Thuyết tiến hóa của Darwin

Giữa thế kỷ 19, Charles Darwin- nhà tự nhiên học người Anh đưa ra một học thuyết quan trọng về nguồn gốc của loài do chọn lọc tự nhiên, sau này được biết đến dưới cái tên “Thuyết tiến hóa của Darwin”.  Theo đó, trong quá trình tiến hóa, mọi sinh vật sẽ phải thay đổi để phù hợp với môi trường sống và chỉ những loài nào mạnh nhất, kịp thay đổi thích nghi mới tồn tại và phát triển đến ngày nay.

Câu chuyện của Apple và iPhone

Ngày hôm nay, hầu như tất cả mọi người đều nhận thức và cảm nhận được sự thay đổi đang diễn ra xung quanh chúng ta như thế nào, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh. Cách đây hơn năm năm, khi Apple tung ra điện thoại iPhone, nhiều đại gia trong ngành điện thoại đều cười khẩy một thứ mà theo họ mô tả là “điện thoại pí lù” vì iPhone kết hợp nhiều tính năng như: sổ tay điện tử, điện thoại thông minh, máy nghe nhạc, trò chơi điện tử, công cụ lướt web, máy chụp hình…trong cùng một chiếc điện thoại. Thực tế diễn ra như thế nào mọi người đều đã biết, iPhone đã tạo nên một cuộc cách mạng trong thị trường điện thoại di động. Ngày nay, tất cả các hãng điện thoại di động cao cấp đều đi theo hướng mà iPhone là người tiên phong. Apple đã có bước chuyển đổi cách mạng từ công ty chỉ chuyên sản xuất máy tính đồ họa thành công ty điện tử giải trí cung cấp máy tính thời trang, máy nghe nhạc, điện thoại di động và máy tính bảng. Tháng 8-2-12, Apple đã vượt qua Microsoft trở thành công ty Mỹ có giá trị thị trường lớn nhất lịch sử.

Câu chuyện Samsung và vị chủ tịch Lee

Một câu chuyện khác trong lĩnh vực điện tử gia dụng. Hơn mười năm trước, nếu ai so sánh Samsung với hai hãng điện tử hàng đầu thế giới Sony hay Panasonic chắc đều bị coi là không bình thường. Nhưng Lee Kun Hee, vị chủ tịch của Samsung không chấp nhận sự thua kém này. Ông đã tiến hành cuộc cách mạng, từ một vị trí gần như vô danh trên bình diện quốc tế, ngày nay Samsung chiếm vị trí đáng nể trên bản đồ thế giới trong lĩnh vực điện tử gia dụng. Khi cả Sony và Panasonic đều đang vật lộn trong thua lỗ, quý 3-2012, lần thứ tư liên tiếp trong vòng một năm Samsung phá vỡ kỷ lục doanh thu và lợi nhuận quý. Lee Kun Hee đã biến Samsung từ một công ty sản xuất hàng điện tử rẻ tiền, chất lượng thấp thành một Samsung chất lượng cao, mẫu mã hiện đại.

Chuyển đổi khi đang thành công


Có ý nghĩ cho rằng, chỉ cần thay đổi khi kết quả công việc không tốt. Tất nhiên trong tình huống đó, sự thay đổi là điều miễn bàn. Tuy nhiên trong hai trường hợp Apple và Samsung, hai công ty đều tiến hành cuộc cách mạng chuyển đổi ngay trong lúc họ đang có những thành công nhất định. Apple trước khi tung iPhone, vẫn đang thành công với máy nghe nhạc iPod, nhưng Steve Jobs, thuyền trưởng của “Quả táo” thời điểm đó quyết định Apple cần chiếm lĩnh thị trường điện thoại di động. Apple đã chuyển đổi từ công ty thành công trong lĩnh vực máy tính đồ họa và máy nghe nhạc nén thành công ty vĩ đại trong lĩnh vực điện tử giải trí thân thiện với người sử dụng. Samsung của Lee Kun Hee cũng chuyển đổi từ một công ty điện tử Hàn Quốc mang tầm quốc gia thành hãng điện tử thành công tầm thế giới. Và cả Apple và Samsung đều thực hiện được kỳ tích này trong điều kiện kinh tế toàn cầu vẫn chưa qua giai đoạn suy thoái.

Khi kinh doanh phát triển, muốn nâng tầm lên tầng cao mới, không chỉ dừng lại ở những thay đổi nhỏ mang tính cải biến. Muốn chuyển mình lên đẳng cấp cao hơn, cần những cuộc cách mạng, cần sự thay đổi mạnh mẽ trong tất cả, từ định hướng, tầm nhìn đến cơ cấu tổ chức, giải pháp thiết bị, công nghệ…Điều này đúng cho cả tổ chức lẫn con người. Chúng ta đều biết tăng trưởng cơ học dựa trên sự cố gắng hay quen tay chỉ có thể giúp cải thiện được tối đa 10-15%. Nếu muốn tăng trưởng trên 30% bắt buộc phải có thay đổi trong phương thức  hay cách thực hiện. Còn nếu muốn con số đó nhiều hơn 50% thì cần cuộc cách mạng chuyển đổi trong toàn bộ tổ chức hay như cách nói của vị chủ tịch Samsung: Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con bạn”.

Biết là vậy, nhưng sẽ không dễ dàng tự chuyển đổi khi kết quả công việc không tồi. Tại sao tôi phải thay đổi? Liệu việc thay đổi có giúp kết quả công việc tốt hơn không? Tôi được lợi gì khi thay đổi?...Các câu hỏi đó luôn diễn ra trong quá trình chuyển đổi của tổ chức. Để triển khai dự án iPhone, Steve Jobs đã phải tuyển chọn những gã “khùng” trong Apple, cách ly họ với những công việc thường nhật của các phòng ban khác, để họ không bị rào cản của những thành công trong quá khứ ngăn cản sự sáng tạo. Còn Lee Kun Hee khi bổ nhiệm Eric Kim- một người nước ngoài phụ trách tiếp thị đã từng tuyên bố: “Bất cứ ai cản trở Eric Kim đều phải chết”.

Quá trình chuyển đổi luôn là quá trình khó khăn và nhiều trở ngại. Trở ngại đầu tiên chính từ những người trong nội bộ công ty, những công thần của ngày hôm qua. Người thuyền trưởng cần phải chuẩn bị và thuyết phục được những vị “lão thành” này ủng hộ công cuộc chuyển đổi, thậm chí cần lường trước những tình huống xấu nhất. Cuộc chơi kinh doanh như chuyển động của vòng xoắn ốc, bạn dừng lại hay đi với tốc độ của ngày hôm qua đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị người khác vượt qua hoặc loại bỏ. Điều quan trọng nhất trong cuộc đua này là bạn đừng để bị loại ra khỏi cuộc chơi. Còn trong cuộc chơi, khi thời cơ đến, nắm bắt được cơ hội bạn sẽ lại thành công.

Năm 2012, trong bối cảnh bất ổn của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế nước nhà vẫn trong giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa ngưng hoạt động nhưng vẫn có doanh nghiệp phát triển và thành công. Đa phần những doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp đã kịp chuyển đổi thích ứng với giai đoạn phát triển mới. Chuyển đổi là quá trình không đơn giản và dễ dàng nhưng đó là con đường duy nhất giúp chúng ta thành công ở tầm cao mới. Hãy bắt đầu hình thành chuyển đổi từ trong suy nghĩ của mỗi bản thân chúng ta. Làm được điều này, hi vọng chúng ta sẽ có được những Apple, Samsung của Việt Nam tầm cỡ châu lục trong tương lai không xa.

(Theo KTSG)