Chuyển đổi số không chỉ là du lịch thông minh
Theo dữ liệu của Tổng Cục Du lịch Việt Nam, du lịch là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh chóng nhất trên thế giới, là một ngành công nghiệp kiếm được ngoại hối mà không cần xuất khẩu của cải, hàng hóa của quốc gia. Tính đến năm 2029, ngành du lịch chiếm đã chiếm hơn 10% GDP toàn cầu (trị giá gần 9 nghìn tỷ USD) và đến năm 2024 này, con số được dự báo đã tăng lên hơn 2 lần (gần 20 nghìn tỷ USD).
Ở Việt Nam, ngành du lịch được hầu hết các địa phương xếp vào ngành kinh tế mũi nhọn. Chính vì vậy, chuyển đổi số ngành du lịch cũng đang là yêu cầu cấp thiết khi tỉ trọng đóng góp của ngành này vào ngân sách địa phương đang không ngừng tăng, nhất là những địa phương trước kia lĩnh vực du lịch chưa được đầu tư khai thác nhiều như: Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị…
Đi sâu phân tích khía cạnh chuyển đổi số du lịch, theo TS. Lê Quang Đăng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VH-TT&DL), quá trình chuyển đổi số du lịch hiện vẫn gặp nhiều khó khăn dù các địa phương đã chú trọng đầu tư cho lĩnh vực này cả về lượng và chất. Cụ thể, tính đến tháng 11/2024 đã có hơn 40 tỉnh, thành phố triển khai các ứng dụng, phần mềm và website du lịch thông minh nhằm thu hút khách du lịch.
“Những thay đổi bắt đầu từ những việc nhỏ như thay vé giấy bằng vé điện tử, QR-code, cho đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) chứng minh các địa phương đang nỗ lực ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm du khách, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả hơn", ông Quang nói.
Điều đáng mừng là các địa phương đã chủ động chuyển đổi số dựa trên nhu cầu thực tiễn, trong đó số hóa dữ liệu các di tích và tăng cường ứng dụng công nghệ mới để phát triển các sản phẩm du lịch số hóa là điều rất đáng ghi nhận. Ví dụ, Thừa Thiên - Huế đang triển khai các sản phẩm du lịch thông minh như: Thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping và các tiện ích khác phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ; Hộ chiếu du lịch điện tử…
Tại TP.HCM, công nghệ 3D đã được áp dụng tại tất cả các điểm tham quan đi cùng với các ứng dụng công nghệ cao như: Quét 3D từ trên cao các di tích; Bản đồ Du lịch tương tác thông minh 3D/360 TP.HCM; ứng dụng hướng dẫn viên ảo tại các điểm đến. Tại Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa hay Hải Phòng, các công nghệ số hóa cũng được áp dụng rộng rãi ở các điểm tham quan khiến du khách vô cùng thích thú.
Ngoài ra, nhiều địa phương cũng rất tích cực quảng bá du lịch trên các nền tảng mạng xã hội, sử dụng các KOLs là những đại sứ du lịch để thúc đẩy hoạt động quảng bá hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội, góp phần lan tỏa hình ảnh điểm đến văn hóa đầy tích cực đến du khách trong và ngoài nước. Với phương châm chuyển đổi số không chỉ là du lịch thông minh, các cơ sở lưu trú (ăn nghỉ), tham quan (trải nghiệm) cho tới hoạt động đón tiếp (sân bay/nhà ga/bến cảng) cũng đang được đầu tư và nâng cấp, nhằm đưa du lịch Việt Nam cất cánh.
Cần sớm xóa những rào cản “vô hình”
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển Du lịch bền vững, mặc dù các địa phương đang tích cực áp dụng công nghệ với ngành du lịch, nhưng quá trình chuyển đổi số của ngành vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức vô hình. Trong đó, 4 khó khăn khi chuyển đổi số ngành du lịch các địa phương có thể kể đến dưới đây.
Đầu tiên là sự liên ngành, liên vùng trong chiến lược phát triển du lịch của các địa phương có sự khác nhau, sự đầu tư cho chuyển đổi số của từng địa phương cho ngành du lịch cũng khác nhau nên có hiện tượng, tỉnh A tốt nhưng tỉnh B thì chưa. Trước đây chúng ta có những mô hình liên kết các sản phẩm du lịch như “Liên kết di sản”, “Miền Trung 3 tỉnh thành – 4 điểm đến (Huế - Đà Nẵng - Hội An, Mỹ Sơn), thì nay chuyển đổi số cũng nên như vậy.
Kế đến là việc đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số cũng là thách thức lớn cho những tỉnh đang bắt đầu đầu tư cho du lịch nếu không có sự chung tay của các doanh nghiệp. Thứ ba vẫn là câu chuyện muôn thuở về chính sách, cơ chế, quy định và hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số toàn ngành. Cuối cùng là câu chuyện nhân lực cho chuyển đổi số của ngành nhân lực – vấn đề không chỉ riêng của ngành này trong bối cảnh xã hội 4.0 hiện nay.
Quay lại câu hỏi ban đầu, lĩnh vực nào cần ưu tiên, cách thức triển khai chuyển đổi số ra sao đang chính là vấn đề cốt lõi của ngành du lịch nói chung, bài toán phân bổ ngân sách đầu tư cho ngành du lịch (trong quá trình chuyển đổi số) nói riêng của các địa phương hiện nay.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 15.836.661 triệu lượt, tăng 41,0% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2024 đạt 1,7 triệu lượt, cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 20,5% so với tháng 10/2024 và tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 758 nghìn tỷ đồng.