- Dù đã cắt nghĩa là phong tục, song ông không thể hiểu tại sao thay vì mừng tiền lì xì, người Việt không tặng nhau những món quà nhỏ dịp năm mới. Thắc mắc thế nhưng ông vẫn hăng hái móc túi để lì xì cho trẻ con khi làm khách xông đất đầu năm gia đình một người bạn Việt Nam.

Cho đến Tết này ở Hà Nội, Đại sứ Hungary Vizi Lászlo đã thuộc làu những việc phải làm, từ đi chợ hoa Quảng Bá, xem bắn pháo hoa ở Hồ Tây, chuẩn bị lì xì và tinh thần…đi chúc Tết gia đình những người bạn Việt Nam. Tư gia công vụ của ông nằm ở trên lầu cao một tòa nhà ven hồ Tây có vẻ như là góc quan sát thú vị nhất không khí Tết Hà Nội.

"Trước Tết, người, xe cộ đi lại nườm nượp. Ách tắc giao thông. Ai cũng hối hả mua sắm. Người mua hoa, người mua cây quất, cây đào. Không khí thật náo nhiệt, ồn ào. Vậy mà tất cả chấm dứt ngay trong ngày đầu tiên của Tết. Tết tràn về, phố xá vắng vẻ, các cửa hàng đóng cửa. Trên đường phố, người Hà Nội diện quần áo thật đẹp để đi chúc Tết bạn bè, họ hàng. Không gian đó thật dễ chịu".

Mới đó đã 4 cái Tết ông dành trọn ở Hà Nội. Tết Việt cũng giống như Giáng sinh ở đất nước ông, đó là "sự kiện của gia đình", là thời gian để nghỉ ngơi, để ăn và chơi sau một năm làm việc vất vả.

Tết là tiệc tùng

Với Tết Việt, ông bình chọn bánh chưng là món ăn "đích thực cổ truyền", hơn cả món nem mà ông ưa thích hay món xôi gấc đỏ, mứt Tết - những món ăn cổ truyền không thể thiếu trong mâm cơm của bất cứ gia đình nào mỗi khi Tết về. Nhưng bánh chưng, với ông, "rất đặc biệt". Cùng với cây quất, chỉ hai thứ đó đã đủ thấy Tết.

Đại sứ Hungary: Tôi biết Tết phải kiêng... vịt. Ảnh: Phạm Hải
Nhưng món ăn ngày Tết là phải tự làm. Bánh chưng hay nem, xôi gấc cũng vậy. Cũng giống như mỗi dịp Giáng sinh về, gia đình ông thường quây quần, trang hoàng cây thông và nấu món súp cá, làm bánh beigli cổ truyền. Không khí quây quần của gia đình bên mâm cơm, bữa tiệc gia đình là ý nghĩa và hạnh phúc nhất.

Trải nghiệm thú vị nhất trong chuyện "ăn Tết" ở đây mà ông tủm tỉm tiết lộ là ngày đầu năm phải kiêng ăn…vịt.

"Tôi biết Tết phải kiêng… vịt để tránh đen đủi. Giáng sinh ở Hungary, chúng tôi kiêng ăn thịt gà vì người ta tin rằng con gà có cánh, dễ bay đi. Ăn gà thì may mắn cũng sẽ không đậu với mình. Thay vì đó, người Hungary hay ăn thịt lợn. Điều này hoàn toàn ngược với Việt Nam, ngày Tết, bữa tiệc không thể thiếu thịt gà. Nhưng có sao đâu, xét cho cùng đó là phong tục, tập quán của mỗi đất nước", ông cười giải thích.

Tết là chơi

Nếu như cộng đồng ngoại giao, người nước ngoài thường lên kế hoạch đi đâu đó mỗi dịp Tết để tranh thủ xả hơi thì ông dứt khoát chỉ ở Hà Nội. Lý do lớn nhất nói ra đó là ông sợ… lo vé tàu xe đi lại lích kích. Nghe có vẻ như nhiệm vụ "bất khả thi" đối với một nhà ngoại giao, một công việc tính ra nếu bỏ sức cũng không quá tốn thời gian của ông, hay thậm chí ông có thể nhờ nhân viên trong Đại sứ quán giúp đỡ!


Ông thích đi chợ hoa Quảng Bá dịp Tết. Ảnh: Phạm Anh Tuấn
Vậy là ông biện bạch thế này: "Muốn đi đâu đó, bạn phải lên kế hoạch cả tháng, chuẩn bị mua trước vé máy bay cho cả gia đình. Thật phức tạp. Và tại sao không ở Hà Nội dịp đó nhỉ? Hà Nội mang một khuôn mặt đặc biệt trong những ngày Tết. Mọi thứ dường như chậm lại. Trong năm tôi cũng dành nhiều thời gian đi đây đó ở các vùng miền, tỉnh khác rồi", ông cười xòa nói.

