- Đến bây giờ, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH
Vũ
Mão vẫn không quên được cuộc tranh cử giữa hai ứng viên
Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt vào ghế Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, năm 1988.
"Chân phục vụ" cũng quan trọng
Ông Vũ Mão: Bầu cử phải có tranh cử. Ảnh: Thái Bình
Về VPQH với tôi vừa ngẫu nhiên, vừa hẳn là có cơ duyên. Trong giờ giải lao tại Đại hội Đoàn, anh Nguyễn Việt Dũng, lúc đó là Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước (HĐNN) kiêm Chủ nhiệm VPQH và HĐNN hỏi tôi sau khi rời Đoàn sẽ công tác ở đâu. Tôi trả lời, ra đi là dứt khoát vì tôi lớn tuổi, phải để các bạn trẻ tiếp tục công tác thanh niên, nhưng đến giờ phút đó, tôi vẫn chưa chắc chắn sẽ làm gì.
Anh Dũng hỏi: “Nếu tôi đề xuất anh về QH, làm Chủ nhiệm VPQH và HĐNN hỗ trợ cho tôi thì sao?”. Lúc đó anh Dũng kiêm hai công tác khác nhau khá nặng nề. Con người mạnh mẽ, rõ ràng và quyết liệt đó đã báo cáo ngay đề xuất này với các lãnh đạo như Võ Chí Công, Nguyễn Văn Linh… Khi được hỏi ý kiến, tôi trả lời từ trước đến nay qua nhiều công tác, tôi chưa từng chọn việc, phân công gì tôi làm nấy.
Trong lúc chiến tranh biên giới căng thẳng nhất, nhận được yêu cầu ra biên giới làm Bí thư huyện ủy kiêm Chính ủy lực lượng vũ trang thống nhất huyện Tiên Yên, phải thu xếp bàn giao ngay trong đêm để sáng sớm ra chiến trường, tôi cũng sẵn sàng.
Nhưng lần này quả thực trong lòng có băn khoăn. Đã kinh qua nhiều công tác nhưng QH với tôi còn quá xa lạ, VPQH lại càng xa lạ. Đang là thủ lĩnh thanh niên lại về làm Chủ nhiệm VPQH và HĐNN, nghe thì cũng được nhưng thực sự là chân phục vụ, tôi cũng không khỏi băn khoăn.
Nhưng tôi hiểu rằng nhiệm vụ này là quan trọng. Trong đổi mới đất nước, đổi mới QH là nhiệm vụ cấp thiết, cần về góp sức thì tôi không nề hà.
Tôi có nhiều kiến thức, nhất là về khoa học kỹ thuật, nhưng còn yếu về mặt pháp luật. Tôi học được nhiều nhất chính là từ các chuyên viên của VPQH khi cùng nhau say sưa, tận tụy làm việc ngày đêm, đặc biệt là thời điểm chuẩn bị sửa Hiến pháp năm 1980 thành Hiến pháp năm 1992. Và cũng giúp lại họ những kinh nghiệm thực tiễn, vì họ đôi khi vẫn còn hơi máy móc và nói nhiều về kinh nghiệm nước ngoài.
Tôi học cả từ các lãnh đạo, từ luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một con người trong sáng, người đã cho tôi một nhận thức rất quan trọng về “nguyên tắc suy đoán vô tội”, một nguyên tắc rất nhân văn. Những người làm thủ trưởng không nên không hài lòng với ai là nghĩ họ có khuyết điểm, hoặc tệ hơn là có tội. Tôi luôn tâm niệm, học và thực hành điều đó, đồng thời cố gắng thuyết phục các lãnh đạo khác thương dân, quý dân, đừng khó dễ với dân.
Tôi học cả từ những người tiền nhiệm, từ anh Nguyễn Việt Dũng về phong cách làm việc và sự mẫn cán chính trị, từ bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, một con người lỗi lạc, tài ba, thâm uyên, sâu sắc. Cả cuộc đời tôi là một quá trình học hỏi, đóng góp, cống hiến và trưởng thành.
Từ hai nút thành ba
Trong công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, đổi mới kinh tế rất khó và quan trọng nhưng đã đạt được nhiều thành quả đáng kể, dù còn nhiều tồn tại; nhưng đổi mới chính trị, cũng là điều nhân dân và người làm QH chờ mong, vẫn còn hơi chậm. Nhưng có thể tự hào nói rằng, trong đổi mới chính trị, QH đã đóng góp những bước đổi mới thận trọng và vững chắc.
Mùa hè năm 1988, biểu quyết ở QH vẫn còn là giơ tay. Tôi lúc đó mới về QH, đã phải cùng một số đồng chí và đội ngũ giúp việc ở hội trường Ba Đình chia nhau... đếm, vừa mệt vừa dễ nhầm lẫn. Tôi nghĩ “phải đổi mới ngay”, phải chuyển sang bấm nút điện tử.
Ban đầu chưa có tiền mua thiết bị, Bộ Tư lệnh thông tin đã giúp lắp đặt một hệ thống tự chế với hai nút “đồng ý” và “không đồng ý” chỉ tốn 36 triệu đồng kinh phí. Sang đến khóa IX, QH có hệ thống mới với thiết bị mua từ nước ngoài, có ba nút “đồng ý”, “không đồng ý” và “không biểu quyết”.
Câu chuyện 2 nút hay 3 nút này cũng là một cuộc đấu tranh không đơn giản. Nhiều lãnh đạo cao cấp và nhiều đại biểu lúc đó cho rằng nhấn nút “không biểu quyết” là vô trách nhiệm và thiếu nghiêm túc. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng và thuyết phục rằng đó mới chính là có trách nhiệm.
Trước một đạo luật đưa ra khi chưa được tiếp thu, sửa chữa đầy đủ, đại biểu QH không thể đồng ý mà cũng không thể không đồng ý, họ “chưa đồng ý” là để đòi hỏi đạo luật phải được tiếp tục hoàn thiện. Qua một nhiệm kỳ, các lãnh đạo và đại biểu đều nhận thấy giá trị của nút bấm này, và hệ thống 3 nút được duy trì đến hôm nay.
Cũng chính VPQH, năm 1994, sau một thời gian trăn trở, đã đề xuất việc truyền hình và phát thanh trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn. Việc này đã ghi một dấu son đổi mới của QH.
Bản thân tôi không quên được cuộc bầu cử Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1988. Cuộc tranh cử giữa hai ứng viên Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt thực sự là một cuộc cạnh tranh, có thể được coi là một dấu son trong dân chủ của QH.
Lúc đó tôi bị cho là “đầu têu” việc tranh cử giữa hai ứng viên để làm mất uy tín của đồng chí này, đồng chí kia. Nhưng thực tế đã chứng minh hoàn toàn không phải như vậy. Đến Đại hội Đảng XI vừa rồi, tôi vẫn tha thiết đề nghị phải “dân chủ hơn”, nghĩa là bầu cử phải có tranh cử.
Thủy Chung (ghi)
65 năm hành trình dân chủ của Quốc hội
"Cố là tiếng nói độc lập"