Ngày 17/10, lũ thượng nguồn đổ về kèm theo mưa lớn đã khiến một số tuyến đường ở TP Hội An và một số xã ở huyện Đại Lộc (cùng tỉnh Quảng Nam) ngập trong nước. Người dân nơi đây đã cảm nhận được mùa “chạy lũ” đã về.

Đợt lũ này đầu mùa nên nước không lớn và rút nhanh. Rạng sáng 17 nước lên, trong tối đó nước bắt đầu hạ, sáng ngày hôm sau nước rút hẳn. Người dân kịp thời kê cao tài sản để không ảnh hưởng đến kinh tế.

{keywords}
Quốc lộ 1A ngập sâu

Hình ảnh để lại cho người viết nhiều cảm xúc lẫn lộn nhất là đợt lũ cách đây 3 ngày (23/10). Lẫn lộn vì đây là lần đầu tiên được tác nghiệp trong lũ, tò mò khi đây là lần đầu tiên được lội lụt sau 27 năm, phần nữa khi được chứng kiến những tình huống khóc, cười lẫn lộn.

Sáng 23/10, trời mưa như trút đổ xuống Quảng Nam, tôi lội thẳng vào một ngôi nhà trong thôn Đàn Long (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh), mực nước ở đây tầm hơn 1m.

Người đàn ông tên Cao Văn Ánh (58 tuổi) đang loay hoay di chuyển đồ đạc của mình lên giàn giáo dựng sẵn để nước không ngập đến. Ông Ánh thở dài: “Mấy năm gần đây, lần nào cũng vậy, mưa lớn mấy ngày là từng ấy ngày lo “chạy lụt””...

{keywords}
Nước lũ dâng cao tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh

Mưa lớn, nước ngập, đến 11h trưa cùng ngày, người dân nhận được tin “sét đánh” khi hồ Phú Ninh sẽ bắt đầu xả lũ từ 16h ngày hôm đó với lưu lượng từ 400 - 1.000 m/giây.

Lưu lượng xả lũ như vậy, cộng với việc trời mưa ngày càng lớn, khả năng cao một số nơi ở TP Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, huyện Núi Thành sẽ bơi trong “biển nước”. Người dân hối hả dọn đồ đạc cho kịp trước khi nước tràn vào nhà.

Sau một đêm mưa trắng trời tại TP Tam Kỳ. Sáng 24/10, vừa lái xe ra đến đường lớn, tôi như kẹt cứng khi xung quanh toàn nước và nước - TP Tam Kỳ ngập.

Tôi tìm mọi cách để vượt ra những nơi ngập đến nửa mét giữa những con đường của TP. Tôi chọn cho mình một vị trí để tác nghiệp trong ngày thứ 2 của đợt lũ này, đó là khối phố Mỹ Thạch Trung (phường Tân Thanh, TP Tam Kỳ).

Ở đây, trên con phố trải nhựa, không còn xe cộ đông đúc mà chuyển thành những chiếc xuồng, ghe của người dân di chuyển trong nước lớn. Mực nước ở đây sâu gần 2m, nhiều gia đình cửa đóng then cài với mực nước ngập hơn nửa nhà.

16h15, tôi may mắn xin được một ghe của người dân di chuyển vào khối phố Phương Hòa Tây (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ). Dọc theo con đường bê tông vào các ngõ, mực nước sâu gần 2m, nhiều ngôi nhà xây cao hơn mặt đường nhưng vẫn chung tình cảnh ngập nước. Hầu như nhà nào cũng phải khóa cửa ngõ để tránh tình trạng trôi tài sản ra sông.

Chở tôi trên chiếc ghe ọp ẹp, ông Phan Bình (54 tuổi), ở khu phố Phương Hòa Tây nghẹn giọng: “Nước vô nhanh quá, lại nửa đêm nữa, may nhà tôi chuyển kịp, tội cho một số nhà chưa chuyển được gì thì nước đã đến lưng khi đang ngủ...”.

