Sáng 7/9, tại Hà Nội, Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã tổ chức cuộc toạ đàm “Sách giáo khoa và những chuẩn mực trong biên soạn”. Tham dự cuộc tọa đàm có nhiều nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, tác giả biên soạn sách giáo khoa...
Toạ đàm về SGK thu hút sự quan tâm của các nhà giáo dục uy tín |
Phát biểu tại cuộc toạ đàm, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho rằng: “Mổ xẻ thực trạng SGK hiện nay, lắng nghe các ý kiến từ nhiều chiều, lý giải nguyên nhân và đưa ra những gợi ý thiết thực về một vấn đề đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm, chính là cái đích mà các ấn phẩm của Báo Nhân Dân muốn hướng tới”. Chính vì vậy, báo đã tổ chức cuộc hội thảo này để nghe những ý kiến đóng góp bổ ích, thiết thực, những giải pháp hữu hiệu giúp cho việc biên soạn sách giáo dục ngày càng hoàn thiện.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS Văn Như Cương cho rằng: “Học sinh đang phải học nhiều thứ không cần thiết”.
Theo ông, việc các thế hệ tương lai của đất nước đang phải nhồi nhét những kiến thức nặng nề, không thiết thực, đang khiến dư luận, những người tâm huyết với giáo dục bức xúc.
“Chuẩn mực” SGK là khía cạnh nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Các chuyên gia thống nhất rằng, cần có những nguyên tắc chuẩn mực trong xây dựng chương trình, biên soạn SGK.
Theo GS TSKH Hồ Ngọc Đại, chuẩn mực là phải có tính hàn lâm. Những gì đang gây tranh cãi dứt khoát không đưa vào chương trình.
GS TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng thì đặt vấn đề “Nên lấy chuẩn nào?” và ông đưa ra lời giải : “Không nên chênh lệch quá so với chương trình nước ngoài, tức là nên theo chuẩn quốc tế hoá.”
GS Trần Kiều - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục cho biết, không phải chúng ta không có chuẩn mà chỉ là “chúng ta làm chưa thấu đáo”.
GS Trần Kiều cũng nêu ý kiến: “Đã đến lúc chúng ta phải có quan niệm mới về SGK”. Giáo viên giỏi thì không nên dạy từng chữ theo SGK mà chỉ nên theo chuẩn chương trình và sử dụng SGK như tài liệu tham khảo để soạn bài...
Nhiều ý kiến tại tọa đàm đồng tình rằng, cách xây dựng, thiết kế chương trình của chúng ta có vấn đề, và mặc dù giải thích bằng nguyên nhân khách quan nào đi chăng nữa, thì sự bất cập ngay từ tư duy thiết kế đã gây ra hệ lụy trong giáo dục, từ những người viết sách, xuất bản sách và đặc biệt là cho những đối tượng thụ hưởng: giáo viên, học sinh...
Năm học 2012-2013 là năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.
Một trong những nội dung đáng chú ý của chiến lược là thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ sau 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc và phù hợp với đặc trưng của từng địa phương, chú trọng giáo dục đạo đức và các giá trị truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động, hướng nghiệp cho học sinh.
Theo Nhân Dân điện tử