Nằm giữa thủ đô hoa lệ nhưng người dân sống tại khu tập thể thuốc lá Thăng Long (quận Thanh Xuân) phải đi vệ sinh vào xô, chậu rồi mang đi đổ.

10 nhà vệ sinh phục vụ hơn trăm hộ dân

Được xây dựng từ năm 1958, qua quá trình sử dụng, dãy nhà A, C, D của khu tập thể thuốc lá Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng. Không gian ẩm thấp, tối tăm, kèm theo mùi hôi nồng nặc là những gì mà các hộ dân nơi đây thường xuyên phải chịu đựng.

Không đủ nơi sinh hoạt nên người dân đã cơi nới, xây thêm gác xép. Cộng với đó, vì công trình xuống cấp, lo lắng cho tính mạng, người dân đã tiến hành sửa chữa mái hiên bên ngoài nhưng từng mảng khối vữa vẫn bong tróc, trông rất đáng sợ.

{keywords}

Ban ngày vẫn bật điện hành lang.

Theo quan sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, dãy nhà A, 3 tầng, trần nhà ở các tầng đã nứt toác, trơ hết sắt thép, tường ẩm và thấp.

Tình trạng nhà dột cũng xảy ra nhiều năm nay, vì vậy, hộ dân sống tại tầng 3 luôn sẵn sàng... chậu để hứng nước khi có trời mưa.

Với diện tích căn hộ là 16m2, có hộ sinh sống đến 3 thế hệ, đặc biệt là không có bếp, không nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh được xây tách biệt, tầng 1, 2 mỗi tầng có 4 phòng (2 nhà vệ sinh nam, 2 nhà vệ sinh nữ) tầng 3 có 2 phòng, xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc ứ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

{keywords}

Trần nhà bong tróc, vữa lở.

Bà Trịnh Thị Kim Thoa, sống tại phòng 203, nhà A bức xúc: “Cứ năm 7 bẩy ngày lại tắc nhà vệ sinh một lần, mỗi lần thông là 400 nghìn đồng. Vừa rồi cả khu tập thể đóng 10 triệu để gây quỹ. Cách đây 5 ngày, nhà vệ sinh vừa tắc xong, không thấy thợ moi lên cái gì, chúng tôi không nắm được nguyên nhân là tại sao”.

Bà Thoa cho biết thêm, các hộ dân sống ở tầng 2, 3 không thể xây dựng được nhà vệ sinh trong nhà vì không có bể phốt, việc tiểu tiện thì có thể đi trong nhà nhưng đại tiện phải ra khu vệ sinh chung. Buổi sáng, nhiều khi người dân phải xếp hàng đi vệ sinh, ban ngày thì thoải mái bởi bà con đi làm.

Đi vệ sinh vào xô, chậu

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổ trưởng tổ dân phố 12 Khu tập thể Thuốc lá Thăng Long thông tin: “Khu tập thể có 3 tầng, có tất cả 10 nhà vệ sinh, mỗi tầng có 39 nhà, trung bình mỗi nhà 3 nhân khẩu. Không gian chật trội nên việc xếp hàng đi vệ sinh là có, cũng may hầu hết đều đều đi làm nên tình trạng chờ đợi nhau chỉ xuất hiện vào buổi sáng, nói chung là hôi hám bẩn thỉu”.

Vệ sinh bất tiện nên ông Tuấn gửi mẹ già qua nhà chị gái ở Linh Đàm để tiện chăm sóc. Trước đây, khi mẹ sống cùng, buổi đêm để an toàn ông đem bô, chậu để phục vụ cụ đi vệ sinh.

{keywords}

Nhà vệ sinh tại khu tập thể Thuốc lá Thăng Long.

Không chỉ gia đình ông Tuấn, ông Nghị sống tại nhà đối diện cũng làm theo cách tương tự. Nhà vệ sinh thì ở đầu dãy trong khi nhà ông ở mạn cuối nên buổi đêm rất lười đi ra khỏi nhà. Dẫu biết việc đi vệ sinh vào bô gây hôi hám nhưng đỡ nguy hiểm.

Nhà ở xa thì kêu bất tiện, chị Định Thị Sáu sống gần nhà vệ sinh cho hay: “Những ngày trời nồm mùi hôi từ nhà vệ sinh bốc ra nồng nặc, mùi hôi tạo cảm giác bữa cơm mất ngon. Ngại nhất là lúc nhà có khách, vừa bước vào nhà mọi người đều cảm thấy ghê mũi bởi mùi hôi thối, chưa kể đến những ngày vệ sinh tắc, mùi kinh khủng lắm”.

Bà Nguyễn Thị Lan, người dân trong tòa nhà thở dài: “Dân thì đông, nhà vệ sinh đã ít không đáp ứng đủ nhu cầu đã thế lại bị tắc, nước không thoát, mùi bốc lên sợ lắm. Sáng sớm ngủ dậy đi vệ sinh phải chờ nhau, bí quá nhiều khi đi vào bô rồi mới mang đi đổ”.

{keywords}

Nhà tắm gia đình biến thành nơi tiểu tiện.

Trả lời PV, tất cả những người dân tòa nhà A đều mong muốn nhà nước sớm có phương án cải tạo, nâng cấp tòa nhà để họ không phải sống trong ô nhiễm và nguy hiểm luôn rình rập.

Theo Gia đình & Xã hội