Cách đây khoảng 1 tháng, nam bệnh nhân 17 tuổi, ở Văn Giang (Hưng Yên) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu trong tình trạng dập nát da ngón cái tay phải.

Tai nạn trên xảy ra khi bệnh nhân đang tham gia lao động. Chiếc cưa máy làm lột găng ngón cái tay phải, mất hết da, móng chỉ còn gân, tại chỗ ngón tay chảy nhiều máu. Phần da lột đã dập nát, không thể sử dụng được.

Bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, Phó trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, ngón cái chiếm chức năng chính của bàn tay. Nếu không có ngón cái, bàn tay không thể làm được gì. Đặc biệt, tổn thương này lại ở bàn tay thuận của bệnh nhân, khiến việc sinh hoạt về sau chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật tạo hình ngón cái tay phải, phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Để tạo hình ngón tay cái, kíp phẫu thuật quyết định lấy ngón chân cái của bàn chân phải, đưa lên làm ngón cái cho bàn tay phải.

Theo bác sĩ Hoàng, công đoạn ghép ngón này gồm nhiều kỹ thuật. Bệnh nhân đã được lấy móng, da, mô mềm, mạch máu thần kinh ở ngón chân, bọc vào ngón cái đã mất để có tính tương đồng.

Sau đó, kíp mổ tiến hành khâu nối mạch máu, dây thần kinh, gân cơ từ ngón chân cái của bàn chân phải với mạch máu ngón cái của bàn tay phải, giúp phục hồi sự sống của ngón tái tạo. Việc khâu nối mạch máu và thần kinh rất phức tạp, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.

{keywords}
Bàn tay của bệnh nhân sau phẫu thuật
{keywords}
Bệnh nhân đã phục hồi khả năng cầm nắm, gập duỗi, khép ngón cái bình thường

Sau nhiều giờ đồng hồ, ca mổ thành công. Đến nay, sức khỏe và ngón tay được nối của bệnh nhân phục hồi tốt, ngón tay chuyển hồng ấm, hồi lưu mao mạch rõ, vết mổ đã liền sẹo. Bệnh nhân cũng đã phục hồi khả năng cầm nắm, gập duỗi, khép ngón cái được bình thường và được cho xuất viện.

Thời gian gần đây, các bác sĩ Khoa phẫu thuật tạo hình đã gặp một số trường hợp tai nạn lao động mất ngón tay, chân tương tự.

Có 2 kỹ thuật tạo hình ngón thường được sử dụng cho các bệnh nhân này. Kỹ thuật cổ điển dùng vạt da bụng nuôi, ngón tay/chân của người bệnh sẽ không đẹp như bình thường, màu sắc không tương đồng. Việc phục hồi cảm giác của người bệnh kém và dễ bị bỏng. Phương pháp tiên tiến hơn là kĩ thuật dùng vạt da vi phẫu. Kỹ thuật này giúp người bệnh được tạo hình lại ngón như bình thường, đảm bảo các chức năng tốt.

Nguyễn Liên

Bác sĩ 115 kể chuyện hồi sinh những quả tim ngừng đập

Bác sĩ 115 kể chuyện hồi sinh những quả tim ngừng đập

"Ngoài kỹ thuật chuyên môn, điều quan trọng nhất với người bác sĩ thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn là hai chữ: “niềm tin”. Bác sĩ tự nhủ bệnh nhân chưa tử vong, tức là bệnh nhân còn hy vọng".