- GS người Úc Martin Painter nêu kinh nghiệm của Indonesia: cơ quan chống tham nhũng độc lập đã làm thành công một số vụ án lớn liên quan đến những nhân vật cao cấp, khiến các chính trị gia hiểu rằng họ đều có thể bị điều tra, trừng phạt.
Xếp hạng tham nhũng: Việt Nam tụt 11 bậc
GS Martin Painter (ĐH Hongkong) cùng các cộng sự Việt Nam vừa tiến hành một nghiên cứu chính sách so sánh việc thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Australia, Hongkong, Indonesia, Singapore và Nam Phi để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Ông trao đổi với báo chí Việt Nam:
Thẩm quyền đặc biệt
Ông đánh giá thế nào về mức độ độc lập và hiệu quả của Ban chỉ đạo PCTN đối với cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam?
GS Martin Painter: Việt Nam có khá nhiều cơ
quan chống tham nhũng. Sự phân tán về trách nhiệm dẫn đến chồng chéo về thẩm
quyền...
Đặc biệt, chúng tôi kiến nghị thành lập một đơn vị PCTN chuyên biệt, tự quản và ở mức độ nào đó độc lập. Nếu có một đơn vị như vậy và họ được toàn quyền với những vụ án tham nhũng lớn, không có sự can thiệp của một hệ thống các đơn vị nói trên, sẽ không cần một cơ quan điều phối, chỉ đạo.
Ở Indonesia, nơi có tình trạng tham nhũng tràn lan tương tự Việt Nam, đã có một nỗ lực lớn thành lập một cơ quan PCTN độc lập và đầy đủ thẩm quyền. Họ đã làm thành công một số vụ án lớn liên quan đến những nhân vật cao cấp, thay đổi tâm lý trong xã hội, khiến các chính trị gia và doanh nhân hiểu rằng họ đều có thể bị điều tra, khởi tố và trừng phạt. Đây là một bước đột phá, không chỉ từ áp lực mạnh mẽ của công chúng và xã hội dân sự, mà chính từ sự ủng hộ của Chính phủ và Tổng thống Indonesia đối với cơ quan này.
Tại Đối thoại Chống tham nhũng vừa rồi, các đối tác quốc tế cũng nhận định hệ thống pháp luật PCTN của Việt Nam khá đầy đủ, vấn đề là ở thực thi chưa hiệu quả.
Theo tôi, một trong những khó khăn là thu thập và tập hợp bằng chứng. Tội phạm tham nhũng có đặc điểm là bí mật, cố tình che giấu, không dễ lần theo các dấu vết mà đòi hỏi những kỹ thuật, cách tiếp cận, thẩm quyền đặc biệt, ví dụ kiểm tra báo cáo tài chính. Chính vì vậy, như tôi đã nói, nếu không có một đơn vị chuyên biệt đủ năng lực và thẩm quyền, việc đối phó với tội phạm sẽ rất khó khăn.
Các nước đều có một đơn vị ít nhiều có tính chất như vậy. Ở Việt Nam lại có khá nhiều cơ quan tham gia PCTN, từ công an, công tố đến Thanh tra Chính phủ, với nhiều nguồn thông tin khác nhau. Tôi e sự phân tán về trách nhiệm đó đã dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền, gây khó cho việc thực thi pháp luật PCTN.
Nản lòng
Vậy theo ông, luật PCTN hiện hành của Việt Nam còn những hạn chế gì cần khắc phục?
Luật PCTN của Việt Nam chưa đủ sức là một luật phòng, chống tham nhũng đúng nghĩa - một đạo luật mang tính hình sự, với đầy đủ chế tài và điều kiện thực thi. Luật của Việt Nam có nhiều điều khoản “phòng”, nhưng chưa đủ các điều khoản để “chống” tham nhũng hiệu quả. Thậm chí một số hình phạt có trong luật cũng chưa được thực thi vì chưa có vụ án nào trong đó các khâu điều tra, khởi tố tỏ ra đủ mạnh để dẫn đến các hình phạt đó.
Theo tôi, luật PCTN cần nhất là nêu đầy đủ thế nào là tham nhũng và cách xử lý tham nhũng. Tôi e là việc thực thi pháp luật PCTN ở Việt Nam đang tạo ra những trở ngại khiến những người thực lòng muốn chống tham nhũng nản lòng, thất vọng.
Trong quá trình sửa luật PCTN tại Quốc hội vừa rồi, có ý kiến cho rằng một số biện pháp như khuyến khích tố cáo tham nhũng, bảo vệ người tố cáo… chưa thực hiện tốt đã khiến cuộc đấu tranh không hiệu quả như mong muốn.
Theo tôi, một phần là do thiếu lòng tin của công chúng đối với các cơ quan PCTN, với các hoạt động điều tra, khởi tố, với việc tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo từ người dân, với việc đảm bảo an toàn cho người tố cáo… Đây không chỉ đơn thuần là việc thực thi công vụ của các cơ quan công quyền, mà còn là việc lấy được lòng tin của nhân dân đối với quyết tâm PCTN của chính quyền.
Lấp đầy khoảng cách này là không đơn giản, khi mà tham nhũng dường như có trong mọi diễn biến nhỏ nhặt hàng ngày của đời sống. Ví dụ về Indonesia cho thấy khi nhà nước làm mạnh những vụ án tham nhũng, người dân sẽ dần có lòng tin. Ở các nước như Singapore, Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản…, nhân tố quan trọng nhất giúp chống tham nhũng thành công cũng là quyết tâm chính trị của nhà nước nhận được sự ủng hộ của người dân.
Chính vì vậy, bên cạnh những kiến nghị quen thuộc như hoàn thiện hệ thống pháp luật PCTN, thực thi pháp luật hiệu quả hơn và có một cơ quan PCTN độc lập, tôi muốn nhấn mạnh điều quan trọng nhất: sự đồng thuận giữa xã hội và chính quyền.
Chung Hoàng