CQĐT vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long và các đơn vị liên quan.

Theo kết luận điều tra, ông Lương Văn Hóa (SN 1957, nguyên TGĐ Công ty Dược Cửu Long) được Bộ Y tế giao nhiệm vụ sản xuất thuốc Oseltamivir, có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng theo Thông tư số 05/2004/TT-BTC ngày 30/1/2004, thực hiện đúng điều khoản hợp đồng, chịu trách nhiệm báo cáo Bộ Y tế trong quá trình triển khai thực hiện.

Cả ông Hóa và ông Ngô Hữu Nghĩa (nguyên Giám đốc chi nhánh tại TP.HCM, kiêm Giám đốc XNK Công ty CP Dược phẩm Cửu Long) là người được ông Hóa giao đàm phán xin giảm giá đều không thừa nhận đã được Công ty Mambo đồng ý cho giảm giá mua nguyên liệu.

Nhưng với tài liệu chứng cứ thu được, CQĐT cho rằng, từ năm 2006, ông Hóa đã được Công ty Mambo cho giảm giá mua nguyên liệu số tiền hơn 3,8 triệu USD.

Tuy đã được giảm giá mua nguyên liệu, nhưng ông Hóa vẫn chỉ đạo việc lập thư ngày 25/8/2006 xin Công ty Mambo cho giãn nợ đến ngày 31/12/2008 để báo cáo lý do chưa thanh toán hơn 3,8 triệu USD này với Đoàn kiểm tra liên ngành.

Theo CQĐT, đủ cơ sở xác định, ông Hóa lập thư giãn nợ để đối phó với đoàn kiểm tra, che dấu việc được giảm giá nguyên liệu.

Lời khai của Nguyễn Thanh Tòng (nguyên Phó TGĐ Công ty Dược Cửu Long), Nguyễn Thanh Hải (nguyên Kế toán trưởng Công ty Dược Cửu Long) đều thừa nhận văn bản ủy quyền ngày 25/3/2009 chỉ là thủ tục, mục đích để chuyển tiền cho Công ty ZPT, hợp thức hồ sơ báo cáo Bộ Y tế.

Kết luận điều tra cho rằng, đủ cơ sở xác định, văn bản ngày 25/3/2009 của Công ty Mambo ủy quyền cho Công ty ZPT nhận hơn 3,8 triệu USD chỉ là hình thức, cầu nối để ông Hóa ký phụ lục 01, 02 chuyển tiền cho Công ty ZPT, hợp thức hồ sơ báo cáo Bộ Y tế.

Như vậy, mặc dù đã được giảm giá mua nguyên liệu hơn 3,8 triệu USD, nhưng lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, ông Hóa đã chỉ đạo không thông báo cho Bộ Y tế biết mà giữ lại, hạch toán trái nguyên tắc kế toán để hưởng lợi tập thể (chia cổ tức cho cổ đông, trả thù lao HĐQT, trích lập các quỹ...)

Theo kết luận điều tra, ông Hóa chỉ đạo lập thư giãn nợ không đúng sự thật để che dấu việc đã giảm được giá nguyên liệu với đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Y tế, Bộ Tài chính; chỉ đạo Tòng hợp thức hồ sơ thanh toán hơn 3,8 triệu USD để báo cáo sai sự thật với Bộ Y tế, mục đích giữ lại hơn 3,8 triệu USD, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Trách nhiệm bồi thường hơn 3,8 triệu USD

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, CQĐT xác định, Công ty Dược Cửu Long có nghĩa vụ phải nộp lại ngân sách Nhà nước hơn 3,8 triệu USD được giảm giá nguyên liệu.

Ông Hóa và những người liên quan tại Công ty Dược Cửu Long đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được Bộ Y tế giao, cố ý giữ lại hơn 3,8 triệu USD sử dụng hưởng lợi tập thể, gây thiệt hại Nhà nước. 

Do vậy, ông Lương Văn Hóa và đồng phạm phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền thiệt hại hơn 3,8 triệu USD này cho Nhà nước.

Để thu hồi tài sản cho Nhà nước, CQĐT đã phong tỏa 2 sổ tiết kiệm, tổng giá trị 1,5 tỷ đồng và kê biên 4 tài sản là Quyền sử dụng đất đứng tên sở hữu của ông Hóa và vợ.

CQĐT Bộ Công an cũng có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng đăng ký đất đai TP Hà Nội và TP.HCM đề nghị rà soát và tạm ngừng các giao dịch liên quan đến tài khoản, sổ tiết kiệm, nhà đất của bị can Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) và những người liên quan khác.

T.Nhung