- Nghe nói Đoàn Xuân Tặng “lấy vợ dân tộc” mà cũng chả biết người dân tộc nào, miền nào, hóa ra chỉ là tin đồn vì Tặng vẽ thổ cẩm nhiều quá.

Thật ra là, quá nửa trong đám chúng ta chưa bao giờ đặt chân tới vùng núi Tây Bắc xa xôi, với những cao nguyên đá, thung lũng lạnh, bản làng heo hút. Chúng ta còn quá bận rộn với thành phố náo nhiệt, bãi biển cát trắng, hay rừng thông xanh rì rào dễ chịu. Nên váy xòe của người Mèo, áo chàm của người Tày, chợ phiên, chợ tình, rừng nguyên sinh hùng vĩ hay đang bị xơ xác tàn phá, chỉ là những thứ hay hay, là lạ, chả liên quan động chạm gì đến câu chuyện bên ly cà phê sáng hay chuyện làm ăn hàng ngày. Và Đoàn Xuân Tặng nói: thế thì để tôi mang Thổ cẩm II đến.

{keywords}

Những bức tranh Tây Bắc của Tặng là một cách quan sát lặng lẽ, gần như là thụ động, thu mình lại để những nhân vật của Tặng khỏi phát hiện ra anh. Xuyên suốt gần hai chục bức tranh là những khoảng khắc ngơ ngác, những khoảng khắc bần thần, những khoảng khắc hồi tưởng, những khoảng khắc ốc thu vào vỏ của những con người vốn dĩ nguyên thủy hồn nhiên sau hồi cò kè mua, bán. Những sơn nữ, một bàn chân trần quấn xà cạp đứng trong quá khứ, một bàn chân xỏ giày cao gót cứng quèo làm từ vải giả da.

Chắc có lẽ Không tên số 13 ám ảnh ngay từ những bước chân đầu tiên bước vào triển lãm. Không một chi tiết cụ thể nào của những cao nguyên đá Đồng Văn, không một nét hoa văn thổ cẩm, không một mảnh khăn vuông của người Thái, khăn quấn của người Mèo hay xà tích, vòng bạc của người Nùng. Tặng hòa chung tất cả những màu nhuộm lam chàm chu sa hoàng thổ tự nhiên đó vào những gam màu gợi ý, chạm đến tiềm thức về núi rừng đã được mã hóa trong bộ gen của người.

{keywords}

Khi đứng trước gương mặt lấp ló ở bức Không tên số 18, tôi biết là mình nhầm. Hình như đây là một khoảng khắc nghỉ ngơi, thanh thản, một giây phút hiện tại mà không lo toan của các cô ấy. Hình như thôi vì tôi cũng không dám chắc là đôi mắt đang nhìn xuống kia là né tránh hay chỉ làm duyên. Với Tặng, khi việc vẽ những đôi mắt ám ảnh đã gần trở nên dễ dàng, thì chắc chắn cái sự buông bỏ để tạo cảm giác băn khoăn “có hay không” này là một sự tính toán chủ ý, như là một khoảng khắc Edga Degas.

{keywords}

Hai bức duyên dáng nhất trong triển lãm chắc là Không tên 6Không tên 5, mà tôi gọi là Cây và Rừng. Nhất là Rừng. Khác với những bố trí trực diện hoặc bổ đôi trục giữa xuyên suốt triển lãm bởi chính Tặng cũng bị những nhân vật của mình chất vấn, Rừng chỉ là cái cảm giác mơ màng khi khách miền xuôi bị rừng quyến rũ. Tặng rút gọn rừng thành bóng xám mờ ảo, thành dáng cây tối giản, như là một ký ức mờ nhạt, như là khi về đến thành phố thì rừng giữ hết màu sắc dáng hình. Gần như câu truyện cổ về những người thợ xây thợ mộc xây đền Thượng cho thánh Tản Viên, xuống qua chỗ núi thắt eo bòng là hình hài đền đài của Chúa núi rừng bị xóa nhòa hết.

Có lẽ cái thách thức với Tặng qua dăm bảy năm vẽ thổ cẩm, vẽ miền núi là tìm ra được một ngôn ngữ biểu tượng, khái quát hóa cái không khí vùng cao hình như ngày một nhòe đi, trôi tuột đi bên cạnh khói động cơ và xi măng tường gạch. Không một họa tiết đặc trưng, không một gam màu chính xác, Tặng tạo ra hoa văn thổ cẩm của mình, chia lại mặt vải, đưa chất toan thô xù xì thành một yếu tố gốc của hiệu ứng thị giác, làm rực rõ hơn những chi tiết màu tỉ mẩn.

{keywords}

Tôi chưa một lần đặt chân đến Tây Bắc. Chỉ nghe nói Tặng “lấy vợ dân tộc” mà cũng chả biết người dân tộc nào, miền nào – mà hóa ra chỉ là tin đồn vì Tặng vẽ thổ cẩm nhiều quá. Biết những bức ấn tượng mang hơi hướng trừu tượng của Tặng, và biết Tặng chỉ vẽ miền cao – là thổ cẩm, những cánh rừng, những thung lũng dữ dội hay những ngôi nhà sàn lặng lẽ. Giống như Tặng, tôi chọn cách ngắm tranh lặng lẽ, không lời giới thiệu, không trao đổi trước với họa sỹ, để màu sắc, hình hài, bố cục thật sự chạm đến cảm xúc của mình. Để chủ thể mỗi bức tranh – là đôi mắt, ánh nhìn hay một thoáng hằn trên khuôn mặt – trò chuyện một cách tự nhiên và hồn hậu như cách một con người vùng cao nguyên sơ nói với mình.

Đỗ Tú Anh