Trong suốt 20 năm, Julia Abdullah luôn trung thành với một bộ nghi lễ tự tẩy uế. Tuy nhiên, hiện giờ người phụ nữ 40 tuổi này đưa mọi thứ lên tới mức đỉnh điểm.


Ban đầu, Julia chỉ dành 30 phút để tắm rửa nhưng thời gian cứ tăng dần và tới 5h. Người phụ nữ này thậm chí gội đầu tới 25 lần và rửa tay tới 300 lần. Tất cả chỉ trong một ngày. Tại sao?

"Tôi cảm thấy tôi không đủ sạch sẽ", Julia, một trợ lý hành chính nói.

Trong vòng một tuần, Julia dùng hết 2 chai dầu gội đầu và 21 bánh xà phòng. Các nghi lễ tẩy rửa gây mệt mỏi tới mức Julia không còn năng lượng để làm bất cứ việc gì.

Julia Abdullah bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) với nỗi lo phi lý là bị nhiễm bệnh bởi sự bẩn thỉu hoặc vi trùng.

Cứ 33 người mới có 1 người, tuổi từ 18 trở lên, mới bị chứng OCD, kết quả một cuộc khảo sát do cơ quan nghiên cứu sức khỏe tâm thần Singapore tiến hành vào năm 2010 ở nước này cho thấy.

Julia lần đầu tiên nhận thấy có gì đó không ổn vào năm 1992 khi làm việc với tư cách là kỹ thuật viên phòng thí nghiệm. Do công việc thường xuyên đòi hỏi phải tiếp nhận mẫu nước tiểu, phân và mẫu máu đi thử HIV, Julia bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho rửa tay vì sợ bị nhiễm bệnh.

Dù nghi ngờ mình mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, song Julia chưa vội đi tìm sự trợ giúp. "Tôi nghĩ mình có thể tự kiểm soát bản thân việc tẩy trùng", Julia nói. Tuy nhiên, thay vào đó, tình trạng của cô càng ngày càng trầm trọng. Julia tuyệt vọng tới mức có lúc cô đi quét dọn những món đồ vứt đi ở khu vực nhà hàng xóm vào ban đêm.

Julia mất việc do thường xuyên trễ làm. Cô phải tìm những cách khác để thanh toán các hóa đơn ngày càng tăng. "Sự cần thiết phải bán báo cũ lấy tiền cấp bách tới mức tôi không quan tâm tới sự sạch sẽ nữa. Đó là khoảng thời gian điên rồ".

Chẳng bao lâu, Julia tích trữ cả một núi những thứ linh tinh: Quần áo, sách vở và thậm chí là cả những cây cối không thể bán. Công cuộc tích trữ của Julia tệ đến mức mẹ cô buộc phải ngủ ngoài cầu thang do trong phòng không đủ chỗ cho không khí lưu thông và ánh sáng tự nhiên.

"Cuối cùng, mọi thứ khiến tôi không thể chịu nổi. Tôi phát điên và ngừng tắm trong 3 tháng. Tới năm 2009, tôi gọi tới đường dây nóng của Hiệp hội sức khỏe tâm thần Singapore. Lúc đó, tôi chỉ muốn tự vẫn".

Một năm sau, mọi việc trở nên tồi tệ hơn và các nhà tư vấn của Hiệp hội sức khỏe tâm thần phải can thiệp và họ đưa cô tới Viện sức khỏe tâm thần. Hiện giờ, Julia đang được trị liệu và cho uống thuốc để kiểm soát bệnh của mình.

  • Hoài Linh (Theo Asia1, MyPaper)