“Khóc thầm” là một nhạc phẩm được ca sỹ nhiều thế hệ yêu thích. Không chỉ những giọng ca bolero nổi tiếng mới mê “Khóc thầm”, ngay một giọng ca nhạc đỏ nổi tiếng là Anh Thơ cũng bị “Khóc thầm” cám dỗ thử sức. Song hiếm có nghệ sĩ nào hát “Khóc thầm” cảm xúc hơn Hương Lan. Bởi đoạn mở đầu của “Khóc thầm” được nhạc sỹ Lam Phương lấy cảm hứng từ cuộc chia tay của Hương Lan với người yêu.
Danh ca Hương Lan khi còn trẻ (Ảnh: Internet) |
Chị kể: Hè năm 1969, Hương Lan hát “Mưa đêm ngoại ô”, một sáng tác của nhạc sỹ Đỗ Kim Bảng. Chính bài hát này đã giúp chị gặp được người bạn trai đầu tiên. Vì mê “Mưa đêm tỉnh nhỏ” qua giọng ca Hương Lan nên anh đi tìm nữ ca sĩ. Hai người làm bạn rồi trở nên thân quen với nhau. Hết hè, chàng về Mỹ học. Nhạc sĩ Lam Phương đã dựa theo tình cảm của hai người trẻ tuổi thương yêu nhau nhưng phải chia xa, để viết “Khóc thầm”: “Tiễn anh đi rồi, em về gác lạnh đìu hiu/Ngoài trời trăng tỏ, mà sao ướt đôi tay mềm/Bóng đêm ngỡ là người em yêu/Khép đôi mi lại càng thương nhiều/Trời ơi thương nhớ, bao năm mặn nồng bây giờ lìa nhau”.
Cuộc chia ly mùa hạ của Hương Lan gợi cảm hứng để Lam Phương viết "Khóc thầm" (Ảnh: Internet) |
Còn những đoạn sau của “Khóc thầm” nữ danh ca không dám nhận là Lam Phương viết cho chuyện tình của chị, vì chuyện tình cảm của chị khi đó mới ở giai đoạn đơm hoa chưa sâu nặng như những gì nhạc sỹ viết: “Mấy đêm qua rồi, nghe từng gió lạnh ngoài song/Từng hồi chuông đổ càng thêm tái tê trong lòng/Vắng anh cô phòng càng quạnh hiu/Nhớ anh nhớ từng làn hơi thở/Giờ đây mới biết xa anh sẽ làm chết cả đời em”.
Tác giả "Thành phố buồn" ngày trẻ (Ảnh: Internet) |
Với nhạc sĩ Lam Phương, danh ca Hương Lan nhận mình là “một đứa em, một đứa cháu, một đệ tử cũng được”. Hương Lan là “nhân chứng nho nhỏ’” trên hành trình đời sống nhiều màu sắc, hạnh phúc xen lẫn khổ đau của nhạc sĩ tài hoa này. Năm 1968, khi Hương Lan đóng tuồng với Lệ Thủy, vai con của Lệ Thủy, thì có hai người thường xuyên đưa đón chị đi tập, một trong hai người ấy chính là tác giả “Tình bơ vơ”.
Lan Hương khi nhỏ bên cố nghệ sĩ Thanh Nga (Ảnh: Internet) |
Nhạc sĩ Lam Phương sống ở Paris một thời gian khá dài, từ năm 1980-1990, sau đó ông trở về Mỹ. Khi qua Pháp, Hương Lan đã đổi cách xưng hô với Lam Phương, theo đề nghị của ông. Lúc hơn mười tuổi, Hương Lan kêu Lam Phương bằng chú, qua Pháp, Lam Phương bảo Hương Lan kêu nhạc sĩ bằng anh, “đừng kêu bằng chú nữa vì xa cách quá”, chị kể.
Nữ danh ca được nhạc sĩ Lam Phương tận tình chỉ bảo, trau chuốt từng chút khi thể hiện sáng tác của ông. Chị chính là ca sĩ đầu tiên hát “Cỏ úa”, một nhạc phẩm có lẽ được nhiều ca sĩ lựa chọn nhất của nhạc sĩ Lam Phương: “Còn nhớ tên nhau xin gọi trong giấc mộng/Còn chút hương yêu xin đưa vào dư âm/Có phải còn yêu vì đôi lần thầm nhớ/Mình đã thật quên cớ sao lòng vẫn chờ/Từ lúc em đi trong rượu cay men nồng/Màu trắng khăn tang quanh căn phòng cô đơn/Bão tố triền miên ngày em về nhà đó/Buồn hắt buồn hiu ngõ đêm sầu cô liêu”.
Danh ca Hương Lan và tác giả "Khóc thầm" (Ảnh: Internet) |
Theo Hương Lan, Lam Phương là một nhạc sĩ đa tình. Gia tài tình khúc của Lam Phương đồ sộ và quyến rũ vì thế chăng? Nữ danh ca yêu lời ca trong âm nhạc Lam Phương, đặc biệt là những câu: “Cho anh cầm lấy đôi tay/Hôn nhẹ vào kỷ niệm/Để quên dần mọi lỗi lầm”. Khán giả yêu giọng ca Hương Lan khá bất ngờ khi chị hát “Cho em quên tuổi ngọc” của Lam Phương hay không tưởng: “Cho em quên cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây ngày nào/Em quên được phút trong tay mưa bay dạt dào/Đến muôn đời sau em không còn nhớ yêu đương bên nhau lần đầu”.
Danh ca Hương Lan trong "Tình ca Lam Phương" |
Theo Tiền Phong
Hương Lan khoe cháu nội lai Tây, Trinh Kim Chi trong veo tuổi đôi mươi
- Danh ca Hương Lan xúc động đón cháu nội thứ ba ở tuổi 64. Cô bé mới sinh được vài ngày, mang nét đẹp lai Á – Âu.