- Vẫn sống mạnh khoẻ mặc dù đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng 21 năm qua ông Nguyễn Lựu (80 tuổi) vẫn tổ chức đám giỗ cho chính mình...

Ngày mùng 4 tháng giêng năm 2012 sẽ là lần giỗ thứ 22 của ông. Chuyện đám giỗ người sống được xem là chuyện xưa nay hiếm ở vùng quê khó nghèo Quảng Nam khiến nhiều người ngạc nhiên!

Từ cõi chết trở về...

Đã 21 năm trôi qua, như thường lệ đến ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch, ông Nguyễn Lựu (80 tuổi) trú tại khối phố 4 thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam lại cùng con cháu và bà con tộc họ tập trung làm đám giỗ cho mình tại nhà.

Ông Nguyễn Lựu và bài thơ sáng tác cho riêng mình cách đây 21 năm kể từ ngày ông chết đi sống lại (Ảnh: VT)


“Lúc đầu nhận lời đi ăn đám giỗ sống ông Lựu, tui không tin, vì ổng còn sống sao lại làm giỗ. Khi đi dự, nghe kể chuyện nguồn cơn của đám giỗ sống này tui mới hiểu hết quan niệm sống chết của ông...”  - khối trưởng khối phố 4 Phan Lâm Thuỷ kể.

Đều đặn 21 năm qua, đám giỗ sống của ông Lựu là đám giỗ lớn và... vui nhất tại khối 4 thị trấn Núi Thành.

Hỏi chuyện vì sao lại làm đám giỗ sống cho mình, không chút suy nghĩ, ông Lựu bắt đầu kể lại câu chuyện sống chết mà ông bảo đó là lẽ tử sinh mà mình đã trải qua: “Vào khoảng 12 giờ đêm mồng 3 tết năm Canh Ngọ (1990) sau khi cúng cho ông bà tổ tiên xong tui lên giường nằm ngủ.

Bỗng dưng thấy trong người nóng ran, đầu quay cuồng. Tui ngồi bật dậy và tông cửa chạy một mạch ra sau vườn nhà và ngã quỵ xuống đất lúc đó tôi không biết gì nữa...”.

Ông Lựu kể tiếp: "Lúc đó hai đứa con trai và vợ tui phát hiện nên chạy theo. Thấy tui nằm bất động sau vườn nên khiêng tui vô nhà, lúc đó mấy đứa con thấy tui tắt thở rồi. Cả nhà khóc than và chuẩn bị làm đám ma cho tui....

Nhưng hơn 1 giờ đồng hồ sau mấy đứa con phát hiện người tui ấm, mạch đập trở lại và tay chân cũng cử động rồi thở đều. Thế là tui sống, nhưng trong đầu lúc đó chỉ nhớ như in lúc mình sắp tắt thở có một giọng nói vô hình nào đó văng vẳng trong đầu bảo rằng: “Vào ngày mùng 4 hàng năm, phải tự làm đám giỗ cho mình...”.

Sáng hôm sau khoẻ trở lại, nhớ lời dặn, ông bảo vợ con lập bàn thờ cho mình và kể lại câu chuyện chết hôm qua và lời dặn dò. Lúc đầu mấy đứa con lo sợ, nhưng vì nghe lời ông bảo nên phải làm theo.

Cô con gái út Nguyễn Thị Lan kể, nhà có 9 anh em nhưng nay chỉ còn sống 7 người và ai cũng đã lập gia đình. Chuyện lập bàn thờ và đám giỗ sống cha lúc đầu anh em ai cũng ái ngại. Nhưng chuyện này không ảnh hưởng đến ai và nếu làm trái lời sợ cha buồn nên anh em trong nhà đều nghe theo và thực hiện.

Tự làm đám giỗ cho mình

Mặc dù tuổi tác già nua, nhưng ông Lưu vẫn còn nhớ như in chuyện mình chết đi sống lại và kể: Sáng mồng 4 tết, sau khi chết đi sống lại, tui thấy người bình thường và nhớ lời dặn trong tiềm thức nên quyết định lập một bàn thờ để thờ chính mình và tâm niệm là coi như mình đã chết về phần hồn, bây giờ chỉ còn phần xác gửi lại trần thế.
 

Hàng ngày ông Lựu chăm vườn thuốc nam trước nhà và hái lá chữa bệnh cứu người (Ảnh: VT)


Vì quan niệm như vậy, nên với ông chuyện chết sống bây giờ không còn ý nghĩa mà như lời ông bảo là phải làm hết mình để giúp bà con hàng xóm.

Đến bây giờ đã 21 năm trôi qua, hằng năm cứ vào 7h sáng mồng 4 tháng Giêng âm lịch, con cháu, người thân khắp nơi và cả những người hàng xóm đều tề tựu dự đám giỗ của ông.

“Lúc đầu bà con họ tộc thấy tui tự lập bàn thờ mình và làm đám giỗ, ai cũng phản đối. Nhưng tui bảo đó là tâm nguyện và thực hiện theo lời dặn khi chết. Nên riết rồi mọi người cũng cho là chuyện bình thường...” - ông Lựu cười khà kể lại.

