XEM CLIP:

Việc liên thông Dữ liệu dân cư với các lĩnh vực của đời sống có vai trò quyết định trong Chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn giao thông. Để làm rõ hơn vấn đề này, báo VietNamNet tổ chức Bàn tròn “Chuyển đổi số để thay đổi văn hóa giao thông”.

Đến dự Bàn tròn của VietNamNet có hai vị khách mời gồm: Trung tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an; Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh – Phó trưởng Phòng Hướng dẫn, tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.

Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi với các vị khách mời: 

MC Hoàng Hiệp: Câu hỏi đầu tiên, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết tổng thể về quá trình xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian qua được thực hiện như thế nào?

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn: Ngay khi thiết kế, hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư đã đặt ra theo thiết kế đảm bảo khung Chính phủ điện tử 2.0. Nghị định 47 đảm bảo khi hệ thống CSDL quốc gia ra đời cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa hệ thống này với các CSDL của các Bộ, ban ngành phục vụ công tác cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công. 

Đối với CSDL quốc gia về dân cư ngay sau lễ khai trương vào tháng 2/2021 đã kết nối với nền tảng dịch vụ công quốc gia, Cục CSGT, Bảo hiểm xã hội và Tổng cục Thuế… bước đầu khai thác, thử nghiệm việc ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư vào công tác cải cách thủ tục hành chính.

Trong quá trình xây dựng có rất nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là việc đảm bảo dữ liệu quốc gia dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống" mà lực lượng công an xã, cảnh sát khu vực trên 11 nghìn phường, xã trên toàn quốc phải làm cật lực. Có thời điểm phải làm cả ngày, cả đêm để đảm bảo dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đảm bảo đầy đủ, chính xác. 

Ngoài ra để triển khai hiệu quả hơn, chúng tôi cũng đã đẩy mạnh thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ là đẩy mạnh quá trình cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho hơn 60 triệu công dân Việt Nam, thu nhận hơn 70 triệu dữ liệu công dân. Đây là một kỷ lục của Việt Nam cũng có thể nói là kỷ lục trên toàn thế giới với việc cấp phát căn cước công dân gắn chip. Căn cước công dân gắn chip dựa trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư là điều kiện để người dân sử dụng trong việc cải cách thủ tục hành chính. 

{keywords}
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn

Công tác kết nối CSDL quốc gia về dân cư hiện nay với các Bộ, ban ngành hiện nay đã kết nối với Bộ Tư Pháp, Bộ Y tế (phục vụ công tác tiêm chủng trên nền tảng PC–Covid, VNEID); Bảo hiểm xã hội Việt Nam (công tác khám chữa bệnh); kết nối với Cục Cảnh sát giao thông, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an). Đó là những kết quả bước đầu mà CSDL quốc gia về dân cư kết nối được.

MC Hoàng Hiệp: Trên thực tế, vẫn còn một số thủ tục liên quan đến ngân hàng hay đất đai… người dân vẫn phải xin xác nhận thủ tục bằng hình thức thủ công, bằng giấy, vậy Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội có giải pháp như thế nào để khắc phục triệt để tình trạng này?

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, một số thủ tục người dân vẫn còn phải xin xác nhận bằng hình thức thủ công thì thực chất việc này không chỉ liên quan đến các hệ thống công nghệ thông tin. 

CSDL quốc gia dân cư là một trong nhiều CSDL quốc gia khác, là CSDL quốc gia đầu tiên hoàn thiện còn các CSDL khác do các Bộ, ban ngành khác chủ trì như Cơ sở dữ liệu về đất đai, xây dựng… vẫn đang được xây dựng và hoàn thiện.

Đối với các thủ tục liên quan, cần phải hoàn thiện về mặt hệ thống như có kết nối, liên thông giữa các CSDL với nhau nhưng như hiện này gần như các hệ thống dữ liệu của các Bộ, ban ngành khác còn thực hiện thủ công, chưa có hệ thống hoàn thiện để phục vụ. Ngay cả cải cách hành chính các dịch vụ công của các Bộ, ban ngành, các cơ quan vẫn còn nhiều thủ tục thủ công.

Ngay cả khi đã có hệ thống, thì vẫn phải hoàn thiện các thủ tục, điều chỉnh Luật, thông tư hướng dẫn để đảm bảo khi có kết nối, điều kiện công nghệ thông tin tốt thì có thể triển khai được thủ tục hành chính, dịch vụ đó trên nền tảng điện tử. Nếu chúng ta không thể hoàn thiện được thể chế, các điều chỉnh, quy định về pháp luật thì việc triển khai sẽ vướng và gặp khó khăn.

