- Chuyện săn lùng những cỗ máy thời gian ly kỳ đến độ dân ngoại đạo cho là chuyện bịa.
Bài 1: Sức mê hoặc của những chiếc đồng hồ cổ
Cả nhà mê đồng hồ cổ
Chiếc đồng hồ để bàn anh Dũng đặc biệt yêu quý.
Chủ nhân của bộ sưu tập đồng hồ quý vừa được triển lãm ở Hà Nội là anh Dũng, một người đam mê và sưu tập đồng hồ có tiếng. Cả gia đình anh Dũng đều mê đồng hồ, từ bố mẹ đến em trai. Bộ sưu tập đồng hồ của cả nhà đến giờ không thể thống kê nổi con số cuối cùng và có những chiếc đồng hồ thuộc sở hữu chung của hai bố con hay mọi thành viên trong gia đình.
Trong mỗi cuộc gặp mặt của cả gia đình, quanh đi quẩn lại vẫn là câu chuyện về đồng hồ cổ. Và gần như ngày nào hai bố con anh Dũng cũng gặp nhau để trao đổi về những chiếc đồng hồ yêu thích.
Đồng hồ men đen đẹp hiếm có.
Bố anh từng là thợ sửa đồng hồ và cũng là một người đam mê đồng hồ nhiều năm. Chính vì thế, từ nhỏ anh Dũng cũng đã rất mê đồng hồ. Sở hữu chiếc đồng hồ đầu tiên cách đây đã 20 năm, món quà anh thích bố tặng nhất khi còn nhỏ cũng chỉ là đồng hồ.
Qua nhiều năm sưu tập, đến giờ anh Dũng đang là chủ sở hữu của cả ngàn chiếc đồng hồ đeo tay, trong đó có bộ sưu tập đồng hồ Liên Xô thuộc vào loại "khủng" nhất Hà Thành. Đó là chưa kể đến vô số những chiếc đồng hồ để bàn, treo tường, đồng hồ tủ... bày la liệt trong nhà. Cũng như rất nhiều người chơi khác, anh có thể kể vanh vách lịch sử của những chiếc đồng hồ đặc biệt nhất.
Chơi đồng hồ để cuộc sống thư thái hơn.
Anh bảo ngày nào cũng phải tiếp xúc với đồng hồ. Công việc quá nhiều áp lực hàng ngày, nhờ có những chiếc đồng hồ cổ mà cuộc sống của anh được cân bằng và chậm lại. Có ngày, vào buổi sáng, thay vì vội vã đi làm, anh cố nán lại trong phòng để nghe tiếng chuông đồng hồ điểm giờ như một thói quen khó bỏ.
Tôi hỏi anh có bị những chiếc đồng hồ nạm kim cương của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới hàng ngày được quảng cáo trên các tạp chí lớn không? Anh trả lời ngay mà chẳng cần suy nghĩ: "Những người chơi đồng hồ cổ đều dị ứng với những chiếc đồng hồ hiện tại. Ví dụ như có những chiếc đồng hồ trên thế giới chỉ sản xuất vài chục cái, giá lên đến hàng chục ngàn đô, vô cùng đắt tiền nhưng nếu bảo để đổi lấy cái đồng hồ Liên Xô quý giá tôi đang có, tôi cũng chẳng đồng ý".
Đồng hồ bằng gỗ độc nhất vô nhị.
Công việc kinh doanh đồng hồ giúp anh có cơ hội tiếp xúc với những chiếc đồng hồ quý và rồi giữ lại nó cho riêng mình. Người kinh doanh theo lẽ thường, hay bị loá mắt vì lợi nhuận, nhưng với một người đam mê đồng hồ cổ thì tiền không còn quan trọng. Có chiếc đồng hồ được trả giá cao gấp cả chục lần anh cũng chẳng bán vì... tiếc, và vì nếu bán đi thì sẽ chẳng thể mua lại được nữa.
"Chiếc đồng hồ Odo 36 giá trị thực chỉ 50-60 triệu đồng nhưng có những người trả đến 6000-10.000 đô la tôi cũng không bán vì tìm được 1 chiếc đồng hồ nguyên bản như vậy không dễ. Không phải là tôi khinh tiền mà vì nếu bán đi mất sau này có bỏ ra số tiền tương đương như vậy cũng chẳng thể mua lại được. Đồng hồ cổ đặc biệt không có giá", anh nói.
Một chiếc đồng hồ tủ cổ trong bộ sưu tập của gia đình anh Dũng.
Những cỗ máy thời gian độc nhất vô nhị
Anh Dũng chỉ cho chúng tôi xem chiếc đồng hồ để bàn của Pháp trên 100 năm được anh đặt ngay sau bàn làm việc với lý do để... 'ngắm' cho dễ. Chiếc đồng hồ được chạm khắc bằng đồng hết sức tinh xảo này từng được để trong một toà lâu đài bên Pháp vì không hiểu vì một lý do nào đó mà nó lưu lạc về VN.
