Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên gồm 3 huyện là: Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa. Đây là địa bàn cư trú của 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 dân tộc thiểu số, chủ yếu là các dân tộc Ê Đê, Chăm, Ba Na. Nhờ thực hiện kịp thời và đồng bộ các chính sách dân tộc, những năm gần đây, đời sống kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng có nhiều thay đổi tích cực.
Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá.
Phấn đấu đầu tư xây dựng hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống họp trực tuyến với đường truyền chuyên biệt tại Ban Dân tộc tỉnh đáp ứng chuẩn kết nối theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, đảm bảo an toàn thông tin, hoạt động ổn định, thông suốt để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu 80% các Sở, ban, ngành chủ trì triển khai các nội dung, tiểu dự án, dự án của Chương trình và UBND các huyện thực hiện Chương trình được nâng cấp trang thiết bị phòng họp trực tuyến trên cơ sở kế thừa, phát triển hạ tầng sẵn có của các Sở, ban, ngành và các huyện đáp ứng chuẩn kết nối đến hệ thống họp trực tuyến của Trung ương, của tỉnh.
Có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số; 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Kế hoạch.
Để đạt được mục tiêu đã đặt ra trong kế hoạch, tỉnh sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Phối hợp, triển khai cung cấp các dữ liệu, số liệu, chỉ số thống kê, báo cáo kết quả triển khai các nội dung, tiểu dự án, dự án của Chương trình trên địa bàn tỉnh để hoàn thiện các phần mềm do Ủy ban Dân tộc xây dựng; Phối hợp Ủy ban Dân tộc tổ chức đào tạo chuyển giao và hướng dẫn vận hành Hệ thống thông tin báo cáo phục vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả cho các cơ quan, địa phương chủ trì, triển khai các nội dung, tiểu dự án, dự án của Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, thực hiện tích hợp, liên thông Cổng thông tin điện tử của tỉnh Phú Yên, Cổng thông tin điện tử Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên với Cổng thông tin của Chương trình do Ủy ban Dân tộc xây dựng để khai thác, đồng bộ dữ liệu về các văn bản, chính sách, hoạt động, báo cáo kết quả... Đầu tư xây dựng hạ tầng trang thiết bị CNTT, hệ thống họp trực tuyến với đường truyền chuyên biệt tại Ban Dân tộc tỉnh đáp ứng chuẩn kết nối theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc, đảm bảo an toàn thông tin, hoạt động ổn định, thông suốt để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong quản lý và tổ chức triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh…
6 tháng đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã đạt được một số kết quả nổi bật. Hiện tỉnh đã xây dựng và ban hành Khung kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0; đã kết nối và từng bước đưa vào khai thác 12 Cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai việc kết nối, tích hợp chữ ký số công cộng của Viettel, VNPT, Misa lên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh còn có các hệ thống thông tin dùng chung như: Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành; Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Phú Yên, Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Hệ thống Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức. Một số phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được xây dựng và triển khai; trong đó phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đảm bảo liên thông 4 cấp chính quyền qua Trục liên thông văn bản tỉnh. 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh vào công tác chỉ đạo, điều hành, gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia. 100% cơ quan nhà nước của tỉnh ứng dụng chứng thư số, chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ… |