Đạo  diễn Vũ Châu chia sẻ những kỷ niệm không thể quên về diễn viên Thu Hà trong bộ phim đình đám một thời: Lá ngọc cành vàng.


{keywords}

Sau Lá ngọc cành vàng, Thu Hà đắt khách ở dòng phim mì ăn liền những năm đầu thập niên 90, chị liên tiếp được mời tham gia nhiều bộ phim được sản xuất trong Sài Gòn.

‘Lá ngọc cành vàng’ - bộ phim dược chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan ra đời vào năm 1989, khi dòng phim thị trường bắt đầu hưng thịnh.

Bộ phim nhanh chóng gây được tiếng vang lớn, gặt hái nhiều giải thưởng, cũng như đưa tên tuổi Thu Hà trở thành ngôi sao sáng giá của màn bạc Việt thời đắt khách.

Đạo diễn Vũ Châu chia sẻ những kỷ niệm thú vị về bộ phim đình đám một thời:

- Lý do nào khiến ông quyết định chuyển thể ‘Lá ngọc cành vàng’ từ văn học lên màn ảnh?

Đầu tiên phải nói, cái tuyệt vời của Nguyễn Công Hoan trong Lá ngọc cành vàng nằm ở cách khai thác chuyện tình yêu giữa một anh học trò nghèo với một chị nhà giàu rất hấp dẫn theo phong cách lãng mạn những năm 30 – 45, và tôi thấy cái chất melo ấy rất phù hợp với điện ảnh.

Thế nên khi nhận được yêu cầu làm phim Lá ngọc cành vàng, tôi có đọc rất kỹ nguyên tác, và nghĩ cách làm sao để chuyển thể từ ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh mà vẫn giữ được hồn cốt của tác phẩm.

Trong quá trình chuyển thể, được sự cho phép của chị Lê Minh (con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan), tôi có sửa lại tương đối khác so với cấu trúc tác phẩm văn học, để phù hợp hơn với điện ảnh.

Bối cảnh tác phẩm ra đời ở những năm 30 – 45, nhưng khán giả lại là của những năm 90, vậy là tôi và ê kíp làm phim phải làm sao để bộ phim vừa thể hiện đúng tinh thần của giai đoạn lịch sử đó, vừa mang được hơi hướng thời đại, chứ không thể giữ nguyên những cách nói quá xa lạ với khán giả đương đại.

Với bản thân tôi, tôi thấy cần một sự thận trọng để sản phẩm điện ảnh có thể đứng độc lập, bởi hoặc tôi sẽ quá lệ thuộc vào tiểu tuyết, hoặc tôi sẽ phá hỏng cái hay của tiểu thuyết.

- Cơ duyên nào đưa Thu Hà đến với vai diễn trong bộ phim này?

Sau khi nghiên cứu kỹ việc chuyển thể, tôi bắt tay vào khâu tuyển chọn diễn viên. Bởi với tôi, cái hồn cốt quan trọng, để truyền tải nội dung của phim nằm ở người diễn viên.

Gặp Thu Hà qua nhiều bộ phim, tôi thấy cái dáng vẻ, phong cách của Thu Hà rất phù hợp với những cô gái của năm 30 – 45, đặc biệt sẽ rất hợp với vai diễn trong Lá ngọc cành vàng.

Sau đó tôi mời thêm anh Vũ Đình Thân, cũng một chàng trai mang dáng dấp anh thư sinh những năm 30 – 45. Mời hai diễn viên chính xong, tôi an tâm lắm, có cảm giác đã le lói hy vọng về sự thành công của bộ phim này.

Kỷ niệm thú vị nhất trong quá trình quay Lá ngọc cành vàng chính là việc tất cả ê kíp đều ‘dán mắt’ vào nhất cử nhất động trong diễn xuất của các diễn viên, có nghĩa là bộ phim đã có sự hấp dẫn và lôi cuốn.

Đến ngay cả thư ký của tôi, khi tôi quay ra hỏi có ghi chép được gì không mới ấp úng xin lỗi, vì mải xem diễn xuất quá mà không ghi chép được gì.

