- Con mình sinh ra ở Ucraina và vì thế cháu cũng được lớn lên trong hệ thống giáo dục và trường sở của Ucraina.

Tại sao cứ phải đạt điểm tối đa?

Chương trình học phổ thông của Ucraina phải nói là rất nặng với rất nhiều kiến thức thượng vàng hạ cám, từ Toán, Lý , Hóa , Ngữ văn, Sinh học, Địa lý đến Thiên văn, Vũ trụ rồi kỹ năng bảo vệ sức khỏe và bản thân, kỹ năng giao tiếp xã hội sao cho đẹp, lịch sự đến khâu vá, cắt dán cho con gái và cưa đục, sử dụng các máy cơ khí gia dụng cho con trai.

Với từng ấy thứ phải học và cái ba lô đi học nặng dăm ba kg hàng ngày, nhưng mình thấy các cháu học sinh vẫn có thời gian chơi thoải mái.

{keywords}
Học sinh Ucraina trở lại trường.

Ảnh: Shamil Zhumatov / Reuters

Có lần, thấy con được điểm chưa như ý (6/12), mình nổi nóng phết vào mông con và quát mắng. Con rất chịu đựng sự vô lối của mình. Hôm sau xót con quá, mình thì thào hỏi: “Hôm qua mẹ đánh có đau không, mẹ đánh con như vậy có đúng không?”.

Con gái 8 tuổi của mình ôm cổ mẹ, cũng thì thào trả lời: “Mẹ đánh con là đúng rồi, vì con lười học, nhưng mẹ ơi, không có ai hoàn hảo cả, kể cả mẹ cơ mà”!

Như thế đó! Những đứa trẻ luôn được biết rằng ai cũng có thể có sai sót dù là con hay mẹ và chúng tha thứ, rộng lượng cho điều đó!

Còn cô con gái lớn của mình thì khá mẫu mực theo kiểu VN, rất chăm chỉ.

Hồi con học lớp 4, mình cũng rất sốt ruột khi con không đạt điểm xuất sắc môn Ngữ văn tiếng Ucraina. Mình đến gặp cô giáo, đề nghị phụ đạo thêm cho cháu môn này. Cô giáo ngạc nhiên lắm, nói rằng tại sao cứ phải đạt điểm tối đa. Cứ để cháu có thời gian chơi,chứ bây giờ các cháu đã phải học nhiều quá rồi. Kiến thức đạt yêu cầu là được!

Trong quá trình các con đi học, mình nhận ra rằng, mặc dù khối lượng kiến thức trong chương trình là nặng, nhưng các thầy cô giáo không buộc các cháu phải học thuộc tất cả, chỉ đơn giản là giới thiệu chủ đề để các cháu nắm được các khái niệm mà thôi.

Nếu cháu nào hứng thú thì sẽ tự tìm hiểu và có thể trao đổi với các thầy cô ngoài giờ hoặc ở các giờ phụ đạo.

Các cháu không đi sâu vào kỹ năng giải toán, viết văn hay luyện chữ.

Quan điểm của nền giáo dục này theo mình nhận xét là giới thiệu, còn mỗi cháu tự phát huy theo sở thích và nhu cầu.

Học sinh học sách của thầy cô soạn

Một điều nữa có thể thấy là các trường tuy sử dụng một bộ sách giáo khoa chung, nhưng cái cần thiết để học lại là sách tham khảo.

Sách tham khảo này do các thầy cô giáo tự chọn hoặc tự soạn lấy nên kiến thức của các học sinh ở các trường nhận được là khác nhau. Hồi mình và gia đình còn sống ở miền Nam Ucraina, các con học ở trường phổ thông số 50. Trường này thiên về toán và các môn tự nhiên (gần như trường chuyên toán ở ta vậy). Thầy cô giáo ở các môn này của trường rất mạnh.

Con mình mới chỉ học lớp 6 nhưng đã học các khái niệm về toán xác suất từ giáo trình do cô giáo dạy toán của cháu tự biên soạn.

Việc học sinh đi học trường nào hoàn toàn do phụ huynh và các con tự chọn, dựa vào các nhu cầu cá nhân của học sinh và gia đình (trường gần nhà hoặc gần cơ quan bố mẹ, trường có thiên hướng về môn tự nhiên hay xã hội , nhạc , họa …) không phụ thuộc vào nơi cư trú.

