Từ lâu, ngôi nhà nhỏ nằm bên đường quốc lộ 1A của gia đình ông Phạm Văn Nhẫn (SN 1963, xã Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam) được người dân địa phương gọi là “Trạm cứu hộ khẩn cấp”. Bởi ông thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân gặp sự cố trên tuyến đường qua địa phận xã này.
Ông Phạm Văn Nhẫn hành nghề xe ôm, sửa chữa xe máy trên quốc lộ 1A. |
Người ‘vác tù và hàng tổng”
Ông Nhẫn nổi tiếng ở khu vực khi gần 40 năm qua, ông thường xuyên đi tìm và cưu mang những người tâm thần lang thang. Để có kinh tế nuôi họ, vợ chồng ông làm đủ việc, từ cày cấy, làm thuê, bán nước chè, sửa chữa xe và hành nghề xe ôm.
Từ đây, cơ duyên đưa ông đến với công việc cứu hộ tai nạn giao thông. Ông chia sẻ, nhiều năm trước, đoạn đường trước cửa nhà còn bé, va chạm giao thông xảy ra thường xuyên. Khi có đường cao tốc Bắc - Nam, tai nạn trên quốc lộ 1A mới giảm bớt.
Quán sửa xe, giải khát lụp xụp bên quốc lộ 1A của vợ chồng ông Nhẫn. |
Những vụ tai nạn nhẹ, người bị nạn chỉ xây xước chân tay, ông mang bông băng y tế đến sơ cứu. Trường hợp nặng hơn, ông đưa người ta vào bệnh viện, đợi gia đình họ đến rồi mới bàn giao.
Trường hợp thương tâm ám ảnh ông đến bây giờ là một nam thanh niên người miền Nam, ra Bắc lập nghiệp. Anh bị xe ô tô tải tông trúng, cơ thể biến dạng, ông Nhẫn gọi cho công an và cán bộ xã xuống.
Sau khi hồ sơ tai nạn lập xong, ông cùng vợ lấy rượu gừng ra tắm rửa cho họ rồi khâm liệm. Để người nhà họ đến nhận cũng bớt đau lòng.
“Nghĩa tử là nghĩa tận, nhìn cảnh thương tâm như vậy, tôi cũng muốn làm việc gì đó, hi vọng họ ra đi thanh thản”, ông Nhẫn nói.
Vợ ông Nhẫn là cộng sự giúp chồng trong hành trình làm từ thiện, giúp đỡ người gặp nạn trên đường. |
Tính đến nay, ông Nhẫn không nhớ nổi mình đã cứu giúp được bao nhiêu người. Nhiều lần đi tỉnh, có người đến chào hỏi, giới thiệu, ông mới biết đó là người mình từng giúp đỡ.
“Tôi làm việc thiện không phải để lấy tiếng. Ai bảo tôi gàn, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” cũng được, miễn sao mình gieo lòng tốt, để điều đó được lan tỏa khắp mọi nơi”, ông xe ôm sinh năm 1963 nhấn mạnh.
Ba lần tay không bắt cướp
Bên cạnh nuôi người tâm thần, cứu người bị tai nạn giao thông, ông Nhẫn từng 3 lần tay không bắt cướp và đối tượng truy nã.
Giọng trầm đục, ông Nhẫn chia sẻ câu chuyện bắt đối tượng truy nã cách đây khá lâu. Lần đó, ông đang làm ở khu vực xa nhà 5km. Từ xa, ông thấy một thanh niên đen đúa, quần áo rách rưới, lững thững xách chiếc túi giữa trưa nắng.
Ông Nhẫn chia sẻ chuyện mình bắt cướp. |
Thấy bộ dạng nam thanh niên đói khát, ông liền hỏi: “Cháu về nhà chú không? Về thì lên xe chú”. Nam thanh niên im lặng nhưng vẫn leo lên xe ông.
Về đến nơi, ông ra hiệu cho thanh niên đi tắm rửa, ăn uống. Quá trình hỏi chuyện, thanh niên kể quê quán ở Đắk Lắk.
“Qua tiếp xúc, tôi thấy thanh niên này không phải người ngớ ngẩn, tâm thần, lại có nhiều dấu hiệu khả nghi, mắt láo liên”, ông Nhẫn nhớ lại.