{keywords}
Các vị khách mời chia sẻ tại bàn tròn

Ba là phải thay đổi cả nhận thức của đơn vị cung cấp và đối tượng sử dụng. Người dân có thói quen thích đi làm trực tiếp, thích cung cấp giấy, ngay cả các đơn vị xử lý cũng thích có giấy tờ chứng thực mới xác nhận chính xác. Còn trên nền tảng điện tử thì về mặt tư duy và nhận thức cần có những trao đổi để tăng cường thêm.  

Đối với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, để đảm bảo giải quyết một số vướng mắc như vậy, Cục đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an đề xuất lên Chính phủ các giải pháp. Mới đây nhất là ban hành đề án 06 ngày 6/1/2022 về ứng dụng CSDL quốc gia dân cư để chuyển đổi số và cải cách hành chính trong giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030.

Trong đề án này cũng xác định rõ 5 khối nhiệm vụ nhưng trong đó có 2 khối nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính cũng như dịch vụ công.

Thứ nhất, phối hợp với các đơn vị để rà soát, hoàn thiện lại các luật, quy định của pháp luật liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ cung cấp cho người dân.

Thứ hai, trao đổi, đánh giá để thúc đẩy quá trình tin học hóa của các đơn vị cũng như thúc đẩy quá trình kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư với các bộ, ban, ngành, đơn vị để phục vụ công tác cải cách thủ tục hành chính và dịch vụ công. 

MC Hoàng Hiệp: Một câu hỏi xin gửi tới hai vị khách mời. Trong lĩnh vực quản lý phương tiện giao thông như đăng ký xe, chuyển nhượng phương tiện, xử phạt vi phạm giao thông, Cục C06 sẽ chia sẻ tiện ích trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như thế nào để đáp ứng với hạ tầng của Cục CSGT.

Và khi việc đấu nối được thông suốt, là đơn vị tiếp nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục CSGT đã chuẩn bị hạ tầng kĩ thuật như thế nào để quá trình quản lý trên không gian số diễn ra trôi chảy?

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn: Ngay từ khi xây dựng, hình thành CSDL quốc gia dân cư thì Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có những phối hợp với Cục CSGT.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, hai đơn vị đã có những đợt làm việc liên tục để đảm bảo kết nối, phục vụ ngay trong thời điểm lễ khai trương tháng vào 2/2021. Thời điểm trên đã có thể kết nối để khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư phục vụ cho việc đăng ký xe cũng như quản lý xử phạt vi phạm hành chính của Cục CSGT.

Công việc liên quan tới hoàn thiện nền tảng hạ tầng của cả hai bên cũng như hoàn thiện và đảm bảo vệ mặt an ninh an toàn, cũng như hoàn thiện một số quy định, thủ tục để đảm bảo khi kết nối chia sẻ vẫn giữ được an ninh an toàn, bảo mật đối với thông tin của công dân.

Đối với cơ sở hạ tầng của CSDL quốc gia dân cư, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an phải thần tốc triển khai và đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, lực lượng cảnh sát quản lý hành chính phải ngày đêm trao đổi cũng như đưa yêu cầu không những về mặt yêu cầu và pháp lý để đảm bảo quá trình triển khai về hạ tầng, thiết kế, kết nối để sẵn sàng phục vụ, mốc thời điểm cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư xác định để phải hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.

{keywords}
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh

Ví dụ như mốc 21/2 hay là 1/7/2021 – những thời điểm mà gần như cạn kiệt nguồn cung công nghệ thông tin, đặc biệt là nguồn cung về chíp. Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan để có những giải pháp cụ thể để vừa đảm bảo yêu cầu về mặt kỹ thuật, vừa đảm bảo về mặt thời gian để có được kết quả như hiện nay. 

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Việc áp dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT là vấn đề rất cần thiết. Điều này giúp cho lực lượng CSGT chủ động giám sát, phát hiện, ngăn chặn cũng như xử lý các hành vi vi phạm. 

Thực tế, Chính phủ cũng như các địa phương rất quan tâm tới việc đầu tư, xây dựng lĩnh vực hệ thống giám sát và áp dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo ATTTGT. Vì thế, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, các dữ liệu, thông tin về tai nạn giao thông đều được thu thập, xử lý, cập nhật đầy đủ từ các địa phương và được lưu giữ trong Trung tâm thông tin CSDL của Cục CSGT.

