Đứng trước những thách thức này, giáo dục đại học cần phải làm gì để chuyển đổi tức thời nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu xã hội số hiện nay? Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số và Giáo dục đại học: Khi thách thức là cơ hội” do Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (IFI) phối hợp với một số trường đại học trong nước và quốc tế tổ chức mới đây.
Giáo dục đại học cần phải “tất tay” với công cuộc chuyển đổi số
Tại hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, trong quá trình chuyển đổi số, giáo dục đại học Việt Nam cần phải quyết tâm và có sự đầu tư xứng đáng mới có thể đem lại hiệu quả. Hay nói cách khác, giáo dục đại học cần phải “tất tay” với công cuộc chuyển đổi số.
Theo GS. Lê Anh Vinh, trong hai năm qua, dưới áp lực của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số trong ngành giáo dục đã vượt xa những gì chúng ta đã làm trong 10 năm trước đó.
Điểm mấu chốt, theo GS Vinh, đây là sự lựa chọn duy nhất trong bối cảnh dịch bệnh để giáo dục đại học không bị đứt gãy hoạt động dạy và học.
“Ở thời điểm này, chúng ta không còn bị áp lực từ bên ngoài mà đây chính là động lực từ bên trong. Chúng ta đã lao vào công cuộc chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch và cũng đã có những thành công nhất định.
Nhưng nếu đại dịch qua đi, liệu nội động lực bên trong có còn? Làm thế nào để cú huých đó tiếp diễn lâu dài và thực sự tạo ra sự chuyển đổi?”, GS Vinh đặt câu hỏi.
GS. TS. Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
GS. Lê Anh Vinh cho rằng, có 3 thứ mà giáo dục đại học cần phải tập trung để chuyển đổi số.
Thứ nhất là việc dạy và học. Chúng ta cần phải có hệ thống hạ tầng tốt và công nghệ hỗ trợ cho học sinh, giáo viên để có thể tương tác, học tập trên môi trường số. Điều này các trường đại học đã làm và đang thúc đẩy rất nhiều. Nhưng việc triển khai hiện vẫn chưa đồng bộ, cũng chưa nhiều trường có hệ thống đủ tốt để đáp ứng yêu cầu của người dùng và số hóa được tài liệu.
Vấn đề thứ hai cần làm, theo GS Vinh, liên quan đến việc quản lý và vận hành. Ông cho rằng, cần phải xem xét toàn bộ quy trình của giáo dục đại học hiện nay đã được số hóa hay chưa. Điều này cần phải thực hiện từ quy trình giảng dạy đến nghiên cứu và quản lý,…
Điều thứ ba cũng là vấn đề lớn của hệ thống giáo dục Việt Nam, theo GS Vinh, là văn hóa đưa ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu. Ông cho rằng: “Việc đánh giá chất lượng bài giảng, phản hồi của sinh viên, nhu cầu lao động, nhu cầu thị trường lao động,… là những dữ liệu cần thiết nên được số hóa thành hệ thống. Từ đó, các nhà lãnh đạo cần dựa vào những số liệu này để đưa ra những quyết định cho phù hợp”.
Cản trở lớn nhất khi thực hiện chuyển đổi số
Cũng theo GS. Lê Anh Vinh, trở ngại lớn nhất khi thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đại học, không phải là trở ngại về công nghệ hay chi phí, mà chính là yếu tố con người.
“Liệu chúng ta có sẵn sàng đón nhận sự thay đổi hay không? Các thầy cô và học sinh có chấp nhận sự thay đổi, loại bỏ những điều cũ, học tập những cái mới? Tôi cho rằng, một trong những điều tiên quyết giúp chuyển đổi số thành công chính là việc sẵn sàng thay đổi và phải chấp nhận sự đổi mới trong toàn bộ quá trình này”, GS Vinh nói.
Ông nhấn mạnh thêm, trong giai đoạn hiện nay, không còn việc trò đợi thầy, mà giờ đây, chính học sinh cũng là những người đang chủ động thay đổi để tiếp cận với những công nghệ mới.
Đồng quan điểm với GS Vinh, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, rào cản lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số chính là con người và thói quen trong việc dạy và học.
“Để có được thói quen đó, bước đầu tiên là phải có điều kiện để tạo ra thói quen. Đó chính là nhờ sự đầu tư đồng bộ và một ý chí lớn từ các cấp lãnh đạo”, bà Lộc nói.
Đại diện đơn vị tổ chức và đồng tổ chức Hội thảo
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục khẳng định, để đảm bảo chất lượng giáo dục trong quá trình chuyển đổi số, cần thực hiện điều này theo một lộ trình đồng bộ, đặc biệt về công tác quản trị, quản lý dữ liệu liên quan đến ngành giáo dục (học liệu, dữ liệu giáo viên, dữ liệu người học,…).
Ngoài ra, bà cũng cho rằng, cần xây dựng hệ thống chính sách rõ ràng ngay từ đầu về điều kiện đảm bảo cho hoạt động dạy và học trực tuyến như: Chính sách đảm bảo về thiết bị học cho học sinh học online; chính sách quản lý và hỗ trợ các hoạt động giáo dục trực tuyến; chính sách về số hóa học liệu, quản lý và bảo vệ học liệu online;…
Đặc biệt, về vấn đề dạy và học cần có quy định, hướng dẫn rõ ràng về việc học trực tuyến sao cho đảm bảo duy trì được sự tương tác giữa người dạy và người học. Giáo viên cũng cần được tập huấn về kỹ năng, phương pháp dạy học online, không chỉ về mặt chuyên môn, mà còn là kỹ năng quản lý lớp học.
PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để chuyển đổi số trong giáo dục đại học thành công, cần phải tạo ra văn hóa học tập và giảng dạy trong môi trường số; đồng thời cần phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng mạnh hơn nữa.
Ông Trường cũng cho biết, hiện nay, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cũng đang từng bước thích ứng với công cuộc chuyển đổi số và đã có những chiến lược cụ thể. Trường đã đưa vào trong chương trình học những modul, học phần mới trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn nhằm thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.
Ngoài ra, hiện nhà trường cũng đang đào tạo những kỹ năng cần thiết cho cả giảng viên và sinh viên để thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số. “Đây là một trong những chương trình trọng tâm của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn trong 5 năm tới”, ông Trường nhấn mạnh.
Thúy Nga
ĐH Quốc gia Hà Nội hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục
ĐH Quốc gia Hà Nội và VNPT vừa thảo luận về hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ để hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học, phổ thông, giảng viên, giáo viên cả nước tiếp cận công nghệ đào tạo trực tuyến.