Anh bảo những chiếc đồng hồ như thế ít ai có được nhưng nếu đã rơi vào tay mình thì sẽ không bao giờ bán, đơn giản vì nó vô giá. Gia đình anh cũng đang sở hữu chiếc đồng hồ treo tường sản xuất trong khoảng thời gian những năm 1870-90 nên dù có chuyển nhà bao lần thì nó vẫn được dành một vị trí trang trọng trong nhà. Một chiếc đồng hồ tủ có tuổi đời lên tới 200 năm với mặt men, máy rèn bằng tay cũng được đặt ở một vị trí đặc biệt trong phòng.
Chi tiết bằng đồng được chạm khắc hết sức tinh xảo.
Đặc biệt chiếc đồng để bàn hai cột bằng đá cẩm thạch hồng thuộc vào dạng hiếm được cả nhà anh hết sức yêu thích bởi đa phần những đồng hồ cổ của Pháp chỉ làm từ đá cẩm thạch trắng hoặc đen. Chiếc đồng hồ này được làm hoàn toàn thủ công từ đá tự nhiên, mặt men chưa bị rạn và hoàn toàn nguyên bản dù ra đời trong khoảng thời gian những năm 1890-1900.
Chính vì nó độc đáo như vậy và thuộc sở hữu của cả gia đình nên không định nổi giá. "Cái hay của thú chơi đồng hồ là nó không quá đắt tiền so với nhiều thú chơi khác. Tuy nhiên lại khó tìm, nhiều khi có tiền nhưng không gặp được mà mua. Có những chiếc đồng hồ vô tình mà gặp được nhưng có người săn lùng nhiều năm một chiếc đồng hồ yêu thích mà không thấy".
Anh Dũng kể nhiều khi bị đặt vào tình huống hết sức khó xử vì có người hết thuyết phục lại quay sang... "doạ nạt" chỉ vì muốn mua lại một chiếc đồng hồ anh đang sở hữu. Chính vì thế anh rất sợ khi phải nói quá nhiều về những chiếc đồng hồ đang nằm trong bộ sưu tập của gia đình bởi rất nhiều trong số đó chứa đựng những câu chuyện hết sức thú vị. Cách đây vài năm anh có nhờ một người bạn ở châu Âu săn hộ chiếc đồng hồ đeo tay hiệu PolJot được sản xuất với số lượng hạn chế nhân dịp thành lập liên minh châu Âu có in bản đồ của các quốc gia thành viên.
Chiếc đồng hồ để bàn được làm từ đá cẩm thạch màu hồng quý hiếm.
Người bạn ấy đã phải đi khắp châu Âu và cuối cùng đã thuyết phục được một nhà sưu tập đồng hồ ở cách thủ đô Vác-xa-va (Ba Lan) 300km bán lại chiếc đồng hồ PolJot đặc biệt đó. Tuy nhiên, sau đó, vì quá thích chiếc đồng hồ này mà người bạn của anh nhất định không chịu chuyển chiếc đồng hồ đó về Việt Nam làm anh phải năm lần bảy lượt thuyết phục mới xong.
Mặt đồng hồ cổ được thiết kế hết sức tinh tế.
Tuy nhiên câu chuyện về săn lùng chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng hiệu OMEGA sản xuất đầu những năm 1960 nay thuộc sở hữu của bố anh Dũng mới thực sự là ly kỳ. Cách đây chừng 20 năm, bố anh đã phải lặn lội vào Sài Gòn để tìm mua một chiếc đồng hồ đeo tay cổ ưng ý.
Chiếc đồng hồ vàng này là kỷ vật người chồng để lại nên dù có trả giá cao và thuyết phục thế nào người vợ thế nào bà cũng nhất định không bán. Tuy nhiên, sau đó vì gia đình quá khó khăn nên bà đã quyết định đổi chiếc đồng hồ đó cho bố anh Dũng lấy 1000 đô la kèm 1,2 cây vàng. Đây là số tiền cực lớn vì vào thời điểm đầu năm 1990, 1000 đô la là số tiền rất lớn và chỉ với khoảng 10 cây vàng là người ta có thể mua được một căn nhà khá đẹp.
Đồng hồ cổ có sức mê hoặc riêng khó cưỡng.
Ông âm thầm mua chiếc đồng hồ và vô tình bị giới sành đồng hồ "phát hiện" khi đeo nó tham dự một đám cưới. Nhiều người giàu khi đó đã đến thuyết phục ông bằng được để mua lại chiếc đồng hồ nhưng không được. Tuy nhiên, cũng có không ít người chỉ xin đến gặp ông để... ngắm chiếc đồng hồ quý.
Và dù sau này có trong tay rất nhiều chiếc đồng hồ đẹp nhưng chỉ vào những dịp đặc biệt ông mới mang ra đeo. Đó vẫn là chiếc đồng hồ ông quý nhất. Câu chuyện về những chiếc đồng hồ có lẽ sẽ không bao giờ có hồi kết chừng nào người ta vẫn còn cần đến đồng hồ để xem giờ và lưu lại những ký ức của thời gian.
Những chiếc đồng hồ còn nguyên bản không phải dễ kiếm.
-
Hạnh Phương
Ảnh: Nguyễn Hoàng