Chuyện khóc - cười ngày nước dâng

Nước lũ mới “đánh chiếm” nhanh khiến không ít số gia đình chung cảnh đứng nhìn tài sản ngập trong nước. Đến chiều ngày 25/10, tôi vẫn còn ngơ ngác khi một số nơi nước còn ngập sâu mặc dù trời đã tạnh mưa từ sáng. Bốc nắm lúa bị ngâm trong nước ngập, ông Nguyễn Văn Quang (60 tuổi, ở thôn Đàn Long) thều thào: “Một số bao lúa đã đưa lên cao nhưng 13 bao lúa, hơn 4 tạ coi như mất trắng. Cả năm có làm được bao nhiêu đâu, giờ lũ về nửa đêm thì không ai xoay cho kịp”.

{keywords}
Người dân thất thần vì hàng tạ thóc ngâm trong nước

Người đàn ông 60 tuổi tiến đến cầm chiếc trang cào lúa vào những vũng nước đọng trong nhà ra cửa như muốn tống hết mọi khổ nhọc, buồn bã ra khỏi bản thân. Ông Quang tiếp lời: “Ước gì nước lũ lên chậm một tí thì...”.

May mắn hơn ông Quang, bà Huỳnh Liễu (75 tuổi sống tại khối phố Mỹ Thạch Trung) chỉ ướt hơn 1 tạ lúa và di chuyển được ra đường lớn để phơi.

Vừa lau giọt mồ hôi trên mặt, bà Liễu thở dài: “Hiện nước vẫn còn ngập trong nhà hơn 1m, gia đình tôi bị ướt hơn 1 tạ lúa, phải mang đến đường Trưng Nữ Vương để phơi”.

Cô dâu Trần Thị Thùy Dung (24 tuổi, khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh) vừa làm cô dâu vừa chạy lụt trong đêm chia sẻ, mưa lớn gây ngập lụt, gia đình chị phải chạy lụt ra khách sạn rạng sáng 24/10 để kịp vào tiệc.

{keywords}
Chị Trần Thị Thùy Dung (24 tuổi, khối phố Mỹ Thạch Đông) vừa làm cô dâu vừa chạy lụt trong đêm chia sẻ, mưa lớn gây ngập lụt, gia đình chị phải chạy lụt ra khách sạn rạng sáng 24/10

“Đây có lẽ là kỷ niệm nhớ đời nhất của mình, ngày vui nhất đời mình cũng là ngày mình phải lội lụt lúc nửa đêm”, chị Dung cười nói.

Đau buồn hơn, khi những cơn mưa đã ngừng trút nước, người dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi chứng kiến cảnh tượng tang thương chưa từng có: 6 thi thể mất tích trong mưa lũ được tìm thấy trong ngày 26/10. Trong 6 thi thể được tìm thấy Quảng Nam có 3 người và Quảng Ngãi có 3 người. Họ đều là nạn nhân của mưa lũ cuốn trôi...

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Người dân tại vùng trũng tại thôn Đàn Long, xã Tam Đàn sơ tán đến các nhà cao dọc đường lớn của xã

Nước lũ chưa kịp rút thì đài tiếp tục dự báo ngày 27/10, do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Vùng đất trũng Quảng Nam, Quảng Ngãi...sẽ lại đối mặt với mưa trắng trời kèm lụt lột. Hình ảnh đăng tải trên báo, bạn đọc chỉ biết cảm thán "Thương quá miền Trung ơi!" "Mong cho mưa ngừng rơi để người miền Trung bớt khổ...".

Người dân Quảng Nam thẫn thờ vì hàng tạ thóc ngâm trong nước lũ

Người dân Quảng Nam thẫn thờ vì hàng tạ thóc ngâm trong nước lũ

16h chiều nay (25/10), thời tiết đã hửng nắng nhưng nhiều nơi ở Quảng Nam vẫn chìm trong biển nước. Một số hộ dân ở thôn Đàn Long (huyện Phú Ninh) thẫn thờ vì bao nhiêu lúa mới thu hoạch đã bị lũ nhấn chìm.

Cô dâu Quảng Nam nhớ lại cảnh chạy lụt ngày cưới

Cô dâu Quảng Nam nhớ lại cảnh chạy lụt ngày cưới

“Kỷ niệm thật sự đáng nhớ của mình là nửa đêm bật dậy chuẩn bị cho đám cưới trong lũ”, chị Dung vui vẻ nói.

Công Sáng