Ảnh minh họa: Internet |
Bộ Tư pháp tiếp tục đối đầu với Apple vì những chiếc iPhone thuộc sở hữu của kẻ khủng bố. Tuy nhiên, theo các chuyên gia an ninh mạng, nhân viên liên bang hoàn toàn có thể bẻ khóa iPhone ngay cả khi Apple không chịu hợp tác.
Mới đây, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr liên tục yêu cầu Apple hỗ trợ mở khóa iPhone của Mohammed Alshamrani. Đây là thủ phạm vụ xả súng và giết chết 3 người tại căn cứ quân sự hồi tháng 12/2019.
Apple cho biết đã hợp tác với nhân viên liên bang và cung cấp sao lưu iCloud, thông tin tài khoản, dữ liệu giao dịch từ các tài khoản của Alshamrani. Người phát ngôn Apple nói FBI thông báo cần hỗ trợ thêm vào ngày 6/1 và công ty nhận thêm trát đòi thông tin liên quan tới iPhone của Alshamrani vào ngày 8/1.
Dù vậy, từ lâu “táo khuyết” từ chối mở “cửa hậu” để nhà hành pháp bẻ khóa iPhone. Năm 2016, chính quyền Tổng thống Obama cũng đưa ra yêu cầu tương tự nhưng Apple không hợp tác. Hãng tranh luận “cửa hậu” không chỉ dành cho người tốt mà kẻ xấu cũng có thể khai thác, đe dọa an ninh quốc gia và dữ liệu của khách hàng.
Năm 2016, Apple từ chối cài cửa hậu, dẫn đến cuộc đụng độ pháp lý với FBI. Sau đó, FBI nói đã mở được khóa iPhone mà không cần tới Apple nhưng phải chi 1 triệu USD cho công ty khác làm điều này. Theo Thời báo phố Wall, công ty an ninh mạng Grayshift bán thiết bị hack iPhone với giá 15.000 USD, còn Cellebrite cũng bán thiết bị tương tự.
Các hãng công nghệ đua nhau phát triển thiết bị, nền tảng an toàn hơn để lấy niềm tin người dùng. Song song với đó, cũng có nhiều hãng đưa ra giải pháp bẻ khóa dịch vụ như Grayshift và Cellebrite. Nó tạo thành một cuộc đua khốc liệt giữa các doanh nghiệp.
iPhone được xem là thiết bị không thể bị phá vỡ nhưng các tiến bộ gần đây đã thay đổi điều đó. Chẳng hạn, theo Thời báo phố Wall, một hạt tại Georgia đã mua thiết bị Grayshift và phá được khóa của 300 điện thoại trong một năm.