Tại đây, những tờ “giấy bạc Cụ Hồ” đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao đã ra đời.
Nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giai đoạn 1946-1947) nằm ở đồn điền Chi Nê, nay là xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình).
Bà Đinh Thị Bình, Phó Ban Quản lý các khu di tích huyện Lạc Thủy cho biết, nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời gắn với công lao to lớn của nhà yêu nước Đỗ Đình Thiện. Hình ảnh hai dãy nhà xưởng in tiền – trước đó là đồn điền của một người Pháp, về sau được ông Đỗ Đình Thiện mua lại. Tại đây, những tờ “giấy bạc Cụ Hồ” đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao trong những ngày đầu độc lập đã ra đời.
Ban đầu, những đồng tiền đầu tiên này chưa được đẹp, chất lượng giấy in chưa tốt, nhưng nhân dân ta vẫn hồ hởi hưởng ứng, vì đây là tờ tiền đại diện cho nền độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia và trên đồng tiền này có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng tiền đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ra đời trở thành lợi khí để đấu tranh trên mặt trận kinh tế, tài chính, tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta.
Nơi đây cũng lưu giữ bức tranh sơn dầu phác họa mẫu tiền Con trâu xanh do họa sĩ Nguyễn Huyến thể hiện. Để có được mẫu tiền mang hình ảnh sinh động, thực tiễn, thể hiện đường lối của Đảng, của Chính phủ, phù hợp với tình hình phát triển của cách mạng và kháng chiến, các họa sĩ, trong đó có họa sĩ Nguyễn Huyến - người trực tiếp thực hiện mẫu vẽ, đã phải làm việc miệt mài quên cả trưa tối, khi thì xuống công trường, xưởng máy, lúc về nông thôn để có được những hình ảnh sinh động nhất đưa vào mẫu vẽ.
Mặt trước của giấy bạc là hình ảnh Bác Hồ, bên cạnh là những bông lúa và người nông dân đang chăm chỉ làm việc làm khung nền mờ phía sau, thể hiện khao khát cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc...
Mặt sau tờ tiền thể hiện hình ảnh con trâu béo mập (mang ý nghĩa con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông), bên phải là cây ngô đang ra bắp và những nông dân đang ra sức khai hoang vỡ đất, tăng gia sản xuất để chống lại một trong ba thứ giặc lúc bấy giờ là "giặc đói"...
Ngày 31/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ cộng hoà họp kỳ thứ hai, quyết định phát hành đồng tiền Việt Nam và tổ chức thu hồi, đổi tiền Đông Dương trên toàn quốc với mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng và tiếp đó là loại 200 đồng, 500 đồng
Ở nhà máy in tiền Chi Nê, công nhân làm việc chủ yếu từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau.
Nhà ông Đỗ Đình Thiện, nơi Bác Hồ nghỉ lại ngày 19/2/1947.
Hiện nay, khu nhà chia làm 6 gian, mỗi gian trưng bày các hình ảnh của gia đình ông Đỗ Đình Thiện, quá trình hoạt động và bằng khen do nhà nước trao tặng cũng như các hình ảnh những cán bộ nhà máy in tiền.
Bàn làm việc của Bác Hồ ở nhà ông Đỗ Đình Thiện.
Năm 2007, nhà máy in tiền đầu tiên của Việt được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Với những dấu ấn lịch sử và ý nghĩa đặc biệt, vào ngày 14/2/2014, khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (giai đoạn 1946 – 1947) đã được trao kỷ lục Guiness Việt Nam là Nhà máy in tiền đầu tiên.
Công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê khánh thành, đưa vào khai thác vào tháng 5/2019.
Bên trong, gian chính giữa đặt tượng Bác Hồ.
Một bên ban phụ thờ ông Đỗ Đình Thiện và vợ.
(Theo Dân Việt)