- Đa số người dân miền Bắc đều kiêng thịt chó đầu năm, đầu tháng vì sợ vận đen. Các cửa hàng cầy tơ vì thế cũng thường đóng cửa đến qua tháng Giêng. Thế nhưng, có một làng ở Hà Nội lại có tục ăn thịt chó.


Nết ăn truyền thống

Như đã thành lệ, ngày mồng 4 Tết âm lịch, dân làng Yên Trường, xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội lại cùng nhau đi tảo mộ, rồi mua thịt chó về làm cỗ. Người trong làng kể lại, ngày hôm ấy, cả làng như có hội, cả làng cùng ăn, chỗ nào cũng ăn thịt chó, nhà nào cũng có thịt chó.

Khi được hỏi về nguồn gốc của nết ăn đặc biệt này, người dân trong làng chỉ cười, cho rằng từ khi sinh ra đã như thế và cứ duy trì đến ngày nay. Có nhiều cụ ông, cụ bà ở cái tuổi 80 – 90 cũng chỉ có thể trả lời rằng: Từ thời ông, đời cha đã như thế, đến đời họ tiếp tục duy trì, và con cháu thì tiếp nối, không ai có thể lý giải được.

Ở nhiều địa phương khác, người dân kiêng ăn thịt chó đầu năm, vì cho rằng ăn thịt chó là đen đủi, dễ gặp điềm xấu. Nhưng, người dân Yên Trường thì không quan trọng điều đó. Ai nấy đều vui vẻ khi nói về cái “nết ăn” thú vị của địa phương mình.

Bà Huệ, 86 tuổi, người làng Yên Trường cho hay: “Chúng tôi năm nào cũng ăn, chả biết may hay không may cả. Những người đi lễ đi bái thì họ mới kiêng vì ăn thịt chó thì ô uế”. Bà kể, họ hàng nhà bà ngày mồng 4 Tết vừa rồi cũng vừa làm 25 mâm cơm, hết 70 kg cân chó móc hàm.

Bà nói: Năm nào cũng đến mồng 4 Tết, thịt lợn, thịt gà chán rồi thì mua thịt chó về ăn. Thịt chó dễ ăn, lạ miệng. Khi được hỏi các cụ già đã già, răng chẳng còn chắc thì ăn làm sao được thịt chó, bà cười: “Ai ăn được thì ăn, mà không ăn được thì ăn nước”.

Các biển hiệu bán thịt chó tận dụng mọi địa điểm trong làng để quảng cáo

Bà cũng mách thêm: Con cháu trong nhà thường mua loại chó dưới 20 kg, là chó tơ, để người già, trẻ nhỏ dễ ăn.

Bác Kiên, người trong làng, ngoài 50 tuổi, chia sẻ: “Nhà bác có con gái đi lấy chồng xa hay là có con trai ở khác làng thì hôm mồng 4 cũng là về tất, con cháu đi tảo mộ rồi về ăn cơm, bữa cơm chủ yếu là thịt chó”.

Bác nói: Thịt chó đầu năm dễ ăn, lại rẻ, làm được nhiều món. Bác so sánh thịt chó giá cao gấp đôi, gấp ba giá thịt lợn, nhưng không vì thế mà người trong làng không ăn thịt chó. “Giá đắt mấy cũng vẫn ăn”, bác khẳng định.

Một ngày bán cả 5 tạ thịt chó

Theo tìm hiểu, trong ngày đầu xuân, mỗi họ ở làng Yên Trường đều ăn cả mấy chục kg thịt chó móc, họ nhỏ thì ăn khoảng 30 kg, họ to thì khoảng 60 -70 kg. Thông thường, người dân sẽ đặt trước số kg chó từ các cửa hàng bán thịt chó hoặc các tiểu thương chuyên kinh doanh chó thịt. Sau đó, đến ngày mồng 4, họ đến lấy thịt rồi trả tiền theo giá thị trường.

Cô Đỗ Thị Trâm, người làng Yên Trường, có thâm niên buôn bán chó thịt được cả chục năm chia sẻ: “Năm nào cũng như năm nào, nhà cô bán được khoảng 4 – 5 tạ chó”.

Cô Trâm bên lồng chó vừa được bắt về, chuẩn bị thịt.

Để có được lượng thịt chó lớn như vậy cung cấp cho dân trong làng, cô đã phải tích trữ chó từ các ngày trước tết, đỉnh điểm là vào các ngày cuối năm 27, 28, 29 Tết. Số chó được bắt về là của những nhà dân quanh làng hoặc của các xã lân cận.

Điều vô cùng đặc biệt là ở đây, “Cuối năm người ta không ăn chó mấy, ăn ít thôi, thì nhà mình phải để lại, mồng 4 tết mới bán”, cô nói.

Vào những ngày này, gia đình cô phải dậy rừ 1 giờ sáng, huy động thêm 3 – 4 người làm thịt chó. Trong ngày mồng 4 Tết, chỉ riêng nhà cô cũng làm thịt khoảng 30 con chó to, nhỏ. “Mồng 5, mồng 6, nhà ai liên hoan hội hè, người ta lại bắt 1 – 2 con, ngày nào cũng bán được 4 – 5 con”, cô cho biết thêm.

Vào ngày ăn thịt chó, giá chó cũng tăng cao hơn. Ngày bình thường, giá 1 kg chó móc dao động từ 110 – 120 nghìn đồng, ngày tết là 150 nghìn đồng. Cô Trâm cho hay: Nhà giàu hay nhà nghèo thì ngày mồng 4 cũng phải ăn thịt chó, không phân biệt giàu nghèo trong ngày này.

Chủ quán thịt cho tên Hoàng cho biết: “Quán thịt chó nhà tôi mở cửa từ hôm mùng 4 Tết, trong ngày hôm đó, chó thịt đến đâu, bán "cháy" hàng đến đó. Tuy nhiên, chúng tôi không bán thịt chó chín mà chỉ bán thịt chó sống. Khách mua hàng chủ yếu là người dân trong làng. Đặc biệt, nếu các chi họ ăn uống thịt chó họ đặt đến cả tạ chó. Ngày mùng 4 Tết cơ sở tôi bán gần tấn thịt chó”.

“Theo tục lệ của người dân địa phương, đầu năm là họ lại liên hoan thịt chó. Biết được điều này, cơ sở tôi đi gom chó nguyên liệu từ trong năm, mùng 3 Tết là đã chuẩn bị thịt chó để bán cho người dân trong làng. Cứ ngày đầu xuân là thịt chó đắt như tôm tươi. Ngày bán cả vài tạ chó. Tôi còn phải mướn thêm người làm để có đủ thịt chó phục vụ người dân trong làng" - anh Đông, chủ cửa hàng thịt chó ở đây cho biết.

“Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng bán chạy thịt chó, chỉ có những ngày đầu xuân là người dân trong làng mới tụ tập nhau ăn thịt chó. Bình thường ngày mùng 1, hôm rằm hàng tháng, dân làng vẫn kiêng kị không ai ăn thịt chó. Nhưng đầu năm thì lại khác”' - anh Đông cho biết thêm.

Khổng Chiêm