Chùa Linh Phước tọa lạc trên một khu đất nằm bên phải quốc lộ 20 - đường từ Đà Lạt đi Cầu Đất, thuộc địa bàn Trại Mát, phường 11. Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1949 và hoàn thành vào năm 1952 do phật tử địa phương phát tâm đóng góp. Điều ngỡ ngàng hơn nữa mà chính sư trụ chì chùa cũng không lý giải được khi cứ động trời là nóc chùa và các tượng phật lại phát ra hào quang.
Danh thắng độc đáo và kỳ lạ xứ ngàn hoa
Điều tạo nên sự khác biết của chùa Linh Phước đó chính là các công trình trong khuôn viên của chùa đều được khảm các mảnh sành, sứ, mảnh chai bên ngoài. Chính bởi sự khác biệt này nên chùa còn có tên gọi khác là chùa ve chai, hay chùa miểng chai. Tuy nhiên, chùa vẫn mang đậm nét kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.
Công trình đầu tiên gây được ấn tượng với khách hành hương là Long Hoa Viên, tạc hình con rồng uốn lượn dài tới 49m quanh tượng đài Phật Di Lặc. Vây rồng được làm bằng 12.000 vỏ chai bia, bên cạnh thân rồng có hồ nước và hòn giả sơn, có tượng Phật Di Lặc ngự trên đỉnh.
Đến với Chùa Linh Phước, ngoài việc dâng hương lễ Phật, du khách còn được thưởng ngoạn những kiến trúc được xây dựng công phu. Trước hết phải kể đến chánh điện và Tiền đàn bảo tháp, một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo: chánh điện dài 33m, rộng 22m, Tiền đàn bảo tháp cao 27m được chạm trổ hình rồng. Lầu 1 có gian thờ 108 tượng “Thiên thủ thiên nhãn”. Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9m kể cả tòa sen, được làm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng, phía ngoài là bức phù điêu cảnh Bồ Đề Thọ rất sống động.
Bức ảnh tháp chuông phát hào quang được bán cho du khách giá mỗi tấm 2.500 đồng. |
Dọc hai bên chính điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ vua nhà Nguyễn. Bên trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả lịch sử Đức Phật Thích Ca từ giáng sinh đến nhập niết bàn. Hai bên vách chánh điện từ ngoài thẳng vào trong phần dưới khảm chai đà trông giống như đóng lam-ri bằng cây trúc.
Phía trên điêu khắc những bức tranh về những điển tích kinh A-di-đà, Quán Vô Lượng Thọ và kinh Pháp Hoa. Phía sau Tổ đường thờ Tổ Bồ đề đạt ma, bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng làm du khách phải kinh ngạc.
Trước Long Hoa Viên là tòa Linh tháp 7 tầng, cao 37m (được xem là tháp chuông cao nhất Việt Nam) đây là nơi thờ các tôn tượng Phật quý và cũng là bảo tàng viện. Lầu 1 còn có Đại hồng chung (đúc vào cuối năm Kỷ Mão 1999), đang được xem là chiếc chuông lớn nhất Việt Nam. Chuông cao 4,3m, đường kính 2,3m và nặng tới 8,5 tấn.
Việc đúc chuông có sự đóng góp vật lực, tài lực của phật tử, du khách từ Bắc chí Nam, trong nước và ngoài nước.. Một nhóm nghệ nhân Huế đã có 3 đời đúc chông được mời đến đã dành ra hơn một năm để tạo khuôn, đúc và chạm khắc những hình ảnh trên chuông, bao gồm các ngôi chùa nổi tiếng của nước ta, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, các thắng cảnh…
Toàn bộ ngôi Tháp trang trí rồng phượng hoa văn điển tích tứ thời, tứ quý, bát âm, bát bửu … từ mái đến vách trong ngoài lan can, cột cửa đều khảm sành rất công phu. Nhà chùa đã mua hàng trăm tấn miểng sành sứ từ Bát Tràng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Song Bé, Bình Dương về tôn tạo chùa và bảo tháp.
