TP.HCM xác định chủ đề năm 2024 là 'Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội'.

img 4408.jpg
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM trình bày tại cuộc họp HĐND thành phố.

Trong 4 mục tiêu tổng quát về chủ đề năm 2024, TP.HCM xác định cần tận dụng lợi thế về hạ tầng, thị trường, nhân lực và điều kiện đặc thù để phát triển mạnh kinh tế số; thúc đẩy tương tác giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. 

Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ thành phố đến cấp huyện và phường xã thị trấn;

Phấn đấu nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh; 100 % thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố. 

Đặc biệt, năm 2024, TP.HCM đặt mục tiêu “phấn đấu đóng góp của kinh tế số trong GRDP đạt 22%”. 

Để đạt được điều đó, Nghị quyết của HĐND thành phố yêu cầu phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng thành phố thông minh. 

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, chuyển đổi số quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp thu hút vốn FDI gắn với phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, tạo động lực tăng trưởng mới cho kinh tế thành phố. Các dự án đổi mới sáng tạo phải gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Trước đó, trong phần chất vấn, các đại biểu HĐND thành phố quan tâm nêu những ý kiến liên quan đến chương trình chuyển đổi số. Nhiều đại biểu cho rằng, chương trình chuyển đổi số của thành phố giống như quá trình tin học hóa công nghệ. 

Trả lời vấn đề này, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, chương trình chuyển đổi số của thành phố tập trung 4 vấn đề quan trọng gồm: Phương thức triển khai từ tin học hoá sang chuyển đổi số; Kết quả tổng thể; Hạn chế, khó khăn; Giải pháp thực hiện chủ đề năm 2024.

Theo ông Lâm Đình Thắng, thực hiện chuyển đổi số là thay đổi cách tổ chức, vận hành một cách toàn diện bằng công nghệ và dữ liệu.

Vì vậy, thành phố đã thay cách làm công nghệ thông tin so với trước đây khi chuyển từ việc mua sắm, đầu tư các hệ thống riêng lẻ sang tập trung xây dựng các nền tảng số thống nhất toàn thành phố.

Trong đó, chuyển từ xây dựng các phần mềm rời rạc sang tập trung các nền tảng số.

Ông Lâm Đình Thắng cho biết, hiện nay TP.HCM đang vận hành 14 nền tảng số lớn. Riêng trong năm 2023, đã tập trung xây dựng, phát triển 5 nền tảng quan trọng gồm: Nền tảng giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công; Nâng cấp hệ thống tiếp nhận, trả lời và xử lý phản ánh, kiến nghị người dân (tổng đài 1022); Nền tảng bản đồ số TP.HCM; Hệ thống đánh giá chỉ số chuyển đổi số TP.HCM và Hệ thống Quản trị thực thi của thành phố trên các nền tảng số. 

Sắp tới, nền tảng lắng nghe mạng xã hội có ứng dụng AI cũng được áp dụng để mỗi sở, ngành, quận, huyện có thể theo dõi thông tin hằng ngày về đơn vị; Trả lời câu hỏi 10 vấn đề người dân thành phố quan tâm nhất từng ngày, từng tuần là gì.

Về hạ tầng, thành phố chuyển từ việc cơ quan nhà nước tự đầu tư mua sắm hạ tầng máy chủ riêng lẻ, sang vận hành thống nhất trên một nền tảng đám mây dùng chung và giám sát an toàn thông tin 24/7. 

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ chuyển từ cách thức xây dựng sang thuê dịch vụ. Việc này giúp triển khai nhanh, giảm bớt thủ tục đầu tư, giảm rủi ro trong các dự án đầu tư, xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao như CNTT, khắc phục khó khăn nhân sự IT hiện nay trong khối cơ quan nhà nước.

Song song đó, thành phố cũng chuyển từ tin học hóa quy trình hiện có thành kiến tạo quy trình mới. Với cách làm này, sẽ liên tục rà soát, tái cấu trúc lại quy trình, cắt giảm thủ tục, thời gian xử lý trên cơ sở liên thông, khai thác, sử dụng lại dữ liệu, hướng tới tự động hóa, cá nhân hóa dịch vụ khi người dân thực hiện thủ tục hành chính, lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Tuy nhiên, theo ông Lâm Đình Thắng, so với yêu cầu thực tiễn và mong muốn thì quá trình chuyển đổi số TP.HCM còn hạn chế, còn nhiều điều cần phải làm.

Bởi lẽ, chuyển đổi số là một quá trình về cả giải pháp công nghệ lẫn kiến tạo thể chế, tái cấu trúc quy trình - nghiệp vụ, cần thời gian và lộ trình để chuyển đổi, nên có những hạn chế nhất định.

Trong đó, chương trình chuyển đổi số Quốc gia mới bắt đầu từ năm 2020. Do đó, nền tảng số TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, vẫn cần tiếp tục cải thiện, liên thông, đồng bộ để nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu cán bộ công chức và người dân. 

Việc chuẩn hóa các hệ thống cũ đã đầu tư, tích hợp thống nhất trên các nền tảng này hiệu quả cũng là một khó khăn, thách thức lớn. Nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành của cả trung ương và thành phố chưa hoàn chỉnh nên kết nối rất khó khăn. 

“Rất nhiều người dân, cán bộ chưa thành thạo, có thói quen sử dụng, hoạt động trên môi trường số như sử dụng chữ ký số, tài liệu số, giấy phép số, thanh toán số. Đi cùng với đó là việc kiến tạo các quy trình, tối ưu hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công cũng cần triển khai phù hợp từng giai đoạn”, ông Lâm Đình Thắng bày tỏ.

Cũng theo Giám đốc Sở TT&TT, việc chọn chuyển đổi số làm một thành tố của chủ đề năm 2024 là thách thức rất lớn, nhưng sẽ là động lực để toàn thể hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cùng quyết tâm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của thành phố.