- Các nhà báo chính là những đường dây siêu nóng nối liên đại biểu QH với nhân dân, đánh thức quyền lực của họ để quyền lực ấy hướng về quyền lợi chân chính của cử tri, đối mặt với những vấn đề cử tri đang bức xúc để hành động.
Năm 2005, trước thành công của chủ trương truyền hình trực tiếp, những người phụ trách báo chí trong QH phấn khởi quá, công bố luôn cho báo chí ý tưởng thiết lập đường dây nóng tại các phiên chất vấn khi còn đang trong quá trình bàn bạc. Ý tưởng này xuất hiện từ thực tế có nhiều cử tri gọi điện đến Ban Dân nguyện của QH để bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng hay gửi gắm kiến nghị.
Tuy nhiên, ý tưởng này cuối cùng lại không được thực hiện vì lý do kỹ thuật, sợ đường dây nóng có thể bị tắc nghẽn do quá nhiều cử tri gọi đến muốn chất vấn để tìm câu trả lời cho những vấn đề và những bực xúc rất cụ thể của mình. Bộ phận báo chí của QH cũng bị nhắc nhở nhưng tình thần chung lúc đó là thông cảm và chia sẻ với nhiệt hứng “cầm đền chạy trước ô tô” đó.
Nếu lập được đường dây nóng để nhân dân gửi ý kiến của mình tới các phiên chất vấn thì đó là một động thái có giá trị văn hóa rất cao. Nhưng nếu không đủ điều kiện kỹ thuật để lập đường dây nóng đó thì cũng không sao. Vì trong hành lang QH đã có sẵn một mạng thông tin siêu nóng không bao giờ tắc nghẽn, đó là hơn 500 nhà báo thường xuyên tác nghiệp ở hành lang các cuộc họp QH.
Báo chí tác nghiệp tại QH khóa 13. Trong ảnh: phỏng vấn ông Trương Tấn Sang sau khi ông được QH bầu làm Chủ tịch nước, tháng 7/2011. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trong dịp sang Mỹ nghiên cứu về văn hóa Việt Nam hải ngoại do Trung tâm William Joiner thuộc Đại học Massachusetts tổ chức năm 2002, tôi đã được đến thủ phủ bang California ở Sacramento ngồi vào ghế trong phòng làm việc của Thống đốc chụp ảnh kỷ niệm và đứng trên hành lang tầng 2 cùng các cháu thiếu nhi xem nghị viện bang họp. Bất cứ ai cũng có thể mua vé vào chụp ảnh ở phòng Thống đốc và theo dõi cuộc họp của nghị viện như vậy.
Ở Australia, nhà Quốc hội được xây chìm dưới một quả đồi, người dân có thể trèo lên chơi đùa trên nóc. Một kiến trúc mang tư tưởng dân chủ thật tự nhiên và bình dị. Ta cũng được xem QH họp qua truyền hình trực tiếp và có số lượng nhà báo tràn ngập hành lang QH.
Các nhà báo thay mặt dân áp sát các đại biểu từng giờ, từng phút để theo dõi những hành xử của họ, đặt ra những câu hỏi phỏng vấn gai góc hay đưa thông tin, tư vấn và tranh luận với họ ở hành lang hay ở bàn bia một cách công khai, thẳng thắn, chân tình, cập nhật những vấn đề sinh động của cuộc sống vào sinh hoạt nghị trường. Đó là một thực tế mà không phải QH nước nào cũng có.
Quyền lực nhà báo và vận động hành lang
Những người muốn hạn chế hoạt động của báo chí ở hành lang QH có thể nghĩ rằng cứ mở cửa thoải mái cho nhà báo tiếp xúc với đại biểu đa số là cán bộ cao cấp trong guồng máy thì vô hình trung đã mở cửa cho các cuộc vận động hành lang.
Nếu ta coi vận động hành lang là xấu thì những lo lắng như vậy còn có chỗ đứng. Nhưng hiện nay chúng ta đã bắt đầu nhìn nhận hoạt động này từ những góc nhìn trong sáng, thấy ở đó những cơ hội cho người lãnh đạo và quản lý có thêm thông tin cho quyết định của mình.
Các tòa soạn đem hàng ngàn tờ báo đến tặng các đại biểu để gián tiếp vận động họ ủng hộ quan điểm của mình trong các bài điều tra, phóng sự hay thời luận.
Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc tranh luận của các nhà báo và văn nghệ sỹ với các đại biểu QH ở hành lang Hội trường hay ở bàn bia, thậm chí phê phán những ý kiến của đại biểu cho là thiếu thông tin, không sát thực tế hoặc chưa nhìn thấy bản chất vấn đề. Nhiều đại biểu phản pháo lại khá sắc sảo, làm nhà báo lúng túng, nhưng cũng không ít đại biểu nhận ra vấn đề và không tiếp tục phát biểu theo hướng cũ.
Như khi xây dựng luật Báo chí, một vài đại biểu VIP như tướng Phạm Chuyên có những quan điểm muốn “trói” chặt báo chí hơn, nhưng có lẽ môi trường QH đã tạo cơ hội cho các cuộc đàm đạo trao đổi thân tình thẳng thắn và bản thân ông cũng ngày càng trải nghiệm sâu những buồn vui của nhà báo nên nên tướng Chuyên ngày càng trở nên cởi mở, thông thoáng và cận nhân tình thể hiện qua nhiều bài viết sâu sắc, lịch lãm và mạnh mẽ, có giá trị khai tâm khai trí cho người đọc.
Bản thân người viết bài này cũng đã tìm thấy không ít cơ hội đấu tranh, vận động ở hành lang QH cho những quan điểm văn hóa, điện ảnh lành mạnh, nhân văn. Khi xây dựng luật Điện ảnh, có đại biểu phản đối việc dành quỹ đất đô thị cho rạp chiếu phim. Đại biểu này cho rằng trong thời buổi video, ti vi vào tận đầu giường mà xây rạp là lãng phí.
Tôi đã tranh luận ở hành lang QH và cả ở bàn bia với các đại biểu ủng hộ quan điểm này, cho rằng họ đánh đồng màn ảnh lớn với màn ảnh nhỏ, do đó vô tình xóa bỏ quyền hưởng thụ điện ảnh nói riêng và quyền hưởng thụ văn hóa nói chung của nhân dân.
Dự thảo quy định dành quỹ đất ở các đô thị có đông dân cư cho việc xây rạp chiếu phim là thể hiện QH quan tâm đến sự bình đẳng trong hưởng thụ văn hóa của toàn dân.
Tại sao chỉ nhân dân các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mới được xem các phim bom tấn của Mỹ, các phim được giải Oscar, phim 3D, phim Việt Nam nổi tiếng, mà nhân dân các đô thị nhỏ, các vùng nông thôn chỉ được xem phim qua màn ảnh nhỏ?
Rất may là số đại biểu nhầm như vậy không nhiều nên luật Điện ảnh vẫn được thông qua với những quy định có trách nhiệm văn hóa như dành đất xây rạp cho các khu dân cư đông đúc.
Nhà thơ - Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn
Kỳ 3: Quyền lực của lời nói và chỉ số đam mê