Bên cạnh đó, dữ liệu ATGT và quản lý phương tiện, xử lý vi phạm, nộp phạt qua cổng dịch vụ công trực tuyến, CSDL tai nạn giao thông đã được triển khai quyết liệt, ráo riết mang lại hiệu quả cao.

Hiệu quả đó không chỉ phục vụ cho sự tiện lợi của người dân mà còn phục vụ cho công tác quản lý của lực lượng chức năng. Trong đó, đáng chú ý là đề án lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông. 

Tôi cho rằng đây là xu hướng tất yếu trong quản lý giao thông trong thời gian tới. Chúng ta cũng đã được nghiên cứu, học tập những kinh nghiệm đi trước của các nước trên thế giới, chúng ta sẽ áp dụng những biện pháp này cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam để công tác bảo đảm TTATGT được minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả.

MC Hoàng Hiệp: Quay trở lại với vấn đề giao thông, có một thực tế hiện nay không khó để nhận thấy, rằng vấn đề trật tự an toàn giao thông ở nước ta còn diễn biến phức tạp, Cục CSGT cho biết, để kiểm soát và thiết lập lại trật tự ổn định, Cục đã áp dụng công nghệ như thế nào để kiểm tra, giám sát và xử lý?

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Với sự phát triển rất nhanh chóng của khoa học công nghệ cho thấy tầm quan trọng và vai trò lớn của nó trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Ví dụ như trước đây việc lập chốt rất thủ công hoặc việc xác minh các vụ tai nạn giao thông liên quan đến các phương tiện mất nhiều thời gian. Nhưng hiện nay, khi ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT của lực lượng CSGT. 

Tới đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ dần thay đổi các trang thiết bị kỹ thuật cũng như hệ thống cơ sở dữ liệu vốn gây tốn kém nhân lực, vật lực, nguồn tài nguyên nói chung. Những công việc đang được thực hiện thủ công sẽ được thay thế bằng những công nghệ phù hợp với thời đại mới hoặc đỡ tốn nhân lực.

Ví dụ như chỉ những công việc mà máy móc không thể thay thế được thì con người mới phải đảm nhận. Điều này sẽ giúp tiết kiệm tiền bạc, công sức, thời gian cho cả công chức và người dân.

Thay vì lập các chốt tuần tra, kiểm soát thủ công thì lực lượng CSGT có thể thông qua các hệ thống camera giám sát và phát hiện rất là nhanh chóng, kịp thời các hành vi vi phạm.  Lực lượng CSGT có thể chỉ thực hiện tuần lưu, hoặc khi xảy ra các tình huống như tai nạn giao thông sẽ được công an các địa phương, công an từ cấp phòng cho tới cấp quận huyện sẽ nhập qua hệ thống CSDL.

{keywords}
Hai vị khách mời chia sẻ tại bàn tròn

Từ tất cả các trường thông tin trong hệ thống CSDL đã có, chúng tôi có thể phân tích nguyên nhân của vụ tai nạn, thông tin về độ tuổi, về lỗi và hành vi vi phạm cũng như thời gian xảy ra tai nạn.... Qua đó, cơ quan quản lý có thể đề ra những giải pháp chiến lược hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Một dẫn chứng cụ thể về vấn đề trên, khi áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đăng ký phương tiện, người dân có thể vào cổng dịch vụ công quốc gia, vào trang web của lực lượng CSGT để khai các thông tin về đăng ký xe. Các trường thông tin của mục khai đăng ký xe sẽ thể hiện việc chúng ta thường trú ở đâu, khi khai báo sẽ hiện lên cả địa chỉ và số điện thoại của cơ quan nơi đăng ký phương tiện.

Sau đó, người dân sẽ gọi điện cho nơi đăng ký để tạo lịch hẹn. Quy trình như vậy có thể tiết kiệm thời gian chờ đăng ký, tránh tập trung đông người trong thời điểm dịch Covid-19 rất phức tạp như hiện nay.

Trong các hệ thống CSDL về TTATGT thì hệ thống CSDL thuộc trung tâm thông tin chỉ huy của Cục CSGT rất quan trọng, bắt nhịp cùng sự phát triển, ứng dụng của KHCN. Đến nay, việc ứng dụng trên đạt được những kết quả nhất định về hệ thống cơ sở dữ liệu như đăng ký xe, tai nạn giao thông, xử lý vi phạm và cũng được triển khai đến các phòng CSGT của các tỉnh cũng như công an các quận huyện trên toàn quốc. 