Trước sân chùa còn có Bảo đài Quan Thế âm Bồ Tát tạo dáng rất hài hòa cân đối. Sau đài Quan Âm là bãi đậu xe rộng rãi cho khách hành hương về tham quan lễ bái. Bên phải chùa là khu vực nội viện. Ngôi nhà tăng là nơi sinh hoạt của chư tăng. Nhà tăng gồm 3 tầng, trên cùng là Tịnh Đường và ao sen bán nguyệt. Tầng giữa và tầng trệt là các phòng cho tăng chúng. Chính giữa nhà là phòng khách lớn và thư viện của chùa. Trước sân nhà tăng là tháp mộ của Hòa Thượng Thượng Quang hạ Lý và hoa viên tươi mát cùng bức phù điêu sơn thủy sống động.
Đặc biệt lý thú là hiện nay, chùa Linh Phước đang được xem là ngôi chùa nắm giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam. Ngoài các kỷ lục tháp chuông cao nhất, đại hồng chung lớn nhất, chùa còn có tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ sao lớn nhất, chùa được tạo tác bằng mảnh sành nhiều nhất, chùa có con chim công bằng gỗ sao lớn nhất và chùa có tượng Quan Thế Âm bằng hoa lớn nhất. Đặc biệt, công trình tượng Quan Thế Âm đã được tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận là “tượng phật làm bằng hoa lớn nhất châu Á”.
Được biết bảo tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được kết bằng 650.000 đóa hoa bất tử (một loài hoa đặc trưng của thành phố Đà Lạt), do 30 nghệ nhân và 600 phật tử chế tác trong 36 ngày có chiều cao 17m, nặng khoảng 3 tấn.
Hai kỷ lục sắp được công nhận đó là chùa có tượng Quan Thế Âm nhiều nhất với 324 tượng và tượng cao nhất lên đến 17m. Cuối cùng là chùa có cung điện trang trí nhiều con rồng nhất với hơn 1000 con.
Những hiện tượng kỳ lạ chưa từng thấy
Bên cạnh lối kiến trúc độc đáo, những kỷ lục đã được xác lập, chùa Linh Phước còn xuất hiện nhiều hiện tượng kỳ lạ thu hút sự quan tâm, hiếu kỳ của nhiều người. Chùa ve chai từ khi thành lập đến nay đã trải qua 5 đời sư trụ trì. Tuy nhiên, vào đời trụ trì thứ tư đã xảy ra một câu chuyện kỳ lạ mà cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp nào.
Thượng tọa Thích Tâm Vị - trụ trì hiện tại của chùa Linh Phước kể lại: Cố hòa thượng Thượng Minh Hạ Đức (1901 – 1985), thế danh Nguyễn Khắc Dần sinh năm 1901 tại làng Hiệp Phổ, xã Đức Hạnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi trong một gia đình nho phong gia giáo. Năm lên 17 tuổi, Ngài quyết chí xin song thân xuất gia tu học tài chùa Sắc Tứ Phước Quang, thuộc xã Phú Thọ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Bằng tấm lòng và đức độ, hòa thượng đã hiến hết tâm sức mình để làm đẹp đạo tốt đời. Năm 1940, hòa thượng làm trụ trì tại Tổ đình Long Bửu, đảm nhận chức Hội trưởng Hội phật giáo huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.
Đến năm 1945, cùng với cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến”, hòa thượng đã đảm nhận vai trò là “Hội trưởng Hội phật giáo Cứu quốc” huyện Nghĩa Hành. Năm 1957, cố hòa thượng đảm nhiệm vai trò trụ trì chùa Linh Phước, Đà Lạt (Lâm Đồng) trong 27 năm cho đến khi viên tịch. Cuối năm 1984, như linh cảm biết trước sự ra đi của mình, hòa thượng Thượng minh Hạ Đức đã rời chùa Linh Phước trở về tổ đình Long Bửu – nơi ngày đã tu hành trước đó.
