-“Tôi lập ra trường này để đào tạo những ông cử, bà cử, nhưng trước hết, sinh viên của tôi phải được đào tạo làm người. Ai đối xử tệ với Đồng Thị Nga, người đó không phải học trò của tôi” – Chính những lời nói đó của thầy hiệu trưởng đã thắp sáng hy vọng cho cô sinh viên bất hạnh ngày nào.

Vết thương chiến tranh

Cô Đồng Thị Nga, 34 tuổi, hiện là giảng viên trường Đại học dân lập Hải Phòng. Sinh ra trong gia đình có 4 anh em. Cha cô sau chiến tranh trở về từ chiến trường Quảng Trị đã không may mắn mang trong mình chất độc da cam. Con cái của ông khi sinh ra đều không toàn vẹn, riêng chỉ có Nga tưởng chừng như may mắn, nhưng đâu ngờ, trong cơ thể yếu đuối kia ngày qua ngày phải chịu sự đau đớn, toàn thân cô nứt nẻ, mùa hè những vết nứt rỉ máu đau buốt. Cô đã phải sống trong sự xa lánh và lạnh nhạt của mọi người xung quanh.

Cô tâm sự: “Tuổi thơ của tôi là những ngày dài đau khổ, bạn bè xa lánh, người đời hắt hủi, cộng với nỗi đau thể xác ngày đêm tôi phải gánh chịu. Nhưng tất cả những điều đó không thấm gì so với nỗi đau tinh thần khi gia đình tôi chia ly. Mẹ tôi một mình nuôi anh em tôi khôn lớn và xót xa khi chứng kiến nỗi đau bệnh tật của con cái, sự ghẻ lạnh của gia đình và xã hội. Chứng kiến những ánh mắt xa lánh của mọi người đối với mẹ, nhiều đêm tôi đã khóc vì thương mẹ”.

{keywords}
Cô Đồng Thị Nga trong lễ biểu dương người khuyết tật 2013

Khi cô vào lớp một, do sợ ảnh hưởng đến bạn học cùng lớp, thầy hiệu trưởng đã yêu cầu cô nghỉ học, nhưng nhờ sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm, cô tiếp tục được đến trường. “Được đi học với tôi là một niềm vui lớn, những kiến thức, những bài học cho tôi thêm niềm tin và hy vọng” – cô chia sẻ, cô đã cố gắng học tập tốt với hy vọng nhỏ nhoi là được mọi người xem cô như những người bình thường, sẽ không còn kỳ thị và ghê sợ. Nhưng điều đó đã không như cô mong đợi, cô vẫn phải chịu sự xa lánh trong suốt những năm tháng tuổi thơ và khi học phổ thông.

Cô đã hứa với mẹ: “Mẹ ơi, tuy mẹ sinh ra con không được bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng con sẽ là niềm tự hào của mẹ, con sẽ làm tất cả để mẹ được vui vì mẹ đã sinh ra con, con sẽ cố gắng để bù đắp lại những nỗi đau mà mẹ phải gánh chịu”

Nghị lực phi thường vượt qua nỗi đau

Năm 1998, khi tốt nghiệp trung học phổ thông năng khiếu Trần Phú Hải Phòng, như bao sĩ tử khác, cô mang ước mơ được vào đại học, nguyện theo ý của con gái, mẹ đã đưa cô ra Hà Nội dự thi, “đó là những ngày hè nắng nóng, bệnh tôi càng nặng thêm, da nứt nẻ, chảy máu, nhưng tôi quyết không bỏ cuộc, tôi muốn trở thành niềm tự hào của mẹ” – cô tâm sự. Niềm vui vỡ òa khi cô nhận được điểm thi đại học, những nỗ lực bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng, cô đỗ liền hai trường tại Hà Nội: đại học kinh tế quốc dân và đại học công đoàn, nhưng do sức khỏe yếu, nên cô phải chọn học tại Hải Phòng.

Một tháng sau khi nhập học, một bức thư không tên đã được gửi đến thầy hiệu trường báo về trường hợp của cô, thầy nhanh chóng tìm ra cô, trong buổi nói chuyện với sinh viên toàn trường, thầy đã làm thay đổi nhận thức của tất cả sinh viên: “Tôi lập ra trường này để đào tạo những ông cử, bà cử, nhưng trước hết sinh viên của tôi phải được đào tạo làm người. Ai đối xử tệ với Đồng Thị Nga, người đó không phải học trò của tôi”, chính những lời nói đó của thầy đã tiếp thêm tự tin, hy vọng và động lực để cô cố gắng không ngừng, cuộc đời của cô như được mở ra một trang khác tươi sáng hơn ngày hôm qua. Cô đã phấn đấu rất nhiều trong 4 năm đại học, được đứng trong hàng ngũ của Đảng và điều mong mỏi của cô đã trở thành sự thật, cô nhận được sự yêu quý của những người xung quanh. Mỗi kỳ nhận được học bổng, cô lại đem số tiền đó đi làm từ thiện, “đó là niềm vui lớn lao khi được giúp đỡ, chia sẻ với những số phận bất hạnh hơn mình” – cô tâm sự.

Năm 2002, kết thúc 4 năm học, cô được nhà trường giữ lại làm giảng viên và được cử đi học thạc sĩ tại Malaysia. Cô bé bất hạnh ngày nào giờ đã tự tin đứng trên bục giảng trước sự yêu quý và trân trong của nhiều sinh viên. Hạnh phúc hơn cả, hiện cô đã có một mái ấm gia đình, bên chồng và hai đứa con khỏe mạnh, “có lẽ đó là điều kì diệu nhất cuộc sống đã ban tặng cho tôi” – cô hạnh phúc nói.

Có một điều cô luôn muốn gửi gắm tới mọi người: “Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những dư âm của nó vẫn còn tồn tại, những số phận không may mắn lắm một tấm lòng nhân ái, và tôi chính là minh chứng cho điều đó, nếu không có tình yêu thương vô bờ bến của mẹ, lòng nhân ái của thầy cô và bạn bè, thì chưa chắc tôi đã có ngày hôm nay”

Nguyễn Nhung