- Như một món quà đón Giáng Sinh và năm mới, Tòa án Lương bổng độc lập Australia vừa đưa ra một loạt đề xuất tăng lương cho phần lớn các chính trị gia và quan chức chính quyền.


Hôm 15/12, Thủ tướng Julia Gillard được đề nghị tăng 31% lương, đạt mức 481.000 AUD/năm (tương đương 476.000 USD/ năm). Như vậy, mỗi tháng bà Gillarrd có thể có thêm 2.000 USD. Mức lương này còn cao hơn lương của Tổng thống Mỹ Barack Obama (khoảng 395.188 USD/năm).

Các bộ trưởng nội các Australia được đề xuất tăng lương từ 224.300 AUD lên 319.125 AUD/năm. Lương Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngân khố Wayne Swan tăng từ 287.000 AUD lên 370.000 AUD/năm. Thủ lĩnh phe đối lập Tony Abbott cũng có thể được tăng lương từ 260.684 AUD lên 342.250 AUD/năm. Cùng lúc, các nghị sỹ Liên bang sẽ được tăng tiền thù lao, với lương cơ bản của đa số nghị sỹ tăng từ mức thấp nhất 140.910 AUD lên 185.000 AUD/ năm.

Cầu cảng Sydney - một biểu tượng của Australia phát triển. Ảnh: WIP

Hút người giỏi

Trong lúc chờ Quốc hội Australia phê chuẩn để đề xuất trên chính thức có hiệu lực, ông Gary Gray - Quốc vụ khanh đặc biệt - cho rằng người Australia có thể giận dữ khi các chính trị gia được tăng lương vào thời điểm nền kinh tế bấp bênh. Việc tăng lương cho chính trị gia sẽ ngốn thêm khoảng 20 triệu AUD tiền thuế của người dân mỗi năm.

Lãnh đạo Đảng Xanh Bob Brown cho rằng nghị sỹ không nên ăn lương cao khi chính phủ đang cắt giảm việc làm. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài nguyên Martin Ferguson tuyên bố ông không cần tăng lương bởi lương hiện nay của ông đã "rất ổn".

Tuy nhiên, những người ủng hộ đưa ra một số lý do thuyết phục để tăng lương cho chính trị gia.

Thứ nhất, các chính trị gia phải làm việc rất nhọc nhằn. Họ phục vụ lợi ích quốc gia, thực hiện công việc với tính chuyên nghiệp cao độ. Phần lớn các chính trị gia phải làm việc nhiều giờ, di chuyển liên tục, xa gia đình. Trách nhiệm của giới lãnh đạo càng nặng nề, họ phải biết mọi chuyện, trả lời mọi chuyện thuộc trách nhiệm chính quyền.

Thứ hai, khác với một số nước, các chính trị gia Australia, đồng thời là các nghị sỹ, rất dễ mất ghế nếu không có được sự ủng hộ của đa số thành viên Quốc hội. Cứ ba năm một lần, các dân biểu phải tái tranh cử.

Thứ ba, so với nhiều người trong giới kinh doanh, thể thao và giải trí, lương của chính trị gia, nhất là Thủ tướng, vẫn chưa thấm tháp gì. Thực tế, hầu hết CEO của các Tập đoàn lớn ở Australia đều có mức lương lên tới trên 1 triệu USD/năm. Lương của cầu thủ bóng đá cũng xấp xỉ 1 triệu USD/năm. Trong cơ quan chính phủ, lương chuyên gia và chuyên viên còn cao hơn lương lãnh đạo.

Quan trọng hơn, tăng lương được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để thu hút những người thành đạt, giỏi giang từ nhiều ngành nghề bước vào chính trường. Bởi hiện nay tại Australia, lương ở khu vực tư nhân nhìn chung vẫn còn cao hơn lương ở khu vực Nhà nước.

Hưu 10 năm vẫn xài thẻ ưu đãi

Tất nhiên, theo một xã luận của tờ The Australian, đề xuất tăng lương chính trị gia của Tòa án Lương bổng độc lập phải đi kèm điều khoản giới hạn ưu đãi cũng như giám sát chặt chẽ hơn việc chi tiêu của họ. Giống như nhiều nơi khác trên thế giới, ngoài lương, các nghị sỹ Australia còn lãnh nhiều khoản trợ cấp, như trợ cấp điều hành văn phòng dân biểu ở khu vực họ đại diện, tiền ăn ở khi đi họp. Ngoài ra, họ còn được cấp xe, điện thoại miễn phí.

Thực tế, Tòa án Lương bổng độc lập cũng đã đề xuất việc bỏ một số ưu đãi cho chính trị gia, như quyền bay vé hạng nhất trong các chuyến đi nghiên cứu, học hỏi ở nước ngoài. Hệ thống "thẻ vàng" gây tranh cãi, trong đó cấp thẻ cho các nghị sỹ về hưu đi phương tiện giao thông công cộng miễn phí, cũng sẽ bị bãi bỏ. Với những nghị sỹ về hưu đã cầm "thẻ vàng", mỗi năm họ chỉ còn được đi 10 chuyến máy bay hạng doanh nhân, thay vì 25 chuyến như trước.

Chính phủ Australia thừa nhận chế độ lương hiện nay là thiếu minh bạch và khó kiểm soát. Tháng trước, người ta phát hiện một bộ trưởng dưới thời Thủ tướng Menzies (nhiệm kỳ 1939 - 1941) đã có hóa đơn thanh toán tiền vé máy bay lên tới 16.000 USD trong vòng nửa năm. Được biết, ông Bộ trưởng này rút lui khỏi chính trường từ 36 năm trước. Nhiều cựu chính trị gia Australia còn lạm dụng "thẻ vàng" để lấy vé máy cho bản thân và gia đình đi du hí, nghỉ lễ, hưởng nhiều dịch vụ xa xỉ.

Theo tờ The Australian, hơn 70% chính trị gia dù về hưu từ…10 năm trước nhưng nay vẫn dùng "thẻ vàng" để đặt vé máy bay miễn phí. Ngân sách phải trả cho chuyện này lên tới 1,5 triệu USD/năm. Một số cử tri chỉ trích ranh giới "nhập nhằng" giữa chi tiêu công và tư có thể khiến công việc chính trị của các nghị sỹ trở nên tai tiếng. Bởi vậy, công chúng đòi hỏi một sự giám sát nghiêm ngặt hơn đối với mọi chi tiêu của chính trị gia.

Dù chuyện cải cách lương bổng còn nhiều tranh cãi, không ít cử tri Australia vẫn hy vọng các biện pháp nêu trên có thể cải thiện chất lượng các nghị sỹ - người đại điện của họ, đồng thời ngăn chặn sự tiêu pha ngân sách một cách phung phí.

V.Linh