Tôi nghĩ đấy là kỷ niệm thú vị nhất của người làm phim khi biết rằng phim của mình có thể sẽ được khán giả đón nhận.

- Cũng chính từ ‘Lá ngọc càng vàng’ mà Thu Hà trở thành cái tên được ‘săn đón’ ở dòng phim mì ăn liền?

Sau Lá ngọc cành vàng, Thu Hà đắt khách ở dòng phim mì ăn liền những năm đầu thập niên 90, chị liên tiếp được mời tham gia nhiều bộ phim được sản xuất trong Sài Gòn.

Tôi vẫn hay nói vui, là thời ấy muốn gặp Thu Hà khó lắm, vì chị bận rộn với lịch đóng phim kín mít.

- Sau này, ông có còn kết hợp với Thu Hà trong bộ phim nào?

Sau này Thu Hà có kết hợp với tôi trong Một giờ làm quan, hay gần đây nhất là Nhìn ra biển cả – phim về thời trẻ của Bác Hồ.

{keywords}

Thu Hà ngoài đời

 Khi lại cùng làm phim, chúng tôi như những người bạn cũ, ôn lại kỷ niệm cũ rất vui vẻ. Bởi trong quá trình cùng làm việc trong Lá ngọc cành vàng, tất cả chúng tôi đều trân trọng nhau, cố gắng hết sức để mang đến cho khán giả bộ phim hấp dẫn nhất.

- Gần 20 năm sau 'Lá ngọc cành vàng', ông lại được tin tưởng giao cho bộ phim 'Nhìn ra biển cả', cái khó khăn nhất khi tái hiện lại lịch sử trong thời hiện đại là gì?

Dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử rất đáng tự hào, nhưng dường như các nhà làm phim chưa truyền tải được hết những điều ấy lên màn ảnh.

Khi làm bộ phim tái hiện lại giai đoạn cũ, khó khăn nhất là trình độ của những người làm phim, thứ hai là kinh phí.

Trình độ người làm phim rất quan trọng, anh có am hiểu giai đoạn lịch sử ấy hay không, để tái hiện lại cho chân thực, hấp dẫn, điều đó là thách thức của cả ê kip,

Thứ hai là vấn đề kinh phí. Không phải cứ tiền thật nhiều mới làm được phim hay, mà để có bối cảnh lịch sử đúng với giai đoạn tái hiện trên màn ảnh, cần sự đầu tư kinh phí phù hợp.

- Làm đạo diễn của nhiều bộ phim, nhìn thấy rất nhiều nhân vật – những đứa con tinh thần của chính mình sống cuộc đời với những hỉ, nộ, ái, ố, có khi nào ông bị ám ảnh, day dứt bởi những nhân vật đấy?

Khi bắt tay thực hiện kịch bản nào, người làm nghệ thuật cũng chìm vào những nhân vật trong đấy, nhập tâm vào để tưởng tượng xem nếu ở trong hoàn cảnh ấy mình sẽ giải quyết những nút thắt mở tình huống ra sao.

Trong quá trình thực hiện bất cứ một bộ phim nào, tôi cũng bị ám ảnh, day dứt với những nhân vật – đứa con tinh thần của mình như thế.

Nhưng sau khi quay xong, nếu như nhiều người cứ hay ‘nhấm nháp’ sản phẩm của mình sau khi hoàn thành, thì tôi lại muốn nhanh chóng quên đi để bắt đầu với những dự án mới, bộ phim mới. Bởi mỗi khi xem lại, tôi thấy phim của mình còn nhiều ngớ ngẩn lắm.

- Có vẻ ông là người rất cầu toàn đối với những sản phẩm của mình?

Tôi không quá cầu toàn, nhưng xem lại phim của mình đúng là thấy ngớ ngẩn, nhiều sạn lắm. (cười).

Có thể một phần do cá tính. Tôi thấy nhiều người giữ gìn rất cẩn thận những thước phim, bài báo nói về bộ phim của mình, rất thú vị. Nhưng tôi lại không giữ bất cứ cái gì cả, bởi trước kia tôi có giữ, nhưng thấy chẳng để làm gì, cái gì còn thì vẫn còn, cái gì mất thì sẽ mất.

- Xin cảm ơn ông!

Theo VTC