Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi trong nước đóng góp 25,26% vào GDP của ngành nông nghiệp. Hiện, Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng, và đứng thứ 6 về sản lượng thịt. Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm nay.

Bởi vậy, trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 “thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn” là một trong các giải pháp cốt lõi để thực hiện các nhiệm vụ của ngành nông nghiệp.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, thời gian qua, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Văn phòng Bộ, Trung tâm Tin học và Thống kê, Tập đoàn VNPT xây dựng hoàn thiện phần mềm làm công cụ thu thập, cập nhật, khai báo, hình thành nên 2 Cơ sở dữ liệu thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi nằm trong Hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

W-channuoi.png
Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Vũ Ninh, Thường trực Tổ Chuyển đổi số Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến ngày Cục Chăn nuôi đã triển khai thu thập dữ liệu tất cả nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, trong tháng 7 này Cục Chăn nuôi sẽ từng bước triển khai, phối hợp thu thập dữ liệu về cơ sở chăn nuôi tại các địa phương.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cơ sở dữ liệu thu thập được sẽ phục vụ đắc lực cho Bộ NN-PTNT nói chung và Cục Chăn nuôi nói riêng thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo điều hành vĩ mô đối với lĩnh vực chăn nuôi.

Kết hợp với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi cấp địa phương tại các Sở NN-PTNT sẽ dần hình thành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tổng thể về chăn nuôi trên phạm vi toàn quốc. Từ đó từng bước giải quyết việc hoàn thiện chính quyền số (lĩnh vực chăn nuôi), tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước về chăn nuôi.

“Dữ liệu là vấn đề then chốt trong điều hành kinh tế. Với cơ sở dữ liệu này, công tác quy hoạch, điều tiết vĩ mô, điều hành các hoạt động kinh tế trên lĩnh vực chăn nuôi sẽ được tăng cường, thúc đẩy. Nền kinh tế chăn nuôi số sẽ gặt hái được những thành tựu chưa từng có so với trước đây”, ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Ban Chuyển đổi số Tài Nguyên Môi trường và Nông nghiệp, Tập đoàn VNPT.

Ông Thắng cho biết thêm, kết hợp với các công nghệ số, mạng xã hội, ứng dụng trên thiết bị di động, người nông dân sẽ được cung cấp các thông tin chính thống, tin cậy về chỉ đạo điều hành, chính sách của Bộ NN-PTNT và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Cùng với đó, người nông dân còn nhận được các thông tin cảnh báo về dịch bệnh, dịch hại và thậm chí là hướng dẫn, hỗ trợ về quy trình sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi như giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh, quy trình nuôi … Từ đó đem lại những lợi ích thiết thực, hiệu quả cao trong sản xuất, chăn nuôi, tránh những điệp khúc bấy lâu nay đã quen thuộc như là được mùa mất giá, giải cứu nông sản,…

Đánh giá về vai trò chuyển đổi số đối với công tác quản lý ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi là nền tảng giúp kết nối, chia sẻ thông tin chủ động 2 chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp chăn nuôi và người chăn nuôi. Hệ thống sẽ giúp cập nhật chính xác, kịp thời thông tin về cơ sở chăn nuôi, tổng đàn vật nuôi, sản lượng sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Khi tiếp cận với với hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi, các doanh nghiệp còn có cơ hội để cập nhật thông tin thị trường và giới thiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với khách hàng. Bởi, trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi cũng sẽ tích hợp các sàn thương mại điện tử lớn như Voso, Postmart…

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN-PTNT đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số với Trưởng ban là Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhằm chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt và liên tục công tác chuyển đổi số của Bộ và ngành nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó, giải pháp tập trung phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và xây dựng phương án tổng thể về phát triển hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý, chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng dữ liệu lớn đồng bộ, kết nối và liên thông hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho sản xuất.