Ngoài ra, hệ thống dữ liệu dùng chung cũng được lắp đặt từ năm 2019 tại trung tâm của Cục CSGT đã tích hợp nhiều thông tin của các hệ thống dữ liệu như đăng ký xe, tai nạn giao thông, xử lý vi phạm giao thông thành bộ dữ liệu đồng bộ dùng để chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài ngành. 

Bộ Công an đã thực hiện kết nối hệ thống CSDL quốc gia về dân cư với Cục CSGT qua trục liên thông do Văn phòng Chính phủ quản lý để giải quyết các thủ tục liên quan đến quản lý phương tiện và xử lý vi phạm giao thông...

MC Hoàng Hiệp: Một câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm hiện nay, đó là khi thực hiện chuyển đổi số toàn diện thì tiện ích mà cơ quan chức năng và người dân được thụ hưởng cụ thể sẽ như thế nào?

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Bộ Công an đánh giá lực lượng CSGT thuộc top đầu trong ứng dụng KHCN. Chúng tôi muốn hướng đến đáp ứng yêu cầu của Bộ Công an về xây dựng lực lượng CSGT chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. 

Cụ thể, Cục CSGT tham mưu để Bộ Công an trình Chính phủ ban hành Quyết định 165 liên quan đến triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát. Tới đây các tuyến đường sẽ dùng chung một quy chuẩn hệ thống kỹ thuật camera để hệ thống đó được áp dụng liên thông trong cả nước. 

Lực lượng CSGT áp dụng khoa học công nghệ trong đăng ký xe trên không gian mạng. Năm 2021 là năm bản lề trong việc tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi biển số vàng cho xe kinh doanh, sang tên phương tiện cho nhiều đời chủ. Bộ Công an cũng đang kết nối hàng loạt cơ sở dữ liệu quy mô lớn. 

Liên quan đến việc người dân phải đi lại để xử lý vi phạm qua hệ thống giám sát, thực tế hiện nay cho thấy, trường hợp người dân sinh sống ở nơi này nhưng vi phạm ở nơi khác thì bắt buộc phải đến nơi xảy ra vi phạm để tiến hành lập biên bản hành vi vi phạm đó. Rõ ràng tiền xử phạt có thể còn thấp hơn số tiền người dân đi lại để thực hiện các quyết định xử phạt. Điều này gây mất công sức, tốn kém thời gian. 

{keywords}
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh chia sẻ tại buổi giao lưu

Vì vậy, dù bản chất và mục đích có giống nhau thì chúng ta cũng phải xác định được khi phát triển công nghệ trên môi trường số khác với thủ công. Chúng tôi đang nghiên cứu trong thời gian sớm nhất sẽ cải cách hành chính việc thực hiện việc xử lý vi phạm.

Theo đó, khi người dân vi phạm giao thông, thay vì gặp trực tiếp thì chuyển chứng cứ về địa phương, tức là nơi người vi phạm cư trú để xác minh, lập biên bản. Và bên cạnh đó, đối với việc phải tước giấy phép lái xe thì trong khi Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được xây dựng thì chúng tôi sẽ đề xuất việc thí điểm trừ điểm trên bằng lái.

Trước kia thì có tư duy thủ tục càng phức tạp thì càng để cho người dân phải ngại, tránh không lặp lại hành vi vi phạm. Thật ra thì, chúng ta chuyển đổi thành tư duy thành sử dụng khoa học công nghệ để phát hiện vi phạm ở mọi nơi, mọi lúc.  Và, xử lý vi phạm nhanh chóng, minh bạch nhất. Chúng tôi xác định, công nghệ được áp dụng vào thì con người phải giảm đi. Việc gì mà máy móc làm được thì con người sẽ không phải nhúng tay vào nữa. Chúng tôi xác định đến năm 2030, CSGT sẽ tiến lên đến mức hiện đại.

MC Hoàng Hiệp: Hiện nay, căn cước công dân gắn chíp có nhiều trường thông tin được tích hợp. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn có thể cho biết việc tích hợp bằng lái xe trong quản lý phương tiện giao thông và đảm bảo an toàn trật tự giao thông được thực hiện như thế nào?