Sau Tết năm Ất Sửu 1985 vào đêm 18 tháng Giêng, Ngài kêu gọi các hàng đệ tử xuất gia và tại gia của tổ đình Long Bửu quy tụ về để dặn dò lần cuối, di chúc lại cho chùa Linh Phước, thành phố Đà Lạt. Hòa thượng nhắn nhủ 13 điều khuyên người niệm Phật, có ghi lại bằng băng cassette. Sau đó tăng ni phật tử tụng kinh A Di Đà niệm phật để tiễn biệt ngài ra đi. Đến tháng 2/2010, chư tăng và phật tử tại hai chùa: chùa Linh Phước – tỉnh Lâm Đồng và tổ đình Long Bửu, tỉnh Quảng Ngãi xây dựng lại bảo tháp mới 7 tầng cao 20 mét bằng đá được chở từ Thanh Hóa vào.
Trong lễ di dời hài cốt nhập tháp mới, khi khai quật phần mộ thì nhục thân của hòa thượng vẫn còn nguyên vẹn sau 26 năm nằm trong lòng đất. Chiếc kim quan lúc an táng ngài bây giờ đã biến thành đất, không còn thấy dấu vết. Nhưng hình hài của hòa thượng vẫn còn nguyên nằm im bất động như tự thuở nào khiến rất nhiều tăng ni phật tử vô cùng xúc động. Tất cả những hình ảnh tại buổi khai quật di hài của vị hòa thượng này đều đang được lưu giữ và trưng bày tại chùa Linh Phước.
Sau sự việc kỳ lạ trên, vào năm 2009, tại ngôi chùa này còn xuất hiện một hiện tượng vô cùng kỳ lạ và lý thú, thu hút hàng ngàn người hiếu kỳ đổ về xem. Đó là việc liên tục trong nhiều ngày, trên đỉnh bảo tháp của chùa Linh Phước xuất hiện một quầng sang nhiều màu sắc trông rất đẹp mắt. Hiện tượng kỳ thú này xuất hiện 3 lần liên tiếp khiến nhiều người tỏ ra khá thích thú.
Theo Thượng tọa Thích Tâm Vị: “Ngày 13.2.2009 (nhằm ngày 19.1 năm Kỷ Sửu) vầng hào quang ngũ sắc này cũng đã xuất hiện quanh tháp chuông của chùa từ lúc 8h30 sáng đến 11h45 với đường kính lan toả rộng từ 10 đến 50 mét. Được biết nếu tính từ ngày thành lập chùa (năm 1949) cho đến nay (2009) chùa Linh Phước vừa tròn 60 tuổi và đã qua 5 đời trụ trì nhưng đây là lần đầu tiên vầng mây hào quang ngũ sắc xuất hiện quanh khu vực chùa như thế này”.
Hiện tượng trên tiếp tục xuất hiện vào ngày 16 và 17.9.2009, và lần cuối cùng xuất hiện vào ngày 15.3.2009. Sự xuất hiện của hiện tượng trên theo nhiều người cho rằng, đó là vầng hào quang của Phật phát ra. Tuy nhiên, sau đó theo lời giải thích của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho rằng, thực chất quầng sáng đó là dạng cầu vồng không hoàn hảo.
Theo ông Thái 62 tuổi – người dân sống gần chùa Linh Phước, thực ra những ngôi chùa nào cũng có những câu chuyện ly kỳ kèm theo. Nó có thể là những truyền thuyết từ xưa để lại hoặc những câu chuyện mới xảy ra nhưng mang yếu tố liêu trai. Như tôi nghĩ, những chuyện xảy ra tại chùa Linh Phước chỉ là một hiện tượng tự nhiên kỳ lạ hiếm khi xuất hiện nên đã thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người. Với ông, chùa là nơi ấp ủ nuôi lớn đời sống tâm linh của người học Phật. Mục đích đi chùa không chỉ là để cúng lạy mà còn phải thêm phần học hỏi chánh pháp, tập tu đức hạnh cốt sao cho tốt đạo, đẹp đời.
(Theo Pháp luật & Cuộc sống)