Đầu tiên, chúng ta sẽ phải sử dụng não nhiều hơn và để ý đến thế giới xung quanh khi di chuyển từ A đến B. Đó có thể không phải một điều xấu: Khả năng chúng ta rẽ vào một ngõ cụt do đặt niềm tin nhầm chỗ vào GPS sẽ giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, hệ thống định vị GPS thường rất hữu ích. Các thiết bị sử dụng công nghệ này thường ngăn chúng ta khỏi lạc đường. Nếu GPS ngừng hoạt động, những con đường sẽ bị tắc nghẽn vì các tài xế phải giảm tốc độ để đọc biển báo hoặc dừng lại để xem bản đồ. Nếu bạn di chuyển bằng tàu, sẽ không có thông tin thời gian thực về chuyến tàu kế tiếp.
Những người điều phối ở các công ty taxi hay Uber sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi định vị hàng trăm thậm chí hàng nghìn chiếc taxi tại cùng một thời điểm. Không có dịch vụ GPS, các dịch vụ cấp cứu cũng sẽ gặp khó khăn: những người điều phối không thể định vị người gọi từ tín hiệu điện thoại của họ hay xác định xe cứu thương hay xe cảnh sát gần nhất.
Hoạt động tại các cảng biển cũng bị đình trệ vì cần cẩu container cần GPS để dỡ hàng. Những khoảng trống có thể xuất hiện trong các giá đồ ở siêu thị do hệ thống logistic không thể phản ứng kịp thời. Các nhà máy có thể ngừng hoạt động vì nguồn cung của chúng không được vận chuyển đúng thời hạn.
Trong một báo cáo của chính phủ Anh, nếu GPS không hoạt động, thì thiệt hại cho 5 ngành bao gồm nuôi trồng, xây dựng, ngư nghiệp, khảo sát sẽ khoảng 1 tỷ USD/ngày trong 5 ngày đầu tiên. Nếu tình trạng này kéo dài hơn, nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì GPS không chỉ là dịch vụ định vị về không gian mà còn là một dịch vụ thời gian.
GPS bao gồm 24 vệ tinh, tất cả đều chứa các đồng hồ được đồng bộ hóa với độ chính xác cực cao. Khi điện thoại thông minh của bạn sử dụng GPS để xác định vị trí của bạn trên bản đồ, nó sẽ thu tín hiệu từ một vài trong số vệ tinh này và sẽ thực hiện các tính toán dựa trên thời gian tín hiệu được gửi và vị trí của vệ tinh.
Nếu đồng hồ trên các vệ tinh bị sai lệch chỉ 1/1000 giây, lộ trình của bạn sẽ có sai số khoảng 200 km hoặc 300 km. Do đó nếu bạn muốn thông tin cực kỳ chính xác về thời gian, thì bạn nên tìm nó ở GPS.
Tương tự, đối với các mạng điện thoại, các cuộc gọi của bạn chia sẻ không gian với của người khác thông qua kỹ thuật ghép kênh – dữ liệu được đóng dấu thời gian, xáo trộn và sắp xếp lại ở đầu bên kia. Một sai lệch dù chỉ 1/100.000 giây có thể gây ra nhiều vấn đề. Thanh toán ngân hàng, thị trường chứng khoán, mạng lưới điện, truyền hình kỹ thuật số, điện toán đám mây đều phụ thuộc vào tính đồng bộ hóa về thời gian tại các địa điểm khác nhau.
Đôi khi GPS được gọi là “tiện ích vô hình” và mọi cố gắng để định giá tiện ích này dường như đều vô ích. Tác giả Greg Milner thậm chí còn so sánh giá trị của GPS giống oxy với hệ hô hấp của con người trong cuốn sách “Pinpoint: How GPS is Changing Our World” của mình.
GPS vốn là một phát minh được quân đội Mỹ ủng hộ để giúp nhiệm vụ thả bom trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thật may mắn rằng vai trò của nó không chỉ dừng lại tại đó.
Vệ tinh GPS đầu tiên được phóng vào năm 1978, tuy nhiên, mãi đến Chiến tranh vùng vịnh đầu tiên vào năm 1990, những người hoài nghi mới thôi nghi ngờ về lợi ích của công nghệ này. Chiến dịch Bão táp Sa mạc gặp phải một cơn bão sa mạc thực sự. Cát xoáy làm giảm tầm nhìn xuống còn 5 mét, GPS giúp các binh sĩ đánh dấu vị trí của các mỏ, tìm đường tới các nguồn nước và tránh va vào nhau.
Rõ ràng, GPS đã có lợi ích mang tính chất sống còn. Sở hữu lợi thế quân sự rất lớn, bạn có thể tự hỏi tại sao quân đội Mỹ lại cho phép mọi người sử dụng nó. Sự thật là đó là một việc bất khả kháng.
Quân độ Mỹ đã cố gắng để các vệ tinh gửi đi hai loại tín hiệu – một tín hiệu chính xác cho mục đích quân sự và một tín hiệu kém hơn cho người dân, nhưng các công ty đã tìm ra các giải pháp thông minh để khiến cho tín hiệu phổ thông trở nên chính xác hơn. Cuối cùng vào năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã chấp nhận cung cấp tín hiệu cao cấp cho tất cả mọi người.
Người nộp thuế ở Mỹ phải chi hàng tỷ USD/năm để duy trì sự hoạt động của GPS. Phần còn lại của thế giới có nên tiếp tục dựa dẫm vào sự hào phóng của họ?
Thực tế, GPS không phải là hệ thống định vị bằng vệ tinh toàn cầu duy nhất. Nga sở hữu Glonass, dù nó không tốt bằng GPS. Trung Quốc và EU có các dự án tiên tiến của riêng họ mang tên BEidou và Galileo. Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang nghiên cứu các hệ thống riêng.
Những vệ tinh thay thế này có thể giúp chúng ta giải quyết các vấn đề cụ thể của GPS, nhưng chúng cũng trở thành mục tiêu tiềm năng cho các cuộc xung đột quân sự trong tương lai. Trên đất liền cũng có những lựa chọn thay thế cho GPS như eLoran, nhưng nó không bao phủ toàn thế giới, và một số quốc gia đang đầu tư nhiều hơn các nước khác vào hệ thống định vị quốc gia của họ.
Một điểm mạnh của eLoran là tín hiệu của nó mạnh hơn. Vào thời điểm tín hiệu GPS thực hiện xong hành trình 20.000 km đến Trái Đất, chúng cực kỳ yếu và dễ dàng bị tắc nghẽn hoặc bị tấn công.
Giáo sư kỹ thuật Todd Humphreys đã có bằng chứng cho thấy những kẻ tấn công tín hiệu GPS có thể hạ gục drones và chuyển hướng siêu du thuyền. Ông lo ngại rằng những kẻ này có thể làm hư hại mạng lưới điện, tê liệt mạng di động hoặc đánh sập thị trường chứng khoán. Sự thật thì khó có thể chắc chắn về mức độ thiệt hại của các tín hiệu GPS giả mạo.