- Sau 27 năm được công nhận là “liệt sĩ” - Trung đội trưởng Lê Khắc Hơng bỗng trở về nơi nhập ngũ với mái tóc bạc trắng và bao vết thương.

Người mà chúng tôi nhắc đến là ông Lê Khắc Hơng (61 tuổi), nguyên quán xã Dân Tiến (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên), hiện đang sinh sống tại TP. Cần Thơ.

Ông Hơng nhập ngũ tháng 7/1968 và đến năm 1975 bị thương nặng phải nhập viện và mất tích một thời gian dài.

Ông Lê Khắc Hơng (61 tuổi), người từng được phong là liệt sĩ, đã trở về sau 27 năm mất tích.

Ngày 29/4/1975, người thân của ông nơi quê nhà nhận được giấy báo tử và được cấp bằng Tổ quốc ghi công số AM 550 BM.

Đến năm 2002, đồng đội và người thân đã tìm ra ông khi đang sinh sống tại phường An Lạc, Q.Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) với một người phụ nữ đã cưu mang ông trong những năm tháng lang thang ở góc đường xó chợ và hầu như mất hết hoàn toàn trí nhớ.

‘Liệt sĩ’ ngày trở về

Sáng ngày 26/7, chúng tôi đến gặp ông Lê Khắc Hơng. Trong căn nhà tuyềnh toàng, ông Hơng cùng vợ và con với khuôn mặt đượm buồn kể lại những năm tháng khắc nghiệt, cay đắng mà bấy lâu nay từng chịu đựng.

Bây giờ trí nhớ của ông Hơng bắt đầu bình phục.

Ông kể... Tháng 7/1968, ông lên đường tòng quân, rồi từng giữ chức vụ Trung đội trưởng, Tiểu đoàn 263 - QK8 (nay là QK9). Khi cùng đồng đội tấn công ở đồn Lương Quới, huyện Giồng Trôm, (Bến Tre) đêm 29 rạng 30/4/1975 thì ông bị trọng thương.
 

Bà Lâm Thị Hiền cầm trên tay tờ giấy mới đăng ký kết hôn với ông Hơng năm 2011, sau 20 năm chung sống với nhau.

 
Ông Hơng hồi nhớ lại: “Trận đánh ở đồn Lương Quới là trận đánh bằng mìn cuối cùng trước ngày giải phóng. Khi cả đại đội tấn công, thì những miếng vỡ của bom mìn khiến tôi bị thương ở chân, trên đầu và bây giờ vẫn còn một miếng đạn trong lồng ngực.

Từ ngày bị thương đến nay không có ngày nào là vết thương không hành hạ tôi, nhất là khi trở trời”.

Sau trận đánh đêm lịch sử đó, ông Hơng đã được chuyển đến Bệnh viện Quân Y tỉnh Bến Tre, sau đó chuyển đến Quân Y 120 (Tiền Giang) và cuối cùng là vào điều trị Bệnh viện 121 (Cần Thơ).

Ông Hơng cố gắng ngồi kể lại ngày đầu tiên trở về được đoàn viên bên gia đình. Chốc chốc, ông lại trở mình đứng dậy vì vết thương trên đầu, cánh tay bại liệt và mảnh đạn trong lồng ngực hành hạ.
 
Rất nhiều giấy tờ, đồng đội xác minh ông Lê Khắc Hơng bị thương trong chiến tranh, nhưng vẫn chưa có chế độ thỏa đáng.

Phấn khởi khi nhớ lại ngày đó, ông Hơng kể: “Hồi đó ở quê tôi có anh Nguyễn Minh Sức và anh Nguyễn Sỹ Ỳ là những người từng nằm viện điều trị ở bệnh viện 121 với tôi trước 30/4/1975. Trong một lần bị thương năm 1972, chính anh Sức là người tiếp máu giúp tôi thoát chết lần đầu tiên.