Trực giác mách bảo, ông đợi thanh niên đi ngủ rồi sang hàng xóm gọi điện thoại cho công an xác minh. Hóa ra, đây là đối tượng trốn nã, đang bị công an Đắk Lắk và công an TP.HCM truy tìm.
Đêm cùng công an giăng lưới bắt tội phạm trốn nã, ông Phạm Văn Nhẫn thức trắng, đầu căng như dây đàn. Nếu lộ sơ hở, có thể anh ta sẽ gây nguy hiểm cho người thân của ông hoặc bỏ trốn.
Để tránh "bứt dây, động rừng", ông Nhẫn vờ như không có gì xảy ra, vẫn cho nam thanh niên ngủ lại nhà mình. Sáng hôm sau ông chở anh thanh niên lên xã, nói dối là đi làm tạm trú, nhằm tìm cách câu giờ. Sau đó, công an ập vào, còng tay người trốn nã, rồi di lý vào miền Nam.
Nghe tin ông Nhẫn bắt cướp, có đoàn đi xuyên Việt hiếu kỳ, ghé qua nhà chơi, biếu võng, biếu tiền nhưng ông chỉ nhận chiếc võng làm kỷ niệm.
Giấy khen của công an tỉnh Hà Nam tặng ông Nhẫn năm 2000. |
Lần khác, ông Nhẫn phối hợp với cơ quan công an, bắt được 2 tên cướp xe máy tay ga đời mới, bên trong cốp đựng rất nhiều tiền. Chúng chạy từ trong Thanh Hóa ra. Lúc biết bị ông phát hiện, hai tên cướp còn tìm cách mua chuộc ông.
Kể lại kỷ niệm này, ông bật cười: “Buổi sáng tôi đang đi đám ma, người nhà gọi điện giục về gấp vì có 2 người đàn ông khả nghi đẩy xe đến sửa. Tôi thông tin sang bên công an.
Họ nhanh chóng kiểm tra, xác minh biển số xe hai người kia đưa đến. Sau khi nắm rõ, chiếc xe là tang vật vụ trộm cắp, kế hoạch vây bắt đối tượng nhanh chóng được lập ra”.
Ông Nhẫn về đến nơi, giả vờ dắt chiếc xe tang vật vào bên trong, rồi mời họ uống nước. Một tên biết bị lộ, lấy ra 10 triệu đưa ông Nhẫn mua chuộc. Anh ta nói: “Chú cho cháu đi”. Tuy nhiên, ông đẩy tập tiền lại trước mặt họ.
Đúng lúc đó, công an hình sự mặc thường phục đến trước cửa, ông giả vờ gọi: “Anh đi đâu đấy”. Sau câu ám hiệu này, công an xông vào bắt gọn hai tên cướp đưa về huyện, thu giữ xe và số tiền họ đã cướp.
Chưa kể, ông còn tình cờ tóm được tên cướp xe máy khi anh ta trên đường chạy trốn, ghé vào quán ông uống nước. Sau khi uống xong, đối tượng định quỵt tiền nước. Ông Nhẫn nhanh như cắt, xông ra khóa tay lại.
Bằng linh tính của mình, ông đưa vị khách lên công an xã trình báo. Công an huyện xuống xác minh, trích xuất thông tin. Hóa ra, người này là tên cướp táo tợn, vừa thực hiện vụ cướp xe máy, đang bị cơ quan công an truy bắt.
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Trần Văn Tắm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, Hà Nam cho biết, gia đình ông Nhẫn không khá giả, thu nhập chủ yếu dựa vào đồng ruộng và một vài nghề phụ nhưng nhiều năm nay, ông Nhẫn liên tục có những hoạt động giúp đỡ người bị nạn trên đường, người có vấn đề về thần kinh, đi lang thang trên địa bàn. Ông cũng là người giúp công an bắt được nhiều tên tội phạm và đã được công an tỉnh Hà Nam trao giấy khen vì có thành tích đột xuất trong công tác đấu tranh chống tội phạm. |
Lão nông Hà Nam gần 40 năm làm lụng nuôi những người tâm thần
Thấy chàng thanh niên đầu tóc lấm lem, nằm thoi thóp ở nghĩa trang, ông Nhẫn đưa lên xe, chở về nhà. Từ đó, căn nhà trở thành nơi nương náu của chàng trai không nhớ nổi quê mình.
Minh Khuê - Thái Minh