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn: Việc tích hợp các trường thông tin lên thẻ căn cước công dân gắn chíp thì Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tính đến bài toán này và tích cực làm việc với các đơn vị liên quan để tạo tiện lợi cho người dân. 

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ hướng tới kết nối với Tổng cục Đường bộ về quản lý giấy phép lái xe, kết nối dữ liệu với Cục CSGT về giấy phép lái xe để đảm bảo khi người dân ra đường có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp và các tiện ích hệ thống định danh về sau để thay thế giấy tờ tùy thân.

MC Hoàng Hiệp: Vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông không phải là vấn đề mới với nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên ở nước ta đây là nội dung vừa làm vừa hoàn thiện. Vậy đâu là những khó khăn trong việc triển khai ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giao thông và giải pháp của những khó khăn trên là gì? 

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông mang lại hiệu quả to lớn. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định.

Cụ thể, hệ thống hành lang pháp lý cho vấn đề chuyển đổi số còn tồn tại một số hạn chế. Hai là việc đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu khoa học công nghệ trong thời đại mới thực tế còn manh mún và chưa đáp ứng yêu cầu chiến lược, lâu dài.

Một khó khăn nữa là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ đơn vị này với đơn vị khác, hoặc từ ngành này với ngành khác còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu thời đại mới.

Tiếp theo, nhiều đơn vị địa phương mặc dù trang bị hệ thống cơ sở dữ liệu và đã được kết nối với những cơ quan chủ quản thế nhưng trên thực tế, hiệu quả của việc khai thác và ứng dụng vào công tác chỉ đạo, chỉ huy còn hạn chế và các dữ liệu chưa được cập nhật đầy đủ, thường xuyên.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Vì vậy, không phát huy hết vai trò của hệ thống. Bên cạnh đó, trình độ tiếp cận khoa học kĩ thuật  của một số bộ phận cán bộ chiến sĩ cũng như người dân còn hạn chế nên làm giảm đi hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo an toàn trật tự giao thông. 

Và, theo tôi, để khắc phục khó khăn trên có một số giải pháp. Thứ nhất, chúng ta phải xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Và hệ thống dữ liệu phục vụ công việc của CSGT như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông chúng tôi đã triển khai đến giai đoạn 2.  Việc chia sẻ dữ liệu của lực lượng CSGT với các đơn vị trong và ngoài ngành công an đáp ứng yêu cầu chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến của cấp độ 3, cấp độ 4.

Ngoài ra, chúng tôi đề xuất mở rộng hệ thống giám sát trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ và các tuyến cao tốc. Qua đó, chúng tôi sẽ chủ động phát hiện các hành vi vi phạm để nhanh chóng ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, chúng tôi đề xuất để hoàn thiện các văn bản pháp luật để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông. Trong thời gian tới, chúng tôi xây dựng, hoàn thiện Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ và các văn bản triển khai luật.

Chúng tôi cần phải rà soát căn cứ vào trình độ của cán bộ làm khoa học công nghệ, từ đó xây dựng chiến lược đào tạo theo từng giai đoạn và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu. Bản thân chúng tôi phải tuyên truyền cho người dân những tiến bộ của khoa học kĩ thuật. Những tiến bộ này sẽ áp dụng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sẽ hướng đến đúng đối tượng và phổ quát rộng rãi. Để người dân hiểu được tiện ích, lợi ích của người dân và cơ quan chức năng khi chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông.

MC Hoàng Hiệp: Thưa hai vị khách mời, khi đạt đến độ "phủ sóng" công nghệ ở mức cao thì điều này sẽ tác động như thế nào đến văn hóa tham gia giao thông của người tham gia giao thông?

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Xét trên phương diện công nghệ, với hệ thống giám sát như hiện nay như các hệ thống camera hành trình thì các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện sẽ được tự động lưu lại và sau này các thiết bị được kết nối hoặc chiết xuất dữ liệu để phục vụ việc xử lý vi phạm.

Việc kết hợp camera hành trình với các camera giám sát trong tương lai không xa, sau khi các yếu tố pháp lý hoàn thiện, cơ quan chức năng có thể ra quyết định xử phạt người vi phạm ngay khi lập biên bản ở hiện trường, người vi phạm có thể nộp tiền phạt qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Các giấy tờ có thể được theo dõi, quản lý trên hệ thống mà không nhất thiết phải tước giấy tờ cơ học như hiện nay.