Khi gia đình chuyển về thủ đô, mình đã chọn trường chuyên Anh ngữ số 57 cho con gái vì rất tiện đường giao thông, và đặc biệt giảng dạy bằng tiếng Nga (là thứ tiếng mình sử dụng ).

Tại trường mới này, con mình được coi là học sinh giỏi các môn toán, lý, hóa chính là nhờ vào những kiến thức cháu được các thầy cô giáo từ trường cũ truyền đạt.

Bầu cử chọn "tổng thống trường"

Ở trường cũ số 50, ngoài đội ngũ giáo viên còn tồn tại một tổ chức dân sự của học sinh gọi là Hội đồng tự quản học sinh. Đứng đầu Hội đồng này là một học sinh lớp lớn (nhưng thường không phải lớp cuối cấp), được gọi là "Tổng thống của trường" ( Президент школы ).

Em tổng thống này sẽ được bầu thông qua đại hội từ các ứng cử viên do các lớp đề đạt hoặc là tự ứng cử.

Khi con mình học lớp 9, em tổng thống cũ đã tốt nghiệp nên phải mở đại hội để bầu một em mới.

Sau này mình hỏi "Con bầu ai đấy?" thì con mình bảo "Chỉ có mỗi Vichia Skliarov tự ứng cử thôi!'. Thế là Vichia , một bạn học sinh giỏi và rất năng động làm Tổng thống của trường.

Còn con gái mình thì suốt từ lớp 5 đến lớp 9 làm Bộ trưởng bộ nhi đồng (các lớp nhỏ nhất).

Con thường hỗ trợ các cô giáo tiểu học đưa các em đi tham quan, xem phim ngoài rạp hoặc thăm bảo tàng.

Đấy là những gì mình biết, vì ra khỏi nhà con phải xin phép. Còn những gì xảy ra ở trường thì mình không biết.

Tuy nhiên, cũng có những hôm mình thấy con kể về việc các em nhỏ chạy tới mách chị việc gì đó và chị phải đi làm " quan tòa" xử lý hay các em cần đến sự giúp đỡ của chị khi các em không biết nhờ cậy ai.

Hội đồng tự quản của học sinh có nhiệm vụ phản hồi lại những hoạt động mà nhà trường tiến hành, ý kiến của học sinh ra sao, có đồng tình hay còn có góp ý gì khác.

Hội đồng này cũng hỗ trợ giáo viên trong các hoạt động ngoại khóa, đưa ra các sáng kiến và tổ chức nó với sự giúp đỡ của nhà trường.

Ví dụ, ở Kherson thì các con rất thích khiêu vũ nên hay tổ chức sàn nhảy ở trường vào các ngày lễ.

Các con cũng tự viết kịch bản các buổi lễ như khai giảng, bế giảng hoặc tổ chức sinh nhật cho ai đó , tiễn thày cô giáo nào đó về hưu ...Tất cả đều do các con tự dàn dựng nên rất tình cảm.

Thầy cô bỏ phiếu chọn học sinh xuất sắc

Khi mình cùng con chuyển về trường mới tại Kiev thì mô hình hoạt động của trường lại khác.

Không có Hội đồng tự quản của học sinh nữa. Nhưng các thầy cô giáo và học sinh cũng cùng nhau hoạt động rất chặt chẽ và vai trò của học sinh cũng được đánh giá rất cao.

Mỗi năm sẽ có một học sinh được chọn là học sinh tiêu biểu của năm, được tặng bằng khen và kỷ niêm chương hẳn hoi.

Học sinh tiêu biểu này do hội động giáo viên bình chọn công khai, bỏ phiếu cho từng cá nhân học sinh vì vậy học sinh cũng phải có các hoạt động tích cực để cho cả các thày cô dù không dạy mình biết và có tín nhiệm với mình.

Do đó, quan hệ giữa thày cô và học sinh là quan hệ rất gần gũi. Con gái mình ngay năm đầu tiên học trường mới đã được chọn là học sinh của năm vì tác phong giản dị, khiêm tốn, hoạt động tích cực và thành tích xuất sắc trong nhiều môn học.

Mình thường đùa rằng chắc mấy mẹ con mình vẫn còn quê mùa nên các thầy cô nhầm với tác phong giản dị. Cả ba mẹ con đều cười khoái chí với nhận xét hài hước ấy.

Kiev, 17/8/2015.

  • Nguyễn Hồng Giang