kinh nghiệm chiến đấu trước khi tới Libya ngoại trừ một chút ít trải nghiệm anh có được khi đi cùng quân đội Mỹ với tư cách một phóng viên ở Iraq. Van Dyke kể, lần đầu tiên anh tới Libya là năm 2008, trong một tour xe máy xuyên Trung Đông. Khi ở đó, anh đã kết bạn với nhiều người và chính những tình bạn đó đã đưa anh trở lại khi cuộc xung đột bắt đầu. 

"Tôi có nhiều bạn bè ở Libya. Ở đây có những người tôi quan tâm. Ai đó đang giết các bạn tôi... Tôi không thể ngồi im nhìn điều đó diễn ra. Vì vậy, tôi tới để giúp chiến đấu chống Gaddafi", Van Dyke nói. "Tôi ở đây không làm gì khác ngoài việc cầm súng và giúp giải phóng Libya". 

Van Dyke bay từ Mỹ tới Ai Cập và lái xe tới Benghazi thuộc miền đông Libya, nơi Founas đang chờ anh. "Tôi đến đây để chiến đấu chống Gaddafi, hãy cho tôi một khẩu AK47", anh cho biết đã yêu cầu như thế.

Khi đang chiến đấu ở thành phố Brega phía đông, Van Dyke bị người của Gaddafi bắt giữ. Anh bị bỏ tù trong trại giam khét tiếng Abu Salim ở Tripoli, trải qua 165 ngày biệt giam. Anh đã bước sang tuổi 32 khi ở trong tù.

Van Dyke cho biết anh không bị tra tấn nhưng rất căng thẳng vì không biết điều gì xảy ra với mình, có thể bị giam nhiều năm hoặc bị xử tử. Anh không nói với lính gác là mình biết một chút tiếng Ảrập và thỉnh thoảng nghe được tin tức trên tivi về những gì người khác nói về mình. Một số nghĩ anh là gián điệp của CIA hoặc Mossad, cơ quan tình báo Israel. 

Van Dyke ra tù vào cuối tháng 8, khi lực lượng của NTC giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli. Lúc đó, anh có thể trở về nước nhưng lại quyết định gặp lại người bạn Founas và tiếp tục chiến đấu. 

Giờ đây, Van Dyke có một huy hiệu mang tên và ảnh của mình, chứng thực vai trò chiến binh của anh trong Lữ đoàn Ali Hassan Jaber.

Van Dyke cho biết, các đồng nghiệp người Libya muốn anh tiếp tục ở lại cho đến khi xung đột kết thúc và tìm một cô vợ người Libya. Tuy nhiên, người lính tự nguyện này nói anh đã có bạn gái ở nhà và sẽ chỉ ở lại đủ lâu để xem quân của Gaddafi cuối cùng bị đánh bại. 

"Tôi hứa với họ (gia đình tôi) khi tôi tới đây rằng tôi sẽ trở về khi Libya tự do và gia đình tôi nhắc nhở tôi phải tôn trọng lời hứa đó", Van Dyke tâm sự.

Thanh Hảo (Theo Reuters)