(TuanVietNam) - Việc các bộ thiếu gắn kết, phối hợp, hiểu biết lẫn nhau trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội ai cũng hiểu rằng nó sẽ gây ra những hậu quả tệ hại như thế nào.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ tháng trước, ông Vũ Đức Đam, bộ trưởng-chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có nói rằng, một trong những yêu cầu lớn cho Chính phủ khóa mới (khóa XIII) là đoàn kết, phối hợp với nhau chặt chẽ để thực hiện tốt việc điều hành, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước.
Chưa biết các bộ phối hợp tốt hơn với nhau thế nào nhưng qua một số vụ việc gần đây, người ta lại thấy có những dấu hiệu khác về những vụ việc rất cụ thể.
Đầu tiên là tranh cãi giữa bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với bộ Tài nguyên và Môi trường về con tôm thẻ chân trắng và con hàu Thái Bình Dương. Bộ Tài nguyên và Môi trường, bằng một văn bản chính thức của bộ này gọi đó là 2 loại sinh vật ngoại lai, có khả năng xâm hại mùa màng, đồng ruộng...Trong khi đó bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại có quan điểm ngược lại, theo đó hai loài nói trên, từ khi được nhập về, đã phát triển thương phẩm rất tốt ở nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế.
Theo quy định của bộ Tài nguyên và Môi trường, những sinh vật có tên trong danh sách sinh vật ngoại lai sẽ không được phép nhập về Việt Nam hoặc nếu được gây nuôi thì chỉ với số lượng có hạn và phải được sự cho phép của cơ quan quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại cho rằng, nếu đưa con hàu Thái Bình Dương và con tôm thẻ chân trắng vào danh sách này thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản và sinh kế của nhiều người.
Vụ tranh cãi ấy cũng kéo dài hàng tháng trời và mãi đến ngày 9.9 mới đây mới đi đến kết thúc có hậu là 2 bộ này đã thống nhất được quan điểm, đưa 2 loài sinh vật trên khỏi danh sách "sinh vật ngoại lai" gây tranh cãi đó.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (ảnh trái), Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Cẩm Tú (ảnh phải. |
Việc giảm giá xăng, điều hành giá xăng dầu có đúng, có sai ở bộ này, bộ kia như thế nào thì có lẽ Chính phủ sẽ phải có động thái kiểm tra, giải quyết trên cơ sở minh bạch hóa rõ ràng chi phí, lỗ lãi của các doanh nghiệp qua các đợt thanh tra, kiểm toán của thanh tra Chính phủ hay kiểm toán Nhà nước chứ không phải do những cuộc tự kiểm tra rồi ra kết luận đơn phương từ một trong hai bộ, bởi bộ nào rồi cũng tự cho là mình đúng, bên kia sai. Với những cách nói về nhau của 2 bộ tại hội thảo nói trên, thật khó hình dung là 2 bộ này sẽ có sự nhượng bộ để đi đến "đồng thuận" trong việc thực hiện cơ chế điều hành thị trường xăng dầu-một cơ chế do 2 bộ này là 2 thành viên chính trong tổ điều hành.
Việc các bộ thiếu gắn kết, phối hợp, hiểu biết lẫn nhau trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội ai cũng hiểu rằng nó sẽ gây ra những hậu quả tệ hại như thế nào. Điều rõ rang nhất, như việc điều hành thị trường xăng dầu không đúng có thể làm cho thị trường này rối loạn, doanh nghiệp không biết đâu mà lần còn người dân thì chịu khổ vì chỉ thấy giá tăng mà khi có giảm thì giảm rất thấp. Hay vụ tranh cãi về con tôm thẻ chân trắng, con hàu Thái Bình Dương, việc tranh cãi không sớm kết thúc thì hơn ai hết, chính những người nông dân, những người nuôi trồng thủy sản sẽ bị thiệt hại vì họ không thể biết khi nào được nuôi, khi nào bị cấm. Có khi nhận được thông báo cho nuôi thì cơ hội có lợi nhuận cao đã qua mất rồi.
Trong một, hai năm trở lại đây, người ta hay thấy báo chí đưa tin bộ này, bộ kia cùng ký văn bản về cơ chế phối hợp. Đến nay, rất nhiều bộ, ngành đã ký kết quy chế phối hợp công tác nhưng với những câu chuyện xảy ra như trên, người ta nghi ngờ về hiệu quả thực tế của việc thực hiện các điều khoản ở trong các bản quy chế ấy. Một trong những điều chủ yếu gây nên những bất hòa giữa bộ này, bộ kia là vấn đề quyền, lợi ích riêng của mỗi bộ. Ví dụ như các quyền về cấp phép, quyền điều hành cơ chế như nhập khẩu xăng dầu, nhập khẩu đường, muối...những thứ còn đòi hỏi phải giấy phép, phải có "xin-cho" thì khi lợi ích đó phải san sẻ, chia sẻ nó sẽ dễ nảy sinh tranh chấp, thậm chí là nảy lửa như tranh cãi về điều hành xăng dầu giữa 2 bộ có thể nói lớn nhất nước: Tài chính-Công thương như vừa qua.
Cho nên, phân biệt rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bộ, hạn chế lợi ích cục bộ, thường xuyên có sự trao đổi, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa bộ bộ mới tránh được những vụ việc như ở bộ Tài chính và bộ Công thương mới rồi.
Mạnh Quân