Khi người nhà vào Cần Thơ tìm gặp được tôi đã kể lại: Hồi đó có anh Sức và Ỳ đến nhà tôi ở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên để thăm lại đồng đội cũ. Cả hai người không ngờ thấy trên bàn thờ có treo bằng Tổ quốc ghi công là tên tôi… Rồi Ỳ nói với gia đình là tôi chưa mất vẫn còn sống, chỉ bị thương và nằm ở nhiều bệnh viện”.

Năm 2002, từ một thông tin đầy hy vọng, người nhà ông Hơng đã từ Thái Nguyên vào tận Cần Thơ để tìm cho bằng được người “liệt sỹ” Lê Khắc Hơng, được Nhà nước ghi công suốt 27 năm qua.

...Ngày trở về, ông Hơng không còn được nhìn thấy bố mẹ, anh chị đều đã khuất núi. Người thân đầu tiên mà ông gặp lại là chị dâu và anh rể.

Ông mang tấm bằng công nhận là liệt sỹ ghi tên mình đi trả lại cho UBND xã.

‘Tôi chỉ ước duy nhất một cuốn sổ khám bệnh’?

Sau 27 năm mất tích, ông Hơng dần dần nhớ lại thời điểm năm 1977, sau khi ra viện, rồi đi lang thang khắp nơi ở địa bàn Cần Thơ. Ông gặp được bà Lâm Thị Hiền (SN 1956), người bán bánh ở đầu chợ thương tình và đưa về nuôi.

Đang ngồi làm đầu lân, bà Hiền nghỉ tay lấy toàn bộ giấy tờ liên quan đến ông Hơng chỉ cho PV VietNamNet xem.

Bà Hiền kể: “Hồi đó ông nhà tui cứ đi lang thang, tui thương rồi đưa về nuôi, ông hiền lành, ít nói và suốt ngày ở trong nhà. Sống với nhau từ năm 1991 đến năm 2011, 20 năm sau chúng tôi mới làm giấy đăng ký kết hôn công nhận là vợ chồng” - bà Hiền cười nói.
 

Cả hai vợ chồng ông Hơng bà Hiền đi xin chế độ nhờ các cơ quan chức năng vẫn chưa được giải quyết.

Bà nói tiếp: “Những năm qua, vợ chồng tui đã đi gõ cửa rất nhiều cơ quan để xin chế độ cho ông Hơng nhưng mà vẫn không ai giải quyết. Từ ngày tham gia cách mạng đến nay mới chỉ được hưởng chế độ 5 triệu đồng, với 7 năm kháng chiến chống Mỹ (1968 - 1975).

Hàng đêm trở trời, ông đau quằn quại, lại mất trí nhớ, không có tiền mua thuốc. Tôi chỉ ước mỗi cuốn sổ bảo hiểm y tế cho ông vào bệnh viện chữa trị. Nhà không có tiền, cực lắm chú ơi…" - bà Hiền lau nước mắt vì thương chồng mà bất lực.

Lúc ra về, ông Hơng bảo: “Giờ tôi chỉ ước duy nhất một cuốn sổ để đi chữa bệnh, cái đầu tôi nó đau đôi lúc không còn nhớ gì hết. Tôi không đòi hỏi Nhà nước bù đắp tiền bạc, chiến tranh là nghĩa vụ của những người lính chúng tôi năm xưa. Bây giờ già rồi, tôi không muốn trở thành gánh nặng của gia đình”.
 
Ngày 20/6/2012, Đại tá - BS Đỗ Chí Linh, Thủ trưởng đơn vị Bệnh viện 121 (Cục hậu cần QK9) xác nhận: “Ngày nhập viện của ông Lê Khắc Hưng (SN 1951) là 20/11/1976 và ngày ra viện là 1/2/1977. Do quá trình nhập viện khai nhầm tên, thực chất ông là Lê Khắc Hơng mới đúng là sự thật”.

Cũng chính từ đó, mọi giấy tờ đều chứng minh là ông Hơng đã tham gia chiến tranh, bị bom đạn gây ra nhiều thương tích. Vậy mà, ông vẫn chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền công nhận là thương binh hay hưởng một chế độ chính sách nào ưu đãi cho người có công với cách mạng (?!)
Quốc Huy