Thông tin là một trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều. 

Trong rất nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, chuyển đổi số (CĐS) được đánh giá là công cụ hiệu quả, đóng vai trò then chốt trong việc làm thay đổi nhận thức tới từng người dân. Với mục tiêu thay đổi nếp nghĩ lạc hậu, ấu trĩ, nhiều địa phương đã đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức, mô hình mới; quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông và hỗ trợ phương tiện tiếp cận thông tin cho người nghèo gắn với thực hiện các nhiệm vụ, nhất là tại các khu vực nông thôn và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Vĩnh Phúc:

Cùng với công tác tuyên truyền, việc phổ cập dịch vụ internet, mạng di động hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin được tỉnh xác định là giải pháp quan trọng để giảm nghèo thông tin. Gắn với các nhiệm vụ chuyển đổi số, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%, đã phát sóng 2 trạm 5G. Trên địa bàn tỉnh có hơn 1,2 triệu thuê bao điện thoại di động (trong đó, hơn 940.000 thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, đạt 80% dân số); khoảng 225.500 thuê bao internet băng rộng cố định và 800.500 thuê bao internet băng rộng di động; tỷ lệ hộ gia đình có internet băng rộng cố định là 74%.

Các xã, phường, thị trấn của tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập và kiện toàn 1.240 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 9.900 thành viên tham gia. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã góp phần quan trọng hỗ trợ giảm nghèo về thông tin, đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân; giúp người dân, nhất là các hộ nghèo tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chỉ tiêu “Chiều thiếu hụt về thông tin” trong giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Bạc Liêu

Để “tăng giàu” về thông tin cho người dân, UBND tỉnh ban hành kế hoạch giai đoạn và hằng năm về thực hiện Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin.  Trong đó tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông; sản xuất các tác phẩm báo chí và sản phẩm truyền thông khác để cung cấp thông tin thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân. Qua đó, nhằm giúp người dân được tiếp cận, nắm bắt nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức như: xây dựng chuyên mục trên các phương tiện thông tin truyền thông, tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, website của tỉnh và các ngành, địa phương, hệ thống truyền thanh cơ sở, cấp phát tờ rơi.

Bám sát các chỉ đạo từ Trung ương và tỉnh, huyện Phước Long được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác CĐS trên mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, đa dạng các hình thức tuyên truyền, huyện Phước Long còn quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông và hỗ trợ phương tiện tiếp cận thông tin cho người nghèo gắn với thực hiện các nhiệm vụ CĐS đẩy mạnh công tác giảm nghèo thông tin.

Theo đó, huyện đã đầu tư, nâng cấp hệ thống Đài truyền thanh và Trạm truyền thanh ở các xã, thị trấn trên địa bàn, giúp người dân địa phương được tiếp cận, nắm bắt thông tin, có được kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững. Hiện tại, huyện có 78/78 ấp lắp đặt hệ thống loa truyền thanh; 100% các xã, thị trấn trong huyện đã có cáp quang;   100% số trường học, bệnh viện, trạm y tế trong huyện có kết nối Internet băng rộng; tỷ lệ dân số được phủ sóng di động (3G, 4G) đạt 100% và có hơn  90% dân số của huyện sử dụng thiết bị viễn thông thông minh…

Bên cạnh đó, 87 tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 628 thành viên, trên địa bàn huyện tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân nói chung và hộ nghèo nói riêng cách sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet để tìm kiếm thông tin, cập nhật kiến thức. Nhờ vậy, mọi thông tin cần thông báo, tuyên truyền đến người dân đều được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả.

Long An:

Giai đoạn 2022-2024, toàn tỉnh ước tổ chức được 35 lớp tập huấn với 3.162 lượt người dự. Nội dung tập huấn về việc biên tập chương trình, tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền.

Tiểu dự án Giảm nghèo thông tin xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tiểu dự án đặt mục tiêu bảo đảm 100% xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu.

Hiện nay, toàn tỉnh có 175 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; 100% trạm BTS được quang hóa giúp cải thiện tốc độ và chất lượng đường truyền với 2.330 vị trí trạm BTS; tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 100% các khu vực dân cư. Toàn tỉnh có 5.247 trạm BTS (2G, 3G, 4G, 5G), dân số được phủ sóng 4G đạt gần 100%.

Hạ tầng Internet băng thông rộng cố định được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn với hơn 40.000 cột treo cáp, hơn 100.000km cáp quang, hạ tầng sẵn sàng phục vụ gần 100% hộ gia đình đăng ký sử dụng dịch vụ Internet cáp quang khi có nhu cầu với tốc độ tải dữ liệu trung bình đạt trên 100Mbps.

Bắc Giang:

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. 

Thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh Bắc Giang tập trung nâng cấp hạ tầng thông tin; lắp đặt các trạm phát sóng và xóa điểm lõm sóng. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1,7 nghìn vị trí cột ăng ten thu phát sóng di động. Cùng đó, duy trì hoạt động của hơn 3,8 nghìn trạm thu phát sóng di động, bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; sóng di động 3G, 4G đã phủ sóng rộng rãi. Ngoài ra, các địa phương còn lắp đặt bảng điện tử, wifi miễn phí tại các điểm công cộng để phục vụ người dân.

Từ năm 2023 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã lắp đặt 22 đài truyền thanh thông minh tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Động và Lục Ngạn. Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây chuyển đổi sang truyền thanh thông minh.

Còn tại huyện Hiệp Hòa, địa phương đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp hệ thống truyền thanh thông minh. Được biết, hệ thống này giúp tiết kiệm chi phí trang bị máy phát sóng, cột ăng-ten, quỹ đất để lắp đặt cột ăng-ten. Việc phát sóng chỉ bằng các thao tác vận hành đơn giản ở phần mềm được cài đặt trên máy vi tính, điện thoại di động. Năm 2024, huyện đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh tại hai xã: Danh Thắng, Thường Thắng. Đến nay, toàn huyện có 5 đài với 50 cụm điểm loa IP. Thời gian tới, huyện tiếp tục bố trí ngân sách (từ nguồn chuyển đổi số) hỗ trợ các xã còn lại từ 350-400 triệu đồng/xã; mỗi xã đối ứng từ 200-300 triệu đồng để phát triển hệ thống truyền thanh thông minh. 

Chuyển đổi số đang đi sâu vào cuộc sống và tạo ra những cơ hội mới cho người dân. Việc hỗ trợ người dân, nhất là các hộ nghèo sử Internet sẽ giúp họ chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên thoát nghèo bền vững và được tiếp nhận mọi dịch vụ một cách công bằng, bình đẳng theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”