Vào ngày mồng 4 tháng Giêng hàng năm, ông bảo vợ con mua đồ làm đám giỗ và tự khấn vái cho mình. Ông bảo rằng đám giỗ đông vui, làm những 6 mâm mời đủ bà con họ tộc và hàng xóm.

“Ngay đến bây giờ, cứ đến mùng 4 tết hàng năm, mấy đứa con đi mời người quen dự đám giỗ tui, có người biết chuyện, có người chưa biết nên họ bảo mới thấy tui đi chơi tết sao chừ lại làm đám giỗ...?” - ông Lựu cười kể lại.

Ông Nguyễn Lâm, người quen cùng khu phố kể: “Không ai sống vô tư như ông Lựu, sống được như ổng cũng đáng sống. Anh em bà con tui ở khu phố này nhà ai có việc hiếu hỉ là ổng xắn tay áo lăn vào lo liệu...”.

Chữa bệnh cứu người

Chuyện chữa bệnh cứu người theo lời ông kể không phải như người ta đồn thổi là sau cái bận chết đi sống lại ông mới làm thuốc cứu, mà do người cha truyền lại.

“Nói thiệt, tui làm thuốc cứu người không phải để mưu sinh mà là làm theo lời dặn của cha tui. Hồi nhỏ được cha truyền lại nghề chích lễ ban, chữa cảm bằng thuốc nam. Sau này tui đi lính chế độ cũ đóng quân tại Phú Bài (Huế) tui học được thêm nghề thuốc nam của một người Miên....” - ông Lưu kể quá trình làm thuốc chữa bệnh của mình.

Ông Lựu đang giã lá thuốc nam chữa bệnh khóc đêm cho trẻ con (Ảnh: VT)


Sau giải phóng, ông về lại quê và làm nghề thợ hồ, rồi lập gia đình, sinh được 9 người con.

Ông bảo vừa làm thợ hồ nhưng ông vẫn làm thuốc nam để cứu người. Hồi đó bà con trong vùng đau ốm ông thường đến hái lá chữa bệnh giúp.

Nhiều bệnh thông thường như cảm, ho, mụn nhọt, gai cột sống... chỉ cần ông hái lá đắp xoa và cho uống là hết ngay. Trong đó bệnh trẻ con khóc đêm mà như lời ông bảo là chữa rất nhanh khỏi cũng bằng lá hái ngoài vườn.

Sau cái bận ông chết đi sống lại, con cháu trong nhà không cho ông làm thợ hồ nữa mà ở nhà. Kể từ đó ông chuyên tâm vào chữa bệnh cứu người và sống cuộc sống thanh bạch, nhẹ nhàng.

Nhiều đôi vợ chồng trẻ có con khóc đêm đã chạy hết thầy, hết thuốc tây y vẫn không xong nên bồng đến ông. Chỉ cần ông ra vườn hái 9 loại lá cây giã nhỏ xoa lên người là đứa trẻ hết khóc đêm.

Vợ chồng chị Huỳnh Thị Minh Phương nhà ở Núi Thành sinh đứa con đầu lòng là cháu Trần Hoàng Duy Nhất vào ngày 24-4-2010. Cháu thường xuyên khóc đêm, hai vợ chồng đưa con hết bệnh viện này đến bệnh viện khác trong tỉnh chạy chữa vẫn không xong. Cuối cùng bồng cháu đến nhờ ông chữa.

Hai vợ chồng ông Lựu vui vẻ sống tuổi già bên nhau (Ảnh: VT)


“Kỳ lạ là chỉ sau một lần được ông Lựu hái lá ngoài vườn giã nhỏ xoa lên người, cháu không còn khóc đêm nữa...” - chị Phương kể.

Kể chuyện chữa chứng bệnh khóc đêm của trẻ con, ông bảo đến nay sau hơn 21 năm, ông đã chữa cho hơn 400 cháu ở trong khu vực. Nhiều người quen sống ở Tây Nguyên, Sài Gòn điện về, ông hái lá phơi khô chuyển vào rồi chỉ cách chữa bệnh khóc đêm cho trẻ.

Mang tiếng là thầy chữa bệnh, nhưng ông không hề lấy tiền công. Ai giàu có khá giả sau khi chữa bệnh thành công cho gì ông nhận. Còn bà con hàng xóm thì ông sẵn lòng giúp không công bất kỳ lúc nào.

Khối phố trưởng khối 4 thị trấn Núi Thành Phan Thanh Thuỷ bảo, cả khu phố nói riêng và thị trấn Núi Thành nói chung khi nhắc đến tên ông Út Lựu (tên gọi của bà con) đều thành kính không phải tuổi tác mà là nhân cách sống.

Bây giờ ông vẫn sống khoẻ, sống vui và chữa bệnh cứu người. Đám giỗ sống của ông hàng năm đông người đến dự và nhiều người ta bảo đây là đám giỗ sống 'có một không hai'.

Vũ Trung