Giá trị của con không phải là ở bộ quần áo hay chiếc túi hàng hiệu. Giá trị của con nằm ở nhân cách, tài năng và chính con người con.

Nhà mình có 1 sự kiện lớn trong tháng tư này. Đó là việc Jenna đi học trường Quốc tế Genève ở Thụy Sỹ. Đây là trường Quốc tế danh giá và lâu đời nhất trên Thế giới, được thành lập từ năm 1924.

Để có được quyết định này mình đã tham khảo rất nhiều ý kiến của phụ huynh và đã đi tham quan 2 khu học xá được chính thầy hiệu trưởng đưa đi giới thiệu các cơ sở vật chất, lớp học, xem các hoạt động của học sinh và giáo viên. Học phí ở đây có lẽ đắt nhất trên Thế giới: 31.200 USD cho 1 năm học lớp một, chưa kể phí nhập học 7.000 USD.

Sau khi đi tham quan về mình thực sự bị chinh phục . Đây là một ngôi trường lý tưởng nhất mình từng biết. Học sinh ở đây được dạy theo phương pháp "tầng giáo dục" (mình tạm gọi thế). Tầng căn bản nhất là CON NGƯỜI, văn hóa, thiên nhiên và môi trường. Tầng tiếp theo là giáo dục học thuật, ngôn ngữ. Tầng cuối cùng là Nghệ thuật. Từ lớp 1 các học sinh đều được dạy và phát triển toàn diện cả 3 tầng giáo dục này. Nhà trường có 1 rạp hát để học sinh có thể biểu diễn những môn năng khiếu như đàn, hát, diễn kịch, nhảy, múa, diễn thuyết. Tất cả từ học sinh đến giáo viên trong trường đều nói và viết song ngữ Anh - Pháp nhuần nhuyễn như nhau, ngoài ra có các nhóm riêng tiếng Đức, Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thụy Điển, Đan Mạch... Thư viện cũng có đủ chủng loại sách bằng các thứ tiếng này.

Học sinh lớp 1 đã có thể truy cập máy tính (hệ thống riêng của nhà trường) tìm sách, mượn sách, trả sách đều qua máy tính hết. Có 1 viện âm nhạc với tất cả các thể loại nhạc cụ trên đời kèm giáo viên hướng dẫn, học sinh nào cũng có thể học và chơi bất kỳ nhạc cụ nào mình thích. Có 1 art house nơi học sinh được tiếp xúc và sáng tác hội họa, nặn tượng, điêu khắc v...v.. Có 1 phòng lab để các em làm thí nghiệm khoa học, sinh học, hóa học được trang bị tối tân. Có một phòng gym với đầy đủ dụng cụ tập thể thao và khu riêng dành cho trẻ bị tăng động xả năng lượng. Trẻ tự kỷ cũng được tiếp nhận học ở đây với chương trình đặc biệt. Có một nhà hàng lớn với đội ngũ phục vụ bếp chuyên nghiệp. Mỗi học sinh đều có thẻ từ, mỗi lần ăn là 1 lần quẹt thẻ.

Nhà trường còn có cả 1 cánh đồng trong đó có sân bóng đá mini, khu vui chơi thể thao ngoài trời, cầu trượt, leo trèo và những luống cây do học sinh trồng trong các dự án ươm cây của mỗi lớp. Thường lên lớp 5 các em đã thành lập ban nhạc rock hoặc nhóm nhảy, đội múa riêng để biểu diễn tài năng ở trường.

 

{keywords}
 Tài sản dành cho con là tri thức, là tuổi thơ và sự hồn nhiên vốn có của 1 đứa trẻ.

 

 

{keywords}
Chiếc ba lô tự trang trí độc nhất vô nhị của bé Jenna.

Với chương trình học như vậy trường được coi là đỉnh cao của giáo dục, số 1 thế giới hiện nay, nhưng cũng là trường học dành cho con các triệu phú/tỉ phú, ngay cả với người Thụy Sĩ.

Jenna đang học trường công Thụy Sĩ, mọi thứ đều miễn phí, kể cả sách vở, dụng cụ học tập. Bạn bè cùng lớp với Jenna đều là con nhà bình dân, thậm chí có bạn cả cha lẫn mẹ đều thất nghiệp, cả nhà 4 người sống chung trong căn hộ chật hẹp 1 phòng ngủ. Jenna chưa bao giờ ý thức về sự giàu nghèo và chơi rất thân với bạn ấy. Nhà mình luôn tránh cho con có sự phân biệt bởi vì cái CỐT giá trị của con người vẫn phải là NHÂN CÁCH.