Một trong những lý do dứt khoát không xa Hà Nội nữa của ông là dù Tết ở Việt Nam nghỉ nhưng ở Hungary, mọi người vẫn làm việc. Đến văn phòng để duy trì liên lạc với Budapest, nhưng chẳng ai ở văn phòng Hà Nội có tinh thần làm việc cả. Khi Tết tràn ngập ở bên ngoài, người đi làm vào ngày đó chỉ có tinh thần… dọn dẹp góc làm việc, làm những công việc không tên mà những ngày trong năm chả bao giờ đụng đến.

Chỗ chơi Tết mà ông thấy lôi cuốn nhất là chợ hoa Quảng Bá gần nhà. Cơ man là hoa tươi, đủ sắc màu. Mỗi bận chuẩn bị Tết, ông cùng vợ và các con thường dạo chợ để ngắm nghía và mua hoa về cắm trang hoàng khắp nhà. Dạo chợ hoa, với ông, thích nhất để thưởng thức "không khí Tết" và ngắm hoa đào.

"Điều hấp dẫn tôi là không khí Tết, hoa đào và quần áo đẹp diện phố xá ngày lễ. Tất cả hòa quyện trông thật nhiều sắc màu", ông nói.

Chuyện chơi Tết cũng lắm công phu. Ông kể chuyện một người bạn Việt Nam tổ chức cho đoàn du khách Việt khởi hành đầu năm đến châu Âu. Mọi việc đã sắp xếp theo lịch trình từ đặt phòng ở khách sạn, di chuyển, ăn uống. Tất cả chỉ chờ khởi hành. Song du khách trong đoàn sát giờ bay nhất định đòi Vietnam Airlines đổi giờ bay theo giờ… thầy cúng chọn vì nếu không xuất hành đúng giờ đó, thì nhất định chuyến đi đầu năm sẽ không có may mắn.

Tết của may mắn

Xuất hành đầu năm phải may mắn cũng như người xông nhà là quan trọng đối với bất cứ gia đình người Việt nào kỳ vọng sự may mắn chạm ngõ cửa nhà mình suốt một năm. Đại sứ Vizi Lászlo từng rơi vào tâm trạng… hơi lo lắng khi bất ngờ biết mình là khách xông nhà một gia đình người bạn Việt Nam trong năm đầu tiên ông đón Tết ở Hà Nội. Biết ông và gia đình ở lại Hà Nội, gia đình một người bạn quý mến đã mời gia đình ông đến nhà chơi và ăn Tết cổ truyền đúng ngày mùng 1 Tết.

c
Tết là sự kiện của gia đình. Ảnh: Phạm Anh Tuấn
"Tôi đã không biết người xông nhà là người mang đến may mắn cho gia chủ đó. Không biết tôi có đem lại may mắn cho họ không? Tôi nghe một số người còn tránh không muốn làm khách xông đất vì sợ mang tiếng, lỡ không đem lại điều tốt lành cho gia chủ. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi đi cả gia đình, mà cứ có nhiều người chắc đem lại nhiều may mắn rồi", ông hóm hỉnh.

Đến thăm gia đình người Việt dịp Tết cũng là điều ông thích nhất. Ở không gian đó, ông được trải nghiệm và giữ lại cho riêng mình những kỷ niệm đặc biệt.

"Tôi cảm thấy thật vinh dự khi được làm khách đến chơi Tết với gia đình những người bạn Việt Nam. Không chỉ vì thể hiện mối quan hệ đặc biệt với họ, ở nơi đó, tôi được thấy giá trị gắn bó của gia đình, xem họ chuẩn bị nấu nướng ngày Tết...".

Lì xì cũng là phong tục ông so sánh. Nếu như vào dịp Giáng sinh, mọi người tặng nhau những món quà nhỏ ý nghĩa và háo hức chờ đợi món quà đó thì ông không hiểu tại sao người Việt không tặng nhau những món quà nhỏ dịp năm mới.

Cắt nghĩa là phong tục và dù thắc mắc thế nhưng ông vẫn hăng hái móc túi để lì xì cho trẻ con.

"Tôi không nghĩ đến việc mình bỏ ra tiền - vâng, dù chỉ một chút ít thôi - để đưa cho ai đó với lý do là mừng sự may mắn như phong tục ở Việt Nam. Nhưng nói chung tôi cũng rất vui vẻ lì xì cho bọn trẻ. Hy vọng một năm mới sẽ mang đến những điều tốt lành, may mắn cho tất cả mọi người".
Xuân Linh