- Đôi mắt hoe đỏ, thi thoảng bà lại đưa tay quệt ngang mắt, nhưng miệng vẫn nhoẻn cười khi nói chuyện. Người đàn bà góa kiếm sống bằng nghề nhặt rác suốt 35 năm qua này có một quá khứ đầy cay đắng…
Đời mưu sinh của cụ bà nhặt rác kiếm tiền chạy thận
Bà Sinh, năm nay đã ngoài 70 tuổi, người gốc Thái Nguyên, bà có dáng người nhỏ bé, khăn quấn đầu, bà mặc một chiếc quần vải đen và chiếc áo cộc tay đã ngả màu. Tuy đã có tuổi, nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Cứ sáng sớm, tầm 4h, khi mà thành phố vẫn còn đang say trong giấc ngủ, bà lại đi khắp chợ Long Biên để nhặt nhạnh túi nilon, bìa các tông, chai lọ…công việc đó cứ quay đều suốt mấy chục năm qua. “Bìa 5000/kg, còn túi nilon thì 6000/kg…cả ngày cứ bán cái nọ, cái kia cũng đủ sống” – Bà chia sẻ.
Thu nhập hàng ngày cũng chẳng đáng là bao, nhưng đủ để bà trang trải cuộc sống. Bà Sinh sống chung phòng trọ với hai cô khác, cũng là những người ở tỉnh lẻ ra thủ đô làm thuê, khu trọ khá chật chội ở ngay dưới chân cầu Long Biên, phòng chưa đầy 15m2, chỉ đủ để đặt một chiếc giường và một vài đồ linh tinh, còn những đồ đạc khác đều phải treo lên tường…ấy thế mà bà cũng đã gắn bó với nó suốt 7 năm qua.
|
Bà Sinh. |
“Tôi sống ở đây có một mình thôi, con gái đi lấy chồng tận trên Lục Ngạn, một năm cũng chỉ về thăm cháu được 1, 2 lần. Tết nhất người ta về quê ăn Tết hết, cả khu trọ này chỉ có mình tôi ở lại. Biết về đâu đây?”. Bố mẹ bà mất sớm, anh chị em mỗi người có một cuộc sống riêng. “Dù anh chị em có thương cũng chỉ giúp được một phần nào thôi, do mình là chính chứ cháu, làm sao mà dựa họ mãi được” – Bà nói.
Tài sản lớn nhất của bà chính là cô con gái, chồng bà mất sớm vì căn bệnh xơ
gan, hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, không có tiền chạy chữa nên đành chịu. Khi
nói về gia đình, giọng bà trầm hẳn xuống, đôi mắt hoe đỏ không giấu nổi nỗi
buồn: “Tôi với mẹ chồng không hợp nhau, bà vốn đã không thích tôi, sau khi chồng
tôi mất thì bà có ý đuổi tôi đi, nhưng biết đi đâu hả cháu, lúc ấy bố mẹ ruột
tôi mất rồi. Có ông anh bên trên, nhưng chị dâu rất khó tính, không thể về ở
cùng được. Thậm chí mẹ chồng không cho tôi gần đứa con gái. Có lần khi đang làm
đồng, bà dúi đầu tôi xuống ruộng, sau đấy bà còn kéo tóc tôi xuống rồi kẹp đầu
tôi giữa hai chân bà, may mà lúc ấy có người dân ở quanh nên tôi kêu cứu được.
Khổ lắm cháu ạ”.
|
Vất vả mưu sinh. |
Bà Sinh về làm dâu gần chục năm trời, làm lụng chăm chỉ để mong có một cuộc sống yên ổn, ai ngờ những điều đau đớn đó lại ập đến với bà. Bà đã phải rời bỏ quê hương với đứa con nhỏ ẵm trên lưng trong hoàn cảnh đôi bàn tay trắng, xót xa biết chừng nào!
“Sau khi đánh đuổi, nhưng tôi nhất quyết không đi, mẹ chồng
đã bắt tôi sống ở nhà kho suốt gần 2 tháng, kho không có cửa, lạnh lẽo lắm cháu
ạ, nhưng vẫn phải cố sống thôi, biết làm thế nào được, tôi không thể bỏ đi như
thế. Đến tận khi con gái tôi bị ốm nặng, mẹ chồng tôi lúc ấy mới chịu cho tôi
gần cháu và tôi đã bế con bỏ đi”.
|
Sau khi rời khỏi quê hương, bà sinh bế con đi lang thang khắp nơi, làm đủ các nghề để nuôi nấng đứa bé trưởng thành. Khi cháu đến tuổi đi học, vì không có hộ khẩu Hà Nội nên bà không thể xin cho con đi học ở đây, dù nghèo khổ đến đâu thì trong trái tim người mẹ này vẫn muốn cô con gái bé nhỏ được đến trường như bao đứa bé khác, vì vậy mà bà đã chấp nhận làm thuê không công cho một gia đình trong 6 tháng để người ta giúp bà xin cho con được đi học. Nhưng cái khoảng thời gian được nhìn thấy con gái cắp sách đến trường cũng không dài.
“Năm cháu học hết lớp 2, một lần đi nhặt rác do sơ ý tôi té ngã, chân bị gãy, phải nằm viện điều trị 6 tháng, lúc đó cháu đã phải nghỉ học để đi làm thuê, làm mướn cho người ta để lấy tiền chăm mẹ” - Bà tâm sự. Sau khi xuất viện, sức khỏe của bà giảm sút đi nhiều, đôi chân không còn được như xưa nữa, bà phải đi tập tễnh từng bước khó nhọc, và từ đó trở đi hai mẹ con bà cứ đi khắp phố phường Hà Nội nhặt rác để kiếm sống hoặc thi thoảng làm thuê cho nhà người ta…
|
Trong căn phòng trọ chật chội của bà Sinh. |
Năm 20 tuổi, con gái bà đi lấy chồng, kể từ đó bà sống cô đơn không có ai thân thích bên cạnh. Thi thoảng anh em, họ hàng có gọi điện lên hỏi thăm, bà cũng chỉ trả lời vỏn vẹn câu “vẫn khỏe” để cho mọi người an tâm. Bà tâm sự: “Ở đời, phải tự lập cháu ạ, người ta có thương mình đến đâu thì cũng chỉ lo cho mình được một “gang” thôi, chứ mình phải tự lo cho cuộc sống của mình chứ”.
Trước khi chuyển đến phòng trọ này, bà sống tạm bợ trên đê Yên Phụ đến khi người ta bắt đầu xây dựng con đường gốm sứ thì bà buộc phải rời đi chỗ khác. “Hồi đó, cứ tối đến là dựng lều để ngủ, sáng sớm lại thu gọn gàng lại, mùa đông rét mướt, khổ lắm! Cách đây vài năm, tôi có một trận ốm nặng, tóc trên đầu rụng gần hết, nhưng vì không có tiền nên cũng không dám đến viện, trong khoảng thời gian đó không làm được việc gì cả, những người sống xung quanh phải cho đồ ăn để sống qua ngày” – Bà kể
Bà Sinh có một cuộc sống đầy khó khăn, vất vả…nhưng bà vẫn nhoẻn cười trước cuộc đời mà tương lai chưa biết sẽ đi về đâu. “Khóc mãi thì cuộc sống vẫn thế thôi, không thể thay đổi được gì, cứ liều mà sống thôi cháu ạ, đến đâu thì đến” – Bà tâm sự.
Trong những góc khuất của nơi phồn hoa đô thị, lấp lánh ánh đèn này vẫn còn tồn tại những con người như thế…
Nguyễn Nhung