Mình có một bà bạn người Úc, con gái bằng tuổi Jenna nhà mình. Bà này cực giàu vì là CEO của 1 nhãn hiệu spa là partner của chuỗi khách sạn 5 sao trên toàn thế giới. Khi nghe mình bảo sẽ cho Jenna đi học trường Quốc tế Genève, bà bảo: cẩn thận đấy nhé, đừng có ngạc nhiên khi con gái 10 tuổi về nói với mẹ con muốn chiếc túi Prada đi học cho bằng bạn bằng bè. Một nhân viên của bà là người Thụy Sĩ đã từng học ở đây kể: năm 8 tuổi cô ấy đã được bạn cùng lớp mời đi chơi bằng máy bay riêng của gia đình (private jet). Choáng!

Đây có thể là 1 sự thay đổi lớn cho Jenna nhưng mình tin rằng chương trình giáo dục của nhà trường là vô cùng hoàn hảo. Nhà mình có thể đủ tài chính để cho con được giáo dục toàn diện nhất nhưng KHÔNG BAO GIỜ mua những thứ vật chất đắt tiền cho con. Giá trị của con không phải là ở bộ quần áo hay chiếc túi hàng hiệu. Giá trị của con nằm ở nhân cách, tài năng và chính con người con.

 Con gái tôi 5 tuổi được bố dắt đi siêu thị, con chọn mua chiếc balô rẻ tiền nhất ($10) về để tự trang trí một chiếc túi độc nhất vô nhị và rất Jenna. Đó là niềm vui và sự say mê của con trẻ. Mang chiếc túi đi học, bạn bè trầm trồ ngưỡng mộ và cũng đòi phụ huynh mua chiếc túi trơn như vậy để tự trang trí. Con tôi rất tự hào và hãnh diện đã tạo ra sản phẩm từ chính đôi bàn tay mình.

Tôi cũng là một người mẹ có con gái 5 tuổi, nhưng tôi vẫn không tài nào hiểu được niềm tự hào sung sướng của bé gái 5 tuổi bên chiếc túi Dior mẹ mua cho với giá hàng chục ngàn đô. Tôi thực sự không thể hiểu nổi. Quả là 1 thế giới xa lạ vô cùng. Nếu đặt chiếc túi Dior bên cạnh chiếc balô rẻ tiền này, chắc chắn con tôi sẽ chọn chiếc ba lô mà không cần biết giá tiền rẻ hay đắt. Bởi vì đó là sự lựa chọn hồn nhiên nhất của một đứa trẻ 5 tuổi. Bởi vì con có thể sáng tạo và vẽ bất cứ điều gì con thích lên nó.

Nếu đặt chiếc balo đã trang trí này bên cạnh chiếc túi Dior thì tôi tin bất kỳ một bé gái 5 tuổi nào cũng trầm trồ với chiếc balo, chứ không phải chiếc túi Dior. Chỉ có người lớn với cái nhìn vật chất, biết giá tiền của chiếc túi và tính toán đó là cả mấy tháng lương của mình thì mới trầm trồ về nó. Để thấy sự "bóp méo giá trị con người" của đồng tiền kinh khủng như thế nào. Nên nhớ, cốt lõi của con người phải là con người, chứ không phải đồng tiền. Con người làm ra tiền chứ không phải tiền làm ra con người. Hãy nhìn trẻ thơ với con mắt trẻ thơ. Trong con mắt trẻ thơ không hề có bóng dáng đồng tiền.

Trên thế giới có nhiều người giàu có nhưng tôi chưa thấy ai dùng con như 1 ma-nơ-canh (mannequin) để khoe của như thế này. Những người giàu có họ vẫn mua quần áo hàng hiệu cho con là chuyện bình thường, nhưng với họ đó chỉ đơn thuần là quần áo, không phải tài sản. Tài sản họ dành cho con là tri thức, là tuổi thơ và sự hồn nhiên vốn có của 1 đứa trẻ. Con họ mặc quần áo hàng hiệu chạy nhảy tung tăng vui đùa như bất kỳ đứa trẻ nào khác. Họ không chất quần áo túi xách đắt tiền rồi đặt con trước tủ quần áo để chụp ảnh post lên mạng. Càng có nhiều tiền họ càng phải thận trọng trong việc dạy con.

Con của tỉ phú Bill Gate cũng phải tự đi làm chứ không phải ngồi nhà rắc vàng đầy người rồi chụp ảnh post lên mạng. Bà bạn của tôi dù đánh giá cao chất lượng giáo dục của trường quốc tế nhưng bà e ngại việc môi trường "con nhà giàu" sẽ ảnh hưởng đến con mình. Cuối cùng bà quyết định cho con đi học trường công (miễn phí) của Thụy Sĩ mặc dù bà thừa sức trả học phí cho cả 2 đứa con học trường quốc tế.

Tâm Phan