Việc phát triển của công nghệ sẽ giúp cho công tác tuần tra, giám sát, rà soát và xử lý vi phạm được tự động hóa và được tối ưu hóa phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm. Điều này đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo cho công tác xử lý điều tra giải quyết tai nạn giao thông hoặc vi phạm giao thông nhanh chóng, kịp thời.

Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, dần dần sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Bởi vì các hành vi vi phạm đó đều được giám sát chặt chẽ, xử lý nhanh, kịp thời, chính xác, minh bạch tôi hi vọng sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, tạo môi trường giao thông văn minh, an toàn và có văn hóa. 

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn: Theo quan điểm của các nhân tôi, chuyển đổi số vào lĩnh vực giao thông sẽ tác động tích cực đến nhận thức của người dân. Việc chuyển đổi số sẽ giúp người dân tiếp cận nhiều hơn các nguồn thông tin cũng như kiểm soát tốt hơn trong việc quản lý. 

Trong khi đẩy mạnh chuyển đổi số thì việc trao đổi thông tin giữa những người tham gia giao thông với nhau trong văn hóa giao thông sẽ tích cực hơn. Nhận thức người dân khi tham gia giao thông hoặc các thủ tục liên quan đến giao thông thì sẽ nâng cao.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

MC Hoàng Hiệp: Bên cạnh người tham gia giao thông, xin đại diện Cục CSGT cho biết chuyển đổi số với sự minh bạch, chính xác sẽ tác động thế nào đến văn hóa của chính lực lượng công an nhân dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ? 

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Chúng tôi tập trung xây dựng hình ảnh người CSGT bên cạnh giữ thái độ thân thiện với nhân dân còn giữ được sự uy nghiêm của người đại diện và thực thi pháp luật. CSGT không được gây phiền hà cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông được an toàn, thuận tiện. Với sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hoạt động thực thi pháp luật thuận lợi hơn, minh bạch hơn. 

Ví dụ, khi ứng dụng công nghệ định vị, công nghệ giám sát hành trình có thể qua hệ thống camera hoặc cả điện thoại, tất cả hành vi vi phạm của người tham gia giao thông và lực lượng CSGT sẽ được hệ thống giám sát ghi lại sẽ giúp việc xử lý vi phạm giao thông được minh bạch, rõ ràng.

Điều này tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ hiệu quả. Qua đó nâng cao ý thức của lực lượng thực thi công vụ của cơ quan chức năng, ứng xử với nhân dân sẽ thân thiện, đúng chuẩn mực.

MC Hoàng Hiệp: Để thực hiện hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ, Cục CSGT sẽ huy động, khuyến khích toàn dân tham gia vào việc phát hiện, xử lý vi phạm và tuyên dương những hành động đẹp trong tham gia giao thông như thế nào? 

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Trong công tác nghiệp vụ của CSGT, việc vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một trong những hoạt động thiết yếu. Công tác này phải phù hợp với thực tế của từng địa phương và từng đối tượng.

Rất nhiều địa phương áp dụng khoa học công nghệ dựa trên nền tảng mạng xã hội như zalo, youtube để phổ biến cho người dân về kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông.  Một số địa phương xây dựng mô hình về vận động người dân tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Những mô hình này hoạt động thực chất, có hiệu quả. 

Qua công tác tổng kết hàng năm, các địa phương đề xuất khen thưởng các mô hình hoạt động hiệu quả, Cục CSGT và các cơ quan chức năng có các hình thức khen thưởng kịp thời để nhân dân nhiệt tình tham gia.

Một điều tôi muốn lưu ý, khi tham gia giao thông để an toàn bên cạnh phải chấp hành các quy định pháp luật thì khi xảy ra các tình huống va chạm, người dân có ý thức nhường nhịn, nói lời cảm ơn, xin lỗi thì những bức xúc theo đó sẽ giảm nhẹ xuống, môi trường giao thông sẽ văn minh, an toàn hơn 

Xin trân trọng cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia bàn tròn hôm nay.

VietNamNet - Ảnh: Lê Anh Dũng

Cảnh sát giao thông nghiên cứu mẫu biển số xe mới có QR code

Cảnh sát giao thông nghiên cứu mẫu biển số xe mới có QR code

Để tránh tình trạng một số tài xế cố tình dán, sửa số trên biển kiểm soát, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đang nghiên cứu mẫu biển số xe mới có thay đổi về phông chữ, QR code…