- Chưa đến Tết tôi đã thấy nhiều chị em lo lắng chuyện mua sắm, chi tiêu. Có người bảo, phải chi khoảng 30 - 40 triệu mới có "cái Tết ra trò". Tôi thấy thật hoang phí. Ở nhà tôi, mỗi cái Tết, tôi chi không quá 5 triệu.

'Tết xưa bày, nay... bỏ bớt'

'Tết xưa bày, nay... bỏ bớt'

Quan niệm “Đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa” nay không còn phù hợp nữa. Tết văn minh là cái Tết gọn nhẹ, tiết kiệm, dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi, sum họp gia đình.

Vợ chồng trẻ sắm Tết 'ngon, bổ, rẻ' với chưa đầy 10 triệu đồng

Vợ chồng trẻ sắm Tết 'ngon, bổ, rẻ' với chưa đầy 10 triệu đồng

“Bằng cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm nên dù lương hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu/tháng nhưng năm nào chúng tôi cũng có một cái tết đầm ấm, no đủ”, chị Nguyễn Thu Nga tâm sự.

Vợ chồng tôi đều là dân kinh doanh. Chồng tôi là người có tiếng tăm trong ngành dược. Còn tôi, ngoài công việc ở cơ quan nhà nước, tôi cũng là chủ của một nhà hàng ăn uống. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng tôi không bao giờ dưới 120 triệu. Thế nhưng chưa bao giờ tôi ném quá nhiều tiền vào dịp Tết nhất.

Đây là thói quen mà mẹ chồng tôi đã dạy con dâu từ khi bước chân về nhà chồng. Quê chồng tôi cũng còn nhiều phong tục tập quán khá rườm rà. Tết nhất nhà nào nhà nấy đua nhau đi mua sắm, biếu xén. Đặc biệt, tôi đến nhà ai cũng cần phải có gói quà. Thành ra Tết xong ở mỗi nhà bánh kẹo, mứt tết cứ xếp thành chồng lớn chồng bé, để ăn dần đến mấy tháng không hết.

Tết đầu tiên làm dâu, sợ bố mẹ chồng phật ý và họ hàng cười chê, tôi cũng dồn tiền để sắm Tết cho đàng hoàng. Bánh kẹo mua về, tôi xếp nửa gian phòng không hết. Mẹ chồng tôi nhìn đống bánh kẹo, bà lắc đầu.

Năm sau, trước Tết cả mấy tháng, bà liên tục gọi điện cho tôi và bảo tôi đừng sắm Tết. Chuyện sắm Tết cứ để bà lo, còn tôi, chỉ việc nhìn bà mà học tập.

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Năm đó, mẹ chồng tôi chỉ mua đúng 3 hộp bánh. Hai hộp bày biện ban thờ, còn một hộp, bà cho chúng tôi mang đến ông bà nội. Đến nhà ông bà nội xong, chúng tôi quay về nhà thì cũng là lúc họ hàng, anh em đến chúc Tết bố mẹ tôi.

Khi họ ra về, bố mẹ tôi lại lấy những hộp bánh kẹo (mà khách không đặt lên ban thờ) cho chúng tôi đi chúc Tết nơi khác. Cứ thế mà hết Tết, ông bà vẫn còn dư hơn chục hộp mứt.

Đối với đồ tiếp khách Tết, bố mẹ tôi không tốn một xu nào. Hạt bí, mẹ tôi lấy từ quả bí ở vườn nhà, phơi khô rồi rang lên. Ngoài ra, mẹ tôi còn tự làm mứt gừng, mứt dừa, mứt bí. Bánh kẹo thì bà lấy từ gói quà mọi người đến biếu rồi mời nhau. Thế mà cái Tết của nhà chồng vẫn đủ đầy và chẳng tốn kém là bao.

Từ đó, tôi cũng học mẹ. Năm nào cũng tận dụng tối đa những nguyên vật liệu trong nhà. Đến khi vợ chồng tôi trở nên giàu có, có nhà cửa đoàng hoàng ở Hà Nội, mỗi dịp Tết, nhà tôi đông khách vô cùng. Thế nhưng, tôi cũng chẳng bao giờ phải bận tâm chuyện sắm Tết. Một cái Tết, tôi chi cùng lắm là 5 triệu cho các khoản mua sắm.

Đầu tiên là khoản bánh mứt tiếp khách. Tôi học mẹ chồng, mua đồ về làm, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh, vừa tiết kiệm chi phí. Một kg mứt dừa, chi phí khoảng 50 - 60 nghìn nhưng có thể ăn cả Tết. Ngoài ra, tôi làm mứt bí, mứt gừng, mứt cà rốt... Mỗi loại một ít cũng đủ để tôi bầy biện đẹp đẽ. Nói chung, tiền mua đồ tiếp khách, tôi chi khoảng 300 nghìn đồng cho các nguyên liệu.

Bánh kẹo biếu Tết họ hàng, tôi tận dụng tối đa những gói quà mọi người biếu tặng gia đình. Ngoài ra, tôi chi 2 triệu để mua những đồ thiết thực như đường, mỳ chính, bột nêm, nước mắm, dầu ăn… và một ít cam, bưởi sạch rồi gửi cho họ hàng thân thiết.

Thực phẩm Tết, tôi cũng chỉ sắm sửa đủ để làm mâm cơm thắp hương các cụ. Còn lại, gia đình tôi ăn uống đơn giản. Cái đơn giản này, không phải chúng tôi tiết kiệm mà thời nay, chẳng ai thiếu miếng ăn, tội gì phải bày vẽ để rồi lại bỏ đi cho phí phạm.

Sau đó, đến khoảng chiều mùng 1 hoặc sáng mùng 2 Tết, vợ chồng con cái chúng tôi đi du lịch để khỏi phải nhậu nhẹt, tiếp khách. Đồng thời cũng là để tận dụng những ngày nghỉ ít ỏi trong năm của mình. 

Đó là lý do Tết nhất chưa bao giờ là nỗi lo lắng, sợ sệt đối với tôi kể từ khi chúng tôi nghèo khó cho đến khi khá giả.

Tết Nguyên Đán (Tết Cổ truyền) được xem là dịp lễ quan trọng nhất của người Việt. Việc chi tiêu sắm Tết, mua quà biếu gia đình, họ hàng, vấn đề mừng tuổi, nhậu Tết... khiến không ít người lo lắng, băn khoăn. Độc giả có bài viết chia sẻ về chủ đề này, xin gửi cho chúng tôi theo địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn để đăng tải. Trân trọng cảm ơn!

Lê Ngọc (Hà Nội)