Đời sống tình dục của cư dân ở Hy Lạp và La Mã cổ xưa có nhiều điểm lạ và thậm chí “hoang dại” hơn ngày nay, theo khảo cứu của “nhà thám tử lịch sử” Vicki Leon – tác giả cuốn “The Joy of Sexus: Lust, Love, & Longing in the Ancient World”.

Nguồn gốc ra đời lễ Tình nhân (14/2)


Người La Mã cổ xưa có một nghi lễ tẩy trần gọi là Lupercalia diễn ra từ ngày 13 – 15/2 hàng năm, nhằm cầu xin cho mùa màng bội thu, con người và động vật phồn thực. Trong lễ hội đó, những người đàn ông sẽ dùng các sợi dây da dê, nhúng vào máu và đánh lên người phụ nữ. Sau đó, một trò "cáp đôi" diễn ra: các chàng trai sẽ rút thăm tên của những thiếu nữ từ một cái bình. Rồi, những cặp đó sẽ ở với nhau cho đến ngày lễ hội Lupercalia của năm sau.

Một lý do khác mà người La Mã mừng lễ hội thường niên này là để tưởng nhớ và tôn vinh huyền thoại Lupa. Lupa là một con sói cái đã nuôi dưỡng Romulus và Remus khi họ còn bé. Về sau, Romulus và Remus thành lập vương quốc La Mã vào năm 753 trước Công nguyên.

Tuy nhiên, dưới thời cai trị của Hoàng đế La Mã Claudius II, do muốn xây dựng một đội quân hùng mạnh nên ông cần tuyển một lượng quân lớn. Việc tuyển quân lúc bấy giờ hầu như rất khó và bạo chúa Claudius tin rằng căn nguyên là do những người đàn ông La Mã không muốn rời xa khỏi gia đình thân thương của họ. Chính vì thế, ông ta ban hành lệnh cấm đàn ông lấy vợ. Lúc bấy giờ, thánh hiền hậu Valentine là một vị linh mục tại Rome. Bất chấp lệnh của Hoàng đế, ông đã cùng thánh Marius vẫn bí mật tổ chức lễ thành hôn cho các đôi tình nhân. Sự việc bại lộ, ông bị tống giam và bị Thái thú La Mã tuyên án tử hình. Ông bị xử tử vào ngày 14/2 khoảng năm 270 sau Công nguyên.

Thời gian này, trung tuần tháng 2 vẫn được người dân La Mã dành tổ chức lễ Lupercalia và tên của các thiếu nữ vẫn được bỏ vào chai để các chàng trai bốc thăm. Dẫu vậy, nhằm loại bỏ những yếu tố ngoại đạo trong ngày lễ Lupercalia, các giáo sĩ của đạo Cơ Đốc đã thay tên những cô gái trinh nữ bằng tên các vị thánh để bỏ vào chai. Rốt cuộc, sau gần 2 thế kỷ, lễ Lupercalia cũng được đổi tên thành lễ Valentine và được các vị giáo sĩ chọn tổ chức vào ngày 14/2. Lễ Tình nhân đã bắt nguồn từ đây.

Quân đội toàn gay


Khoảng năm 375 trước Công nguyên, thành phố - nhà nước hùng mạnh nhất trong cộng đồng nói tiếng Hy Lạp là Thebes. Người Hy Lạp ở Thebes đã tạo ra một đột phá văn hóa lớn bằng cách kết hợp 2 hoạt động ưa thích của nam giới: tình dục và giao chiến. Vốn nổi tiếng về việc “thoáng” trong chấp nhận quan hệ đồng tính luyến ái nam, Thebes đã thành lập một đội quân thiện chiến, quy tụ 300 gã trai đồng tính. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, 300 chiến binh này được tuyển chọn từ những thanh niên trẻ tuổi, trai tráng trong nước. Ngoài việc sở hữu khả năng đánh giáp lá cà thiện nghệ, họ còn được học cách cưỡi ngựa và khiêu vũ. Yếu tố bền bỉ và dẻo dai được đề cao trong luyện tập.

Những chiến binh này còn có mối quan hệ "đặc biệt". Họ là những "bạn tình" của nhau, mang lời thề sẵn sàng chết vì "một nửa" còn lại. Họ có thể sẵn sàng chết trước mặt hàng vạn người, nhưng không bao giờ chịu bỏ rơi "người yêu" của mình trong tình cảnh nguy hiểm. Trong trận chiến, các chiến binh luôn nỗ lực hết mình trước mắt "người yêu" của họ. Những người này coi việc giết địch làm "phần thưởng" dành tặng cho "nửa kia".

Người Thebes gọi họ là “đội quân thần thánh”. Trong nhiều thập kỷ, những chiến binh đồng tính này, dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh tài năng, khôn ngoan và cũng là dân gay giống họ, đã hất cẳng các đội quân lừng danh “bất khả chiến bại” của người Sparta. Bất chấp kỷ luật quân đội và các cải tiến chiến thuật, “đội quân thần thánh” cuối cùng vẫn bị giết hại tới người cuối cùng dưới tay một đội quân thậm chí hùng mạnh hơn của Vua Philip xứ Macedon. Mặc dù Vua Philip giành chiến thắng trong cuộc chiến này, ông nhanh chóng mất mạng vì bị một người tình cũ bất mãn cũng là nam giới ám sát.

Kỷ nguyên tôn sùng vòng 3

Bức tượng khỏa thân của Thần Vệ Nữ mang tên Aphrodite (Venus) Kallipygos, có nghĩa là “Thần Vệ Nữ với cặp mông đẹp” rất được ngưỡng mộ ở Hy Lạp và hiện vẫn còn nhiều bản sao chép trưng bày ở khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Wikipedia

Đàn ông Hy Lạp ngưỡng mộ những người có cặp mông đẹp. Với đầu óc cởi mở, họ tôn sùng vẻ đẹp vòng 3 của mọi kiểu người và giới tính. Bạn đã bao giờ để ý thấy các bức tượng nữ thần khỏa thân với phần mông lộng lẫy vẫn còn lưu giữ trong các viện bảo tàng trên khắp thế giới? Đây không phải là một sự tình cờ. Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, một nhà điêu khắc đã tạo ra tượng một nữ thần đang hướng nhìn qua vai xuống vòng mông quyến rũ của mình và cư dân thời đó đã phát cuồng vì nó.

Sự ngưỡng mộ cặp mông đẹp thậm chí đã trở thành một thứ sùng bái như tôn giáo ở Sicily. Người ta kể rằng, có hai chị em gái nhà nọ rất xinh đẹp, khi đang tranh cãi xem ai quyến rũ hơn, đã gây chú ý một người đàn ông trẻ đi ngang qua. Họ hỏi chàng bỏ phiếu cho ai. Sau khi tán thưởng cặp mông của người chị và tỏ ra “kết” vòng 3 của cô em, họ rốt cuộc đã nên duyên vợ chồng và sống trong gia đình một chồng, 2 vợ hạnh phúc mãi mãi về sau. Hai bà vợ thậm chí còn thuê người dựng nên một ngôi đền để thờ Thần vệ nữ có cặp mông tuyệt đẹp ở Syracuse, tồn tại trong nhiều thế kỷ.

… Còn tiếp…

Tuấn Anh (Theo Huffington Post)