- Thảo luận về sửa đổi luật Quản lý thuế chiều nay (12/6), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính phải trình rõ hơn về tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Luật cần quy định chuyển giá là hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Làm rõ hành vi chuyển giá
ĐB Đỗ Hữu Lâm, Long An chia sẻ, tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài đã diễn ra mạnh mẽ nhiều năm làm thất thu thuế lớn. Tuy nhiên, ngay dự thảo luật sửa đổi lại chưa quy định chuyển giá là trốn thuế.
Luật phải quy định rõ chuyển giá chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, ĐB Lâm kiến nghị.
ĐB Thân Đức Nam, Đà Nẵng than phiền, công tác kiểm tra, thanh tra thuế đối với các doanh nghiệp tự khai, tự nộp còn đạt tỷ lệ rất thấp, hiện mới kiểm tra được 20%. Điều này có thể dẫn tới tình trạng gian lận thuế. Luật sửa đổi phải làm rõ quy tắc quản lý rủi ro thuế, quy định phân loại đối tượng nộp thuế để áp dụng các nguyên tắc này.
Phút giải lao của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Minh Thăng |
Đồng quan điểm của ĐB Lâm, ĐB Trần Quang Chiều, Nam Định cũng nhìn nhận rằng, luật sửa đổi vẫn chưa điều chỉnh hết những vấn đề phát sinh trong luật hiện hành như chuyển giá, gửi giá để trốn lậu thuế. Nhiều nội dung ghi trong luật hiện hành bộc lộ hạn chế như cơ chế tự khai, tự nộp, tự tính, hoàn thuế, ân hạn thuế … trong điều kiện lực luợng cán bộ ngành thuế còn hạn chế, đã trở thành kẽ hở gây thất thoát thuế. Chế tài xử phạt cũng không nghiêm đã dẫn tới kê sai, quyết toán sai, thành lập doanh nghiệp ma nhiều, nên có nhiều nợ khó đòi.
“Vì thế, nói quản lý thuế là thả gà ra để đuổi, ở Việt Nam không trốn thuế mới lạ là không có gì sai“, ông Chiều nhấn mạnh.
Theo báo cáo đánh giá tác động của luật thuế, trong 4 năm từ 2007-2011, tổng số thuế truy thu và phạt sau thanh tra, kiểm tra là 30.047 tỷ đồng. Năm 2010-2011, ngành thuế đã tập trung vào các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có hoạt động giao dịch liên kết, chuyển giá, doanh nghiệp lỗ nhiều năm liên tục vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Năm 2011, ngoài số truy thu và phạt sau kiểm tra, toàn ngành đã kiểm tra và giảm lỗ 3.737.309 triệu đồng.
Tuy nhiên, báo cáo này lại không nêu rõ các khoản thuế xử phạt sau phát hiện chuyển giá tại các DN FDI.
ĐB Nguyễn Văn Phúc, Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài chính cần trình rõ hơn về vấn đề chuyển giá, phải làm rõ tác hại, thực trạng diễn ra ở Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã từng cho biết kiểm tra toàn bộ thì có thể phát hiện và truy thu hàng chục nghìn tỷ đồng. Chuyển giá còn gây nên lạm phát, mất cân đối thương mại, làm méo mó thị trường, là nguy hại cho nền kinh tế.
“Nên chăng, cần thành lập một cơ quan điều tra về thuế thuộc Tổng cục thuế thay vì chỉ dựa vào cảnh sát kinh tế“, ĐB Phúc đề xuất.
Xóa nợ phải công bằng
Bên cạnh đó, quan niệm về vấn đề phạt chậm nộp cũng tiếp tục được nhiều ĐB đòi phải “sửa“ lại.
ĐB Lâm cho rằng, lãi chậm nộp tiền thuế cần tương thích mặt bằng lãi suất ngân hàng. Hiện, lãi suất cho 4 lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa... là 14-15%/năm trong khi lãi chậm nộp thuế tính tương ứng là 18%/năm. Như vậy là cao hơn so với lãi suất ngân hàng.
ĐB Trương Thị Huệ, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nhấn mạnh: Tiền chậm nộp không phải là phạt, nếu quy định là phạt thì thành ra phạt 2 lần.
Quản lý thuế phải chặt nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo điều kiện thuận lợi cho DN. Xuất phát từ góc nhìn này, ĐB Trần Hoàng Ngân, TP.HCM phân vân về điều 42, luật quy định hàng hóa nhập khẩu là nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu cũng phải có sự bảo lãnh của ngân hàng. Ông nói: DN đang khó khăn, giờ yêu cầu bảo lãnh cả phần nhập nguyên vật liệu thì ngân hàng sẽ yêu cầu DN phải có thế chấp, rồi DN sẽ phải trả phí bảo lãnh. Việc này sẽ làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Do đó, cần cân nhắc quy định này nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa hơn cho DN.
“Nếu quá thời hạn xuất khẩu mà không xuất khẩu hàng thì DN phải kê khai thuế và nộp chậm thuế“, ĐB Ngân đề nghị.
Ông cũng cho rằng, điều khoản cuối cùng của luật cho phép xóa nợ thuế của DNNN đã có quyết định giải thể. Như vậy sẽ là không công bằng. Luật cần quy định cho tất cả các thành phần DN được xóa nợ